A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị trực tuyến triển khai công tác ứng phó với bão Trà Mi

(binhdinh.gov.vn) - Chiều tối ngày 24/10, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai các biện pháp chủ động ứng phó với bão Trà Mi. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn, Trưởng ban Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Thị Phong Vũ - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các thành viên Ban chỉ huy PTDS tỉnh; đại diện lãnh đạo các cơ quan liên quan.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, chiều nay (24/10), bão Trà Mi đã vượt qua miền Trung Philippines vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 6 năm nay. Bão Trà Mi giữ cường độ mạnh cấp 9, giật cấp 11. Đây được nhận định là cơn bão dị thường nhất về quỹ đạo từ đầu mùa. Các trung tâm dự báo trên thế giới đưa ra các mô hình nhận định khác nhau về đường đi và cường độ bão.

PGĐ Sở NN&PTNT Hồ Đắc Chương báo cáo tại hội nghị

Còn theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, hiện nay theo dự báo, cơn bão vẫn chưa có vị trí khả năng ảnh hưởng rõ ràng đến đất liền nước ta, trong khi đó tình hình mưa hầu như phụ thuộc vào hoàn lưu của bão. Nhận định ban đầu về tình hình mưa tại khu vực Bình Định có thể xảy ra từ ngày 27 – 28/10, với lượng khoảng từ 60 – 100 mm, có nơi trên 120 mm.

Về tình hình tàu thuyền, toàn tỉnh có 6.239 tàu thuyền với 43.673 lao động, trong đó có 5.656 tàu với 39.816 lao động đang hoạt động ven bờ trong tỉnh và neo đậu tại bến, 583 tàu với 3.857 lao động hoạt động ở vùng khơi. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Chi cục Thủy sản, Đài Thông tin Duyên hải Quy Nhơn, UBND các huyện ven biển, thị xã Hoài Nhơn và thành phố Quy Nhơn đã liên lạc với gia đình chủ tàu thông báo cho tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh. Tới chiều nay, không có tàu nào nằm trong vùng nguy hiểm.

Chỉ huy trưởng BCH Quân sự tỉnh Đỗ Xuân Hùng thông tin phương án chủ động chuẩn bị ứng phó với bão

Đối với các hồ chứa, toàn tỉnh có 164 hồ chứa, dung tích nước hiện có tại các hồ là 180,3/683 triệu m3 đạt 26,4% dung tích thiết kế. Các hồ chứa cơ bản đảm bảo an toàn khi có mưa lớn.

Một số cây trồng vụ mùa nông dân đang tiến hành thu hoạch như cây lúa thu hoạch 1.806 ha, đạt 40% diện tích, cây bắp thu hoạch 2.336 ha, đạt 89,3% diện tích, đậu phụng thu hoạch 628 ha, đạt 97,1% diện tích…

Tại hội nghị, các ngành, địa phương đã trao đổi, thông tin các phương án chủ động chuẩn bị ứng phó với bão Trà Mi.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn phát biểu chỉ đạo 

Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành, địa phương lưu ý mức độ ngày càng khốc liệt của thiên tai, minh chứng rõ nhất là cơn bão Yagi (bão số 3) đổ bộ vào các tỉnh phía Bắc gây hậu quả nặng nề.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh các đơn vị, địa phương kích hoạt phương án phòng chống bão Trà Mi tương ứng với phương án chống bão cấp 4, cấp cao nhất trong phòng chống bão lụt của tỉnh và bám sát diễn biến cơn bão để kích hoạt các biện pháp phòng chống cụ thể.

Trước mắt, Bộ đội Biên phòng, các cơ quan, đơn vị, địa phương ven biển tổ chức thông tin, kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm, tìm nơi tránh trú an toàn. Tàu thuyền neo đậu trong bờ, lồng bè nuôi trồng thuỷ sản chủ động giằng néo, neo đậu an toàn. Các địa phương rà soát, tuyên truyền, vận động nhân dân thu hoạch cây trồng, lồng bè nuôi tôm cá, thuỷ hải sản để hạn chế thiệt hại nếu bão vào. Bên cạnh việc vận hành, đảm bảo an toàn các hồ chứa nước, Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý Sở NN&PTNT căn cứ diễn biến mưa bão để tính toán phương án tích nước.

Tại các khu vực, vùng nguy cơ sạt lở, chính quyền địa phương chủ động di dời người dân trước khi mưa bão vào. Khu vực đô thị phải chủ động cắt tỉa cây xanh, tháo dỡ các biển báo, quảng cáo có nguy cơ bị gió bão thổi bay để đảm bảo an toàn.

Hội nghị trực tuyến tới các điểm cầu địa phương

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn yêu cầu các sở ngành, các chủ đầu tư rà soát lại các công trình xây dựng, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho công trình và công nhân thi công, tổ chức tháo dỡ các đường công vụ, khơi thông dòng chảy để tiêu thoát nước. Ngành Giao thông tổng kiểm tra lại các công trình cầu cống, kịp thời cảnh báo hoặc cấm người và phương tiện qua lại các cầu bị xuống cấp, hư hỏng. Ngành điện lực rà soát hệ thống, đảm bảo cung cấp điện liên tục và an toàn. Các địa phương bố trí lực lượng hướng dẫn người dân đi lại khi mưa to gió lớn.

Chủ tịch UBND tỉnh đặc biệt lưu ý các cơ quan, đơn vị địa phương phải triển khai phương châm “4 tại chỗ” trong phòng chống thiên tai gồm hậu cần, trang thiết bị, chỉ huy và lực lượng tại chỗ phải thực chất, cụ thể, linh hoạt, sát tình hình thực tế. Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh vai trò nòng cốt của lực lượng quân đội, công an trong phòng chống thiên tai và yêu cầu các lực lượng này của tỉnh và cả các đơn vị của quân đội, công an của Bộ, quân khu chủ động đảm bảo nhân lực, phương tiện, kết nối với các địa phương để sẵn sàng tham gia hỗ trợ, cứu hộ, cứu nạn kịp thời. Đồng thời, các cơ quan, đơn vị liên quan đảm bảo thông tin liên lạc, chỉ đạo phòng chống thiên tai thông suốt kịp thời. Các cơ quan, đơn vị địa phương tổ chức lực lượng ứng trực 24/24h khi có mưa bão.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn yêu cầu Sở TT&TT tổ chức phát sóng trên các đài truyền thanh xã 2 lần mỗi ngày, thông tin kịp thời cho nhân dân nắm rõ diễn biến, cường độ bão Trà Mi, để người dân chủ động các biện pháp ứng phó, giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra./.


Tác giả: Trang Lê

Tin nổi bật Tin nổi bật