A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị tập huấn điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024

(binhdinh.gov.vn) - Sáng 13/5, tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Tổng Cục thống kê và Ủy ban dân tộc phối hợp tổ chức Hội nghị tập huấn điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội (KT-XH) của 53 dân tộc thiểu số (DTTS) năm 2024. Các đồng chí: Nông Thị Hà - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Nguyễn Thị Hương - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê đồng chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị có: ông Nguyễn Tự Công Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định; ông Matt Jackson - Trưởng đại diện Qũy Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam; hơn 300 đại biểu là lãnh đạo, công chức ngành Thống kê tại Trung ương và 54 tỉnh, thành phố; lãnh đạo, công chức của Ủy ban Dân tộc và lãnh đạo Ban Dân tộc 54 tỉnh, thành phố.

Quang cảnh hội nghị

Điều tra thu thập thông tin về thực trạng KT-XH của 53 DTTS được thực hiện căn cứ theo Quyết định số 02/QĐ-TTg ngày 05/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Cuộc điều tra năm 2024 được tiến hành vào ngày 01/7/2024 tại 54 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; trong đó, 51 tỉnh có xã thuộc vùng DTTS và miền núi và 03 tỉnh, thành phố có các xã, phường, thị trấn có nhiều người DTTS sinh sống. Đây là lần thứ 3 Tổng cục Thống kê phối hợp với Ủy ban Dân tộc tổ chức thu thập thông tin đánh giá về thực trạng KT-XH của 53 DTTS trên phạm vi toàn quốc (lần đầu tiên thực hiện vào năm 2015, lần thứ 2 vào năm 2019).

Tại hội nghị, các đại biểu sẽ được phổ biến, quán triệt, trang bị đầy đủ những kiến thức nghiệp vụ căn bản và thống nhất về cách thức thực hiện nhằm bảo đảm cho cuộc điều tra được tiến hành thuận lợi, hiệu quả theo Phương án Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng KT-XH của 53 DTTS năm 2024.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết: Đây là cuộc điều tra mẫu quy mô lớn, gần như một cuộc tổng điều tra về dân tộc của Việt Nam nhằm thu thập thông tin phục vụ đánh giá tình hình, xây dựng và hoạch định chính sách liên quan đến công tác dân tộc, phát triển KT-XH cho các vùng DTTS giai đoạn 2026 – 2030; đồng thời, làm cơ sở cập nhật hệ thống thông tin, dữ liệu thống kê về DTTS tại Việt Nam.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Thị Hà phát biểu tại hội nghị.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Thị Hà nhấn mạnh: Kết quả điều tra sẽ giúp các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là Ủy ban Dân tộc có đủ thông tin, tư liệu để tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ đánh giá 5 năm triển khai Đề án phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2025; chuẩn bị kế hoạch triển khai Đề án, Chiến lược giai đoạn 2026 – 2030; làm cơ sở quan trọng để Đảng, Quốc hội, Chính phủ điều hành, hoạch định chính sách dân tộc, củng cố và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững chắc.

Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam Matt Jackson phát biểu tại hội nghị.

Ông Matt Jackson - Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam cho rằng việc xây dựng, chia sẻ và sử dụng dữ liệu giữa các bộ, ban, ngành, cơ quan chính phủ và các bên liên quan khác là việc làm cần thiết nhằm cung cấp một góc nhìn sâu sắc về những thách thức phát triển mà người DTTS phải đối mặt. UNFPA cam kết tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho Tổng cục Thống kê và Ủy ban Dân tộc trong việc phân tích và kết nối dữ liệu với nhiều người dùng dữ liệu nhằm đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau ở Việt Nam.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng cho biết: Trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện kịp thời, hiệu quả các cơ chế, chính sách dành cho vùng đồng bào DTTS và miền núi. Nhờ đó, công tác phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh Bình Định đã có chuyển biến tích cực: Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS là 40,7%, giảm 10% so năm 2022; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 90% trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 70% người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông; tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được nâng cao; công tác chăm sóc sức khỏe, giáo dục - đào tạo có những chuyển biến tích cực; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi được giữ vững.

Đối với địa bàn tỉnh Bình Định, cuộc điều tra thu thập thông tin về thực trạng KT-XH của 53 DTTS được tiến hành tại 6 địa phương miền núi và trung du của tỉnh, gồm: Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão, Hoài Ân, Tây Sơn và Phù Cát, với địa bàn chọn mẫu tại 93 địa bàn. Đến nay, ngành Thống kê tỉnh Bình Định đang khẩn trương hoàn tất các công việc chuẩn bị có liên quan phục vụ cho cuộc điều tra này./.


Tác giả: Kim Loan

Tin nổi bật Tin nổi bật