A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khởi động Chương trình phân loại rác tại nguồn tại thành phố Quy Nhơn

(binhdinh.gov.vn) - Sáng 23/9, UBND thành phố Quy Nhơn phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức Hội thảo khởi động Chương trình phân loại rác tại nguồn tại thành phố Quy Nhơn. Dự hội thảo có: ông Nguyễn Tự Công Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; bà Mette Moglestue - Phó Đại sứ Na Uy tại Việt Nam; bà Ramla Khalidi - Trưởng Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam.

Quang cảnh hội thảo

Trong thời gian qua, UBND thành phố Quy Nhơn đã phối hợp với UNDP triển khai thực hiện Dự án “Nhân rộng các Mô hình quản lý chất thải tổng hợp thông qua trao quyền cho các lao động thuộc khu vực phi chính thức và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn” (DWP5C Pha II). Dự án được tài trợ thông qua Đại sứ quán Na Uy với mục tiêu xây dựng các mô hình quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải ngành thủy sản hiệu quả, xây dựng các cơ sở thu hồi vật liệu (MRF), đồng thời xây dựng chương trình và các hướng dẫn kỹ thuật thúc đẩy hoạt động phân loại chất thải tại nguồn tại thành phố Quy Nhơn. 

Tại hội thảo, ông Nguyễn Đức Toàn - Phó Chủ tịch UBND thành phố Quy Nhơn đã công bố Chương trình phân loại rác tại nguồn tại thành phố Quy Nhơn và kế hoạch tập huấn, tuyên truyền nhằm triển khai có hiệu quả Chương trình này. Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2024-2025, thành phố Quy Nhơn sẽ thí điểm phân loại rác tại nguồn trên địa bàn phường Nguyễn Văn Cừ và phường Ngô Mây, với mục tiêu ít nhất 50% số hộ dân tham gia thực hiện. Chương trình sẽ chính thức bắt đầu từ ngày 01/10/2024; đối tượng thực hiện là các hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng cho biết: Khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên phạm vi toàn tỉnh Bình Định trong năm 2023 khoảng 1.050 tấn/ngày, khu vực đô thị phát sinh khoảng 580 tấn/ngày; khu vực nông thôn khoảng 470 tấn/ngày. Trong đó, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, vận chuyển đạt 73,1%, tại đô thị đạt 86,04%, tại nông thôn đạt 57,13%. Hầu hết chất thải rắn sinh hoạt sau khi thu gom đều được xử lý bằng hình thức chôn lấp.

Tỉnh Bình Định đặt mục tiêu đến năm 2030, 95% chất thải rắn sinh hoạt đô thị và 90% chất thải rắn sinh hoạt nông thôn sẽ được thu gom và xử lý theo quy định. Tỉnh cũng hướng đến việc hiện đại hóa công nghệ xử lý chất thải rắn, hướng đến giảm tỷ lệ chôn lấp; xử lý rác gắn với thu hồi năng lượng để phát điện…; tăng cường phân loại rác, tái chế, tái sử dụng; lồng ghép với các mô hình xử lý rác quy mô nhỏ, phù hợp, các dự án do các đối tác, tổ chức quốc tế tài trợ, hỗ trợ về công nghệ, mô hình trình diễn…

Thành phố Quy Nhơn là đô thị loại 1 của tỉnh Bình Định, đòi hỏi việc triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt phải được chú trọng thực hiện, nhằm xây dựng một thành phố Quy Nhơn bền vững về môi trường trong tương lai. “Việc triển khai thí điểm sẽ giúp địa phương đánh giá mức độ phù hợp của mô hình và từ đó phát triển một mô hình khả thi, có thể áp dụng rộng rãi trên toàn thành phố.” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng nhấn mạnh.

Bà Mette Moglestue - Phó Đại sứ Na Uy tại Việt Nam (thứ 2, bên trái) và bà Ramla Khalidi - Trưởng Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam (đầu tiên, bên phải) tham dự hội thảo.

Tại hội thảo, UBND thành phố Quy Nhơn đã bàn giao 4 xe tải điện chở rác tái chế, do UNDP tặng, cho Công ty Cổ phần Môi trường Bình Định để phục vụ công tác vận chuyển riêng các loại rác tái chế từ các điểm thu gom về cơ sở xử lý tại Khu xử lý chất thải rắn Long Mỹ.

Nhằm tăng cường nhựa tái chế trong sản xuất, đồng thời thu gom và xử lý bao bì nhựa, biến rác thải thành tài nguyên, giảm thiểu những nguy cơ cho môi trường, Công ty Cổ phần Nhựa tái chế Duy Tân và Công ty Cổ phần Môi trường Bình Định đã ký kết hợp đồng nguyên tắc về việc mua bán phế liệu nhựa. 

Đại diện Công ty Cổ phần Môi trường Bình Định (bên phải) và đại diện Công ty Cổ phần Nhựa tái chế Duy Tân (bên trái) ký kết hợp đồng nguyên tắc về việc mua bán phế liệu nhựa. 

* Ngay sau hội thảo, tại Khu xử lý chất thải rắn Long Mỹ (TP.Quy Nhơn), Công ty Cổ phần Môi trường Bình Định tổ chức Lễ Khánh thành Cơ sở thu hồi vật liệu (MRF). 

Đại biểu cắt băng khánh thành Cơ sở thu hồi vật liệu (MRF). 

MRF được khởi công xây dựng từ ngày 03/7/2024, có diện tích 1.000m2, với tổng mức đầu tư xây dựng khoảng 2,8 tỷ đồng tại vị trí tiếp giáp của nhà phân loại rác thải sinh hoạt hiện trạng trong Khu xử lý chất thải rắn Long Mỹ. MRF sẽ thu gom khoảng 04 tấn nhựa/ngày từ các nguồn như: các hộ gia đình thực hiện chương trình phân loại rác tại nguồn, nhà hàng, khách sạn, trường học, cảng cá và các vựa phế liệu để tiến hành sơ chế và phân loại thành các loại nhựa làm nguyên liệu cho quá trình tái chế hạt nhựa làm đầu vào cho sản xuất vật liệu. Tạo việc làm cho khoảng 20 lao động chính thức làm việc tại MRF và hơn 200 lao động phi chính thức khi tham gia vào mạng lưới thu gom cung cấp đầu vào cho MRF; góp phần phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty, đồng thời góp phần xây dựng thành phố Quy Nhơn hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, phát thải thấp.

 Phân loại phế liệu nhựa tại MRF

MRF hoạt động nhằm các mục tiêu: hỗ trợ tăng cường công tác thu gom, vận chuyển, sơ chế và thúc đẩy tái chế nhựa phế liệu từ nguồn phát sinh, đặc biệt nguồn nhựa có giá trị thấp không được thu gom và tái chế, từ đó, góp phần giảm thiểu lượng rác nhựa rò rỉ ra môi trường; tăng cường hiệu quả sử dụng tài nguyên, đặc biệt là nguyên liệu nhựa phục vụ cho ngành công nghiệp nhựa và ngành tái chế nhựa vốn đang thiếu nhựa phế liệu trong nước; góp phần tạo thêm việc làm xanh cho địa phương, đặc biệt tạo sinh kế cho khối lao động phi chính thức khi tham gia vào mạng lưới thu gom và cung cấp phế liệu đầu vào cho sản xuất./.


Tác giả: Kim Loan

Tin nổi bật Tin nổi bật