Lãnh đạo tỉnh dự Hội nghị trực tuyến đánh giá thiệt hại và khắc phục hậu quả đợt mưa to trái mùa
(binhdinh.gov.vn) - Sáng ngày 1/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp trực tuyến đột xuất đánh giá tình hình thiệt hại và hướng khắc phục hậu quả đợt mưa trái mùa gây thiệt hại lớn cho các tỉnh từ Thừa Thiên – Huế đến Khánh Hòa. Tại đầu cầu tỉnh Bình Định, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh chủ trì.
Hội nghị trực tuyến tại Điểm cầu Bình Định
Đợt mưa lớn trái mùa kèm theo gió và sóng to tại các tỉnh Nam Trung Bộ trong 3 ngày qua đã gây thiệt hại lớn cho bà con ở đây. Cả trăm tàu cá, lồng bè nuôi trồng thủy sản và cả ngư lưới cụ của ngư dân đã bị sóng biển đánh dạt, nhấn chìm và tất cả đều hư hỏng. Hàng nghìn ha lúa Đông Xuân đến kỳ thu hoạch bị ngã đổ, ngập úng.
Tại tỉnh Bình Định, báo cáo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh cho biết, từ ngày 30/3 đến ngày 1/4, trên địa bàn tỉnh Bình Định có mưa lớn (có nơi mưa lớn trên 300mm) và kèm theo giông, lốc xoáy đã gây thiệt hại cho nhiều địa phương ven biển, nhất là xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn. Sóng to, gió lớn đã gây đứt dây neo làm chìm, thiệt hại 55 phương tiện khai thác hải sản của 53 hộ dân trong xã. Hộ dân có tàu thuyền bị chìm, đập vỡ đều là những hộ thuộc diện rất khó khăn. Ghe thuyền bị thiệt hại là tài sản rất lớn của gia đình và là phương tiện sinh kế chính của họ. Mưa to kèm theo gió lớn cũng làm ngập, ngã đổ hơn 10.000 ha lúa Đông Xuân đã chín, hơn 300 ha hoa màu các loại. Địa phương đang tiếp tục thống kê thiệt hại. Về khắc phục hậu quả, tỉnh Bình Định đã cứu trợ đột xuất cho 53 hộ có ghe, thuyền, ca nô bị chìm mỗi hộ 2 triệu đồng, lên phương án trục vớt; trích ngân sách tỉnh hỗ trợ mỗi hộ có tàu thuyền dưới 20CV bị chìm, thiệt hại 5 triệu đồng; 15 triệu đồng đối với mỗi ghe, thuyền từ 20CV – 50CV. Các địa phương tập trung tiêu thoát nước, chống úng ngập cho lúa.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh cũng đã kiến nghị Chính phủ sớm nghiên cứu đánh giá lại diễn biến thời tiết bất thường do biến đổi khí hậu gây ra, từ đó có giải pháp ứng phó phù hợp, tăng cường thông tin dự báo kịp thời để nhân dân chủ động phòng chống; bố trí thêm nhân lực, nguồn lực cho công tác phòng chống thiên tai, nhất là lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng cứu. Chính phủ có chính sách hỗ trợ cho các hộ có ghe thuyền bị hư hỏng, chìm đắm và nông dân có lúa, hoa màu bị ngã đổ, hư hỏng.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh báo cáo công tác ứng phó và khắc phục hậu quả đợt mưa to trái mùa tại tỉnh với Hội nghị
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá cao sự chủ động của tỉnh Bình Định trong công tác ứng phó với đợt mưa lớn kèm theo gió lốc tại tỉnh Bình Định, đặc biệt là sự hỗ trợ kịp thời cho người dân có ghe, thuyền bị thiệt hại. Phó Thủ tướng cũng đề nghị các tỉnh từ Thừa Thiên – Huế đến Khánh Hòa phải chủ động, nhanh chóng hỗ trợ ổn định đời sống cho người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, tiêu thoát nước mưa gây ngập úng trong đồng ruộng và hỗ trợ nông dân thu hoạch kịp thời. Chính phủ và các bộ ngành sẽ có nghiên cứu, đánh giá tổng quát các hình thái thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra để chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương chủ động các biện pháp ứng phó. Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương phải tích cực, chủ động hơn nữa trong công tác phòng chống thiên tai, tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn người dân các biện pháp ứng phó. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng sẽ có những cơ chế, chính sách, bố trí nguồn lực hỗ trợ kịp thời cho người dân bị thiệt hại trong đợt mưa to, gió lớn tại các tỉnh…
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành kết luận cuộc họp
Cũng trong sáng nay, ngay sau cuộc họp trực tuyến với Chính phủ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh đã giao các sở, ngành, địa phương liên quan tiếp tục thông tin, dự báo cảnh báo diễn biến bất thường cho người dân nắm rõ, nâng cao ý thức cảnh giác. Ngành nông nghiệp và các địa phương thống kê, rà soát lại toàn bộ thiệt hại của người dân sau đợt mưa to, gió lớn 3 ngày qua, không chỉ diện tích lúa ngã đổ, ghe thuyền bị chìm mà cả diện tích lúa Hè vừa gieo sạ và lồng bè nuôi trồng thủy sản, đồng thời đề xuất biện pháp hỗ trợ cho nhân dân kịp thời. Thực hiện việc điều tiết các hồ chứa, tiêu thoát nước trong đồng ruộng thích hợp đồng thời cảnh báo nguy cơ sạt lở ở vùng núi nếu mưa lớn còn tiếp diễn.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh giao Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cùng các sở, ngành liên quan ngay khi biển lặng nhanh chóng tiến hành trục vớt các ghe, thuyền bị chìm tại xã Nhơn Lý. Về lâu dài, Ngành NN và PTNT cùng các ngành liên quan nghiên cứu, đánh giá, cập nhật những diễn biến, hình thái thời tiết tại tỉnh để chủ động các biện pháp ứng phó thích hợp, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra./.