A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện 2 Chương trình mục tiêu quốc gia

(binhdinh.gov.vn) - Sáng 21/4, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Tại điểm cầu Bình Định, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh và lãnh đạo các sở, ngành dự hội nghị.

Hội nghị tại điểm cầu Bình Định

Theo Báo cáo tại hội nghị, đến nay, cả nước có 5.706/8.227 xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 663 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 71 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Có 225 đơn vị cấp huyện thuộc 55 tỉnh, thành phố được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Mục tiêu đến năm 2025, cả nước phấn đấu có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, khoảng 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và ít nhất 10% đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới; ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020. Về kinh phí thực hiện, tổng nguồn vốn ngân sách Nhà nước bố trí cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 tối thiểu 196.332 tỷ đồng.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đặt mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao chất lượng cuộc sống. Cụ thể, tổng tỷ lệ hộ nghèo đa chiều duy trì ở mức giảm 1-1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4-5%/năm. 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.

Chương trình đề ra 7 dự án gồm: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn; Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; Truyền thông và giảm nghèo về thông tin; Nâng cao năng lực giám sát, đánh giá chương trình.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đánh giá việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển nông thôn. Các thiết chế hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản đã được cải thiện. Đời sống người dân nông thôn ngày càng được nâng cao. Công tác giảm nghèo và an sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm, điều kiện cho người dân tiếp cận ngày càng tốt hơn với các dịch vụ xã hội cơ bản. Nhiều chính sách xã hội đã đi vào đời sống, đóng vai trò hỗ trợ thiết thực cho các đối tượng yếu thế.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị các bộ ngành, địa phương thống nhất các giải pháp để triển khai đồng bộ các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, phương án phân bổ, lồng ghép các nguồn lực; cơ chế kiểm tra, giám sát… với yêu cầu không trùng lặp nhiệm vụ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhưng không bỏ sót các nhóm đối tượng cần hỗ trợ. Tuyên truyền, quán triệt nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, cho đến cán bộ, người dân về nội dung, yêu cầu của từng chương trình mục tiêu quốc gia.

Trong tháng 5/2022, các bộ, ngành được phân công phải khẩn trương ban hành các thông tư đã được giao, phê duyệt các chương trình chuyên đề, dự án thành phần. Bộ LĐ-TBXH, Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính khẩn trương ban hành kế hoạch lồng ghép các nguồn vốn thực hiện 2 chương trình mục tiêu quốc gia quan trọng này.

Tại tỉnh Bình Định, việc triển khai thực hiện 2 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 gồm Chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, đến nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh; đồng thời ưu tiên hỗ trợ vốn để tiếp tục triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới nhằm hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới theo quy định, cụ thể: Năm 2021, UBND tỉnh đã phân bổ 35 tỷ đồng vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ 5 xã có kế hoạch về đích NTM năm 2021, bình quân 7,0 tỷ đồng/ xã; và 14 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh hỗ trợ 7 xã nông thôn mới phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2021. Năm 2022, UBND tỉnh bố trí 38 tỷ đồng để hỗ trợ các xã có kế hoạch đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022 trên địa bàn tỉnh.

Tính đến cuối năm 2020, tỉnh Bình Định có 86/121 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM. Tổng nguồn lực huy động thực hiện Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2016 – 2020 trên 53.152 tỷ đồng. Đến nay, toàn tỉnh có 4 đơn vị gồm: huyện Tuy Phước, thị xã An Nhơn, Hoài Nhơn và TP. Quy Nhơn được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn hoặc hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Huyện Phù Cát đang trình cấp thẩm quyền công nhận hoàn thành chương trình này./.


Tác giả: Thùy Trang

Tin nổi bật Tin nổi bật