|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024- 2025

(binhdinh.gov.vn) - Sáng ngày 19/8, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chủ trì hội nghị.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ điểm cầu Trung ương tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế đến 63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương. 

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Bình Định.

Dự hội nghị tại điểm cầu Bình Định có: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang; lãnh đạo Sở GD&ĐT và lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.

Theo báo cáo tại hội nghị, Năm học 2023 - 2024, với chủ đề “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”, ngành Giáo dục đã khắc phục khó khăn, cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra trong Quyết định 2457/QĐ-BGDĐT ngày 23/8/2023 của Bộ GDĐT về ban hành Kế hoạch nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2023 - 2024.

Toàn ngành Giáo dục đã tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”; qua đó, đánh giá toàn diện kết quả 10 năm đổi mới và đề xuất phương hướng tiếp tục triển khai trong giai đoạn tiếp theo, phù hợp với bối cảnh trong nước và quốc tế. Căn cứ kết quả tổng kết, Bộ GDĐT đã tham mưu Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 91-KL/TW, ngày 12/8/2024 tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.

Công tác phổ cập giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, giáo dục THCS và xoá mù chữ tiếp tục được các địa phương quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để huy động tối đa trẻ em trong độ tuổi đến trường, nhất là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và trẻ em khuyết tật. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều điểm mới đã được triển khai đồng bộ với đầy đủ các môn học, hoạt động giáo dục các lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10, 11 trên phạm vi cả nước. Việc thực hiện “một chương trình, nhiều sách giáo khoa” đã được triển khai hiệu quả, phát huy được ưu điểm nổi bật giúp thay đổi từ gốc việc chuyển từ dạy học truyền thụ kiến thức sang dạy học phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Khó khăn, vướng mắc trong việc phân công giáo viên và tổ chức dạy học các môn học mới đã cơ bản được tháo gỡ. Việc đổi mới phương pháp giáo dục được thực hiện ở tất cả các cơ sở giáo dục; học sinh phát huy tính chủ động, sáng tạo, giáo viên đóng vai trò là người tổ chức, kiểm tra, định hướng; hình thức tổ chức dạy học đa dạng, từng bước ứng dụng công nghệ tiên tiến. Các cơ sở giáo dục phổ thông ngày càng phát huy tính chủ động, linh hoạt trong việc triển khai thực hiện chương trình; việc tổ chức quản lý đã dần chuyển theo hướng quản trị nhà trường.

Tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 vào các ngày 27 và 28/6/2024 đảm bảo nghiêm túc, trung thực, khách quan, an toàn, đúng quy chế, bảo đảm thuận lợi và công bằng cho các đối tượng thí sinh. Tổng số thí sinh dự thi là 1.071.393 đạt tỷ lệ 98,96% so với tổng số thí sinh đăng ký dự thi, với tổng số 2.323 điểm thi và 45.149 phòng thi. Trong các ngày đăng ký dự thi, hệ thống quản lý thi hoạt động ổn định; việc đăng ký dự thi của thí sinh diễn ra bình thường, cơ bản thuận lợi, bảo đảm cơ sở dữ liệu thi chính xác, góp phần quan trọng để tổ chức Kỳ thi khách quan, công bằng. Công tác đề thi được thực hiện nghiêm túc, an toàn, bảo mật từ Trung ương đến địa phương. Nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, có sự phân hóa phù hợp bảo đảm kết quả thi chính xác, khách quan dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và cung cấp dữ liệu cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng để tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.

Công tác tuyển sinh năm 2024 cơ bản được duy trì ổn định như năm 2023, các văn bản hướng dẫn của Bộ GDĐT sớm được ban hành, tổ chức chạy thử và tập huấn lọc ảo đầy đủ, tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo chủ động trong việc triển khai công tác tuyển sinh. 

Tập trung thực hiện nhiều chính sách, hoạt động thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực công nghệ cao; xây dựng và áp dụng chuẩn chương trình đào tạo cho nhiều nhóm ngành, trong đó các nhóm ngành khoa học công nghệ, kỹ thuật (phục vụ Cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số) có chuẩn cao tương đương với khu vực và thế giới.

Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Nội vụ trình các cấp có thẩm quyền quyết định bổ sung 27.826 biên chế giáo viên năm học 2023 - 2024; các địa phương tích cực tuyển dụng biên chế giáo viên được giao; theo đó, đội ngũ nhà giáo đã được phát triển về số lượng, khắc phục dần những bất cập về cơ cấu.

Toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành và trong hoạt động dạy và học. Đến nay, đã hoàn thành việc xây dựng 100% các cơ sở dữ liệu của ngành giáo dục từ mầm non, phổ thông, kết nối Cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục với các Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và bảo hiểm...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc - baochinhphu.vn)

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao các kết quả mà ngành giáo dục và đào tạo đã đạt được góp phần vào thành tựu chung của đất nước trong năm vừa qua.

Bên cạnh kết quả đã đạt được, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế của ngành giáo dục. 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm học 2024 - 2025 là năm học đánh dấu kết thúc nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và tiến tới Đại hội đảng các cấp. Đây cũng là năm học Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được triển khai ở tất cả các lớp từ lớp 1 đến lớp 12 và cũng là năm học đầu tiên tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Nhằm thực hiện hiệu quả các quan điểm, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ được giao tại Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị toàn ngành Giáo dục tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau: Triển khai Kết luận số 91-KL/TW, ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; Tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục; Đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng, trong đó, quan tâm đến đối tượng là của người dân tộc thiểu số, người sống ở miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển hải đảo, trẻ mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; Phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục bảo đảm đủ số lượng và nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo; Sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục quốc phòng an ninh và giáo dục thể chất, y tế trường học; Nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo; Tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục; Đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; Tăng cường công tác truyền thông giáo dục và thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua trong toàn ngành.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành GD&ĐT chuẩn bị chu đáo các điều kiện cho năm học mới và tổ chức tốt Lễ khai giảng năm học mới sắp tới; tập trung tổ chức triển khai Kết luận 91 của Bộ Chính trị, bảo đảm hiệu quả, thiết thực; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời thể chế, cơ chế, chính sách về đổi mới giáo dục, đào tạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục; tổng kết, đánh giá toàn diện việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông…


Tác giả: DTD

Tin nổi bật Tin nổi bật