A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, Chuyển đổi số và Đề án 06 tỉnh Bình Định

(binhdinh.gov.vn) - Sáng 19/9, tại trụ sở UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì Phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, Chuyển đổi số và Đề án 06 của tỉnh để nghe báo cáo tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ 9 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2024. Phiên họp được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến đến các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh. Tham dự phiên họp còn có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo.

Quang cảnh phiên họp.

Theo báo cáo tại phiên họp, trong 9 tháng đầu năm, hầu hết các cơ quan, đơn vị, địa phương tích cực triển khai thực hiện Kế hoạch cải cách hành chính của tỉnh. Đến nay, đã hoàn thành 17/30 nhiệm vụ trong Kế hoạch này; hoàn thành 24/59 nhiệm vụ trong các Kế hoạch chuyển đổi số và hoàn thành 28/40 nhiệm vụ trong Kế hoạch thực hiện Đề án 06 (trong đó có 03 nhiệm vụ đang chờ hướng dẫn theo lộ trình chung của Trung ương). 

Trong đó, toàn tỉnh đã giảm 08 đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2023, nâng tổng số giảm lên 160 đơn vị (tương ứng tỷ lệ giảm 18,33% số đơn vị so với năm 2015, tỷ lệ giảm 7,53% số đơn vị so với năm 2021). Hoàn thành việc phê duyệt Đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, cơ cấu chức danh nghề nghiệp viên chức của 22/22 sở, ban, 11/11 UBND cấp huyện và 720/720 đơn vị sự nghiệp công lập; đã phê duyệt 2.611vị trí việc làm trong các cơ quan hành chính và 7.441 vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập.

Đã thực hiện kiểm tra công vụ tại 49 địa phương cấp xã. Đáng chú ý, lần đầu tiên, Thanh tra tỉnh đã tiến hành thanh tra công vụ về công tác giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính tại 08 sở, ngành, địa phương cấp huyện. Ngoài ra, Văn phòng UBND tỉnh đã thực hiện nền nếp việc công khai danh sách cán bộ, công chức, viên chức giải quyết hồ sơ TTHC trễ hẹn định kỳ hằng tháng. Nhờ đó, đã góp phần chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, hạn chế tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, giảm tỷ lệ hồ sơ giải quyết trễ hạn, tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính đúng hẹn của tỉnh đến tháng 9/2024 đạt 99,9%.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan đã triển khai hiệu quả “Quy chế phối hợp giải quyết các thủ tục hành chính về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường và phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn tỉnh” góp phần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc triển khai thực hiện dự án đầu tư tại tỉnh Bình Định.

Các địa phương đã triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch triển khai mô hình “Hành chính phục vụ người dân” trên địa bàn tỉnh được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 4900/QĐ-UBND ngày 28/12/2023.

Bình Định đã tổng rà soát về yêu cầu, điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với từng thủ tục hành chính theo quy định tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP: hiện đang cung cấp 1089 dịch vụ công trực tuyến toàn trình (đạt tỷ lệ 58,3%), cung cấp 655 dịch vụ công trực tuyến một phần (đạt tỷ lệ 35,06%), còn lại 124 thủ tục hành chính (chiếm tỷ lệ 6,64%) chưa thể triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến do vướng quy định: kiểm tra thực địa, yêu cầu sự hiện diện của người nộp hồ sơ hoặc kết quả hồ sơ thủ tục hành chính phải thao tác trực tiếp trên bảng giấy…

Về kết quả “Chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong công tác giải quyết thủ tục hành chính” trong năm 2024, đến thời điểm này, Bình Định đang xếp vị trí thứ 2/63 (sau tỉnh Cà Mau) với một số kết quả được công khai trên Cổng Dịch vụ công quốc gia như sau: Hồ sơ nộp trực tuyến đạt 85,5% (bình quân cả nước đạt 54,2%), Thanh toán trực tuyến đạt 79,72% (bình quân cả nước đạt 42,91%), Số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt 88,93% (bình quân cả nước đạt 65,07%), Khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa đạt 36,6% (bình quân cả nước đạt 12,91%) và Tỷ lệ cấp kết quả điện tử đạt 83,92(bình quân cả nước đạt 66,93%).

Tỉnh đã bắt đầu triển khai ứng dụng AI trong công tác hỗ trợ, nâng cao chất lượng thực thi công vụ của cán bộ, công chức, nâng cao năng lực hoạt động, năng lực quản lý của các cơ quan nhà nước. Ngoài ra, đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông đã hoàn thành xong việc xây dựng, đưa vào vận hành một số nền tảng quan trọng như: Hệ thống thông tin nguồn (quản lý Đài truyền thanh cơ sở), Hệ thống quản lý thông tin trên internet và mạng xã hội, Kho dữ liệu số cấp tỉnh…

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn Phát biểu kết luận phiên họp.

Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương bám sát triển khai thực hiện các Kế hoạch về cải cách hành chính, chuyển đổi số, Đề án 06 của tỉnh. Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải thật sự quan tâm, quyết liệt, kiên trì thực hiện cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số, Đề án 06; có nhiều sự đổi mới tư duy, thay đổi phương pháp làm việc. Từng cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung rà soát, tổ chức, triển khai thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao kết quả Chỉ số PAPI, Chỉ số SIPAS, Chỉ số PAR INDEX, Chỉ số PCI, PII theo các Kế hoạch của UBND tỉnh. Xác định việc xây dựng, cập nhật các CSDL chuyên ngành là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt để xây dựng Kho dữ liệu số của tỉnh; bố trí nhân sự phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, cần phải thay đổi tư duy, cách tiếp cận giữa chính quyền với người dân và doanh nghiệp để công tác cải cách hành chính của từng cơ quan, đơn vị, địa phương nói riêng và của tỉnh nói chung từng bước có sự chuyển biến theo hướng thực chất, bền vững, tránh tình trạng đối phó, thành tích.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn lưu ý một số ngành cần có kế hoạch, giải pháp mang tính riêng có, đột phá về triển khai thực hiện Đề án 06, nhất là công tác khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ cho công tác quản lý xã hội, phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông khẩn trương đưa các hệ thống thông tin vào hoạt động gồm: Trợ lý ảo, Hệ thống thông tin nguồn, Hệ thống quản lý thông tin trên internet và mạng xã hội, Hệ thống quản lý thông tin báo chí và Kho dữ liệu số tỉnh giai đoạn 1. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản liên quan để vận hành các nền tảng, hệ thống thông tin theo quy định…


Tác giả: DTD

Tin nổi bật Tin nổi bật