A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị trực tuyến chuyên đề “Thúc đẩy số hóa ngành nông nghiệp”

(binhdinh.gov.vn) - Chiều 14/5, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội nghị trực tuyến chuyên đề “Thúc đẩy số hóa ngành nông nghiệp”. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang – Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số dự và chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu Bình Định có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Điểm cầu Bình Định

Trong thời gian vừa qua, Quốc hội và Chính phủ đã hoàn thiện nhiều chính sách, pháp luật thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT) và chuyển đổi số. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp và PTNT đã đổi mới tư duy, cách thức tổ chức thực hiện, bám sát các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ để triển khai quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, kịp thời, hiệu quả để thúc đẩy phát triển CPĐT, hướng tới Chính phủ số, Chuyển đổi số thông qua đẩy nhanh số hóa dữ liệu, ứng dụng CNTT, công nghệ số vào các hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành, sản xuất, kinh doanh,… của Bộ, ngành.

Theo đó, việc số hóa, ứng dụng CNTT, công nghệ số để nâng cao giá trị kinh tế số trong lĩnh vực nông nghiệp đã đạt được những kết quả tích cực. Việc thực hiện chuyển đổi số bước đầu đã được áp dụng trong ngành nông nghiệp ở các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, mang lại những kết quả hết sức khả quan. Nhiều chương trình, phần mềm quản trị vườn trồng, nông nghiệp chính xác được áp dụng nhằm tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên (nước, phân bón…) để dần chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại, tạo ra nhiều cơ hội tăng năng suất lao động, giảm phụ thuộc vào điều kiện môi trường, thời tiết, kiểm soát dịch bệnh tốt hơn. Hàng chục vạn nông dân trên cả nước đã và đang ứng dụng có hiệu quả công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp. Đến tháng 12/2023 đã có hơn 2 triệu hộ sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh, thành được đào tạo kỹ năng số, gần 50.000 sản phẩm nông sản được đưa lên sàn thương mại điện tử và hàng nghìn giao dịch điện tử đã được thực hiện cho thấy hiệu quả bước đầu của công cuộc chuyển đổi số nông nghiệp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp công nghệ số cũng tham gia vào nông nghiệp, nông thôn. Chỉ vài tháng sau khi Chương trình Chuyển đổi số quốc gia được ban hành, Tập đoàn Lộc Trời và Tập đoàn VNPT đã ký Thỏa thuận hợp tác toàn diện nhằm cùng nhau hướng đến mục tiêu chuyển đổi số quốc gia, nhanh chóng đưa ngành nông nghiệp trở thành kinh tế mũi nhọn…

Bên cạnh những kết quả đạt được, số hóa trong nông nghiệp cũng gặp những khó khăn, vướng mắc như: Hiện chưa có các quy định riêng về dữ liệu ở mức Luật, các quy định về dữ liệu còn lồng trong các văn bản, quy định hướng dẫn về ứng dụng CNTT; dữ liệu của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Bộ còn rời rạc, cục bộ, khép kín trong phạm vi của đơn vị. Trong khi đó, nhân lực làm công tác chuyển đổi số còn hạn chế, thiếu kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm về chuyển đổi số; thiếu các cơ chế chính sách phù hợp nhằm thu hút, tuyển dụng, đãi ngộ nhân lực có trình độ về Chuyển đổi số, an toàn, an ninh thông tin. Bên cạnh đó, các hướng dẫn, định mức, quy định về chi cho các hoạt động chuyển đổi số chưa có, hoặc chưa được giới thiệu, tập huấn, cán bộ, công chức gặp khó khăn trong công tác tham mưu, đề xuất nội dung, mức chi phù hợp với các quy định hiện hành…

Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp đã nêu thực trạng đổi mới sáng tạo trong thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp tại Việt Nam; chia sẻ những kinh nghiệm về đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số nông nghiệp trên thế giới; một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động đổi mới sáng tạo trong thúc đẩy kinh tế số ngành nông nghiệp; ứng dụng Đề án “phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06) vào thúc đẩy số hóa ngành nông nghiệp; giải pháp thúc đẩy số hóa các ngành hàng nông sản đáp ứng yêu cầu của thị trường; nút thắt và kiến nghị chính sách khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã công nghệ tham gia thúc đẩy số nông nghiệp… Đại diện các địa phương tập trung trao đổi những thuận lợi khó khăn và kiến nghị những giải pháp nhằm thúc đẩy số hóa trong nông nghiệp tại địa phương.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của ngành Nông nghiệp và PTNT cùng các tổ chức, đơn vị, địa phương trong việc triển khai công tác chuyển đổi số trong thời gian qua.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị ngành Nông nghiệp và PTNT tiếp tục phối hợp với các tổ chức, đơn vị, địa phương tập trung triển khai công tác cải cách thủ tục hành chính; hợp nhất, đồng bộ và phát triển hệ thống thông tin dữ liệu của ngành Nông nghiệp và PTNT; nâng cấp hạ tầng số để cơ sở dữ liệu kết nối với nhau; cập nhập liên tục, chính xác và kịp thời thông tin về ngành Nông nghiệp và PTNT.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng đề nghị các doanh nghiệp hàng đầu về CNTT tiếp tục phát huy vai trò đầu mối trong triển khai công tác chuyển đổi số trong nông nghiệp; phản ánh các kiến nghị, vướng mắc trong triển khai công tác chuyển đổi số để được cấp thẩm quyền giải quyết kịp thời./.


Tác giả: Kim Loan

Tin nổi bật Tin nổi bật