A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường bảo đảm an toàn giao thông đối với hoạt động vận tải hành khách đường thủy nội địa

(binhdinh.gov.vn) - UBND tỉnh vừa ban hành Văn bản 1549/UBND-KT yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường bảo đảm an toàn giao thông đối với hoạt động vận tải hành khách đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh.

Ảnh minh họa

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 05/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa trong tình hình mới.

Giao Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng chức năng phối hợp với Thanh tra Sở Giao thông vận tải, chính quyền địa phương tăng cường thanh tra, tuần tra, kiểm soát, trong đó tập trung kiểm tra ngay tại các cảng, bến thủy có tổ chức hoạt động vận tải hành khách, đặc biệt là vận tải hành khách từ bờ ra đảo; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định pháp luật về an toàn giao thông; kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với các phương tiện, cảng, bến không đủ điều kiện an toàn, người lái phương tiện không có bằng, chứng chỉ chuyên môn phù hợp.

Giao Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo Đồn Biên phòng tại các bãi biển, khu vực có hoạt động vận chuyển hành khách bằng đường thủy nội địa tăng cường kiểm tra điều kiện an toàn của phương tiện mang cấp VR-SB vận chuyển khách du lịch từ bờ ra các đảo, trong đó tập trung kiểm tra các nội dung sau: Đăng ký, đăng kiểm phương tiện, số người được phép chở, bằng cấp chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên, người lái phương tiện, trang thiết bị cứu sinh cứu đắm trên phương tiện, luồng tuyến đường thuỷ nội địa đã được công bố; bến đậu đỗ phương tiện đã được công bố; kiên quyết không cho phương tiện xuất bến nếu không đảm bảo các điều kiện an toàn theo quy định.

Giao Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng, tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường thủy nội địa; tăng cường công tác giám sát việc kiểm tra, xử lý của các lực lượng chức năng duy trì trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa; thường xuyên nắm bắt tình hình hoạt động giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo thực hiện.

Giao Sở Giao thông vận tải kiểm tra, hướng dẫn các địa phương và đơn vị khai thác du lịch ven biển, đầm, hồ trong việc lập thủ tục đầu tư, xây dựng hạ tầng giao thông đường thủy nội địa, xây dựng bến thủy nội địa, bến ngang sông đủ tiêu chuẩn để được cấp phép hoạt động; hướng dẫn việc thực hiện các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh vận tải bằng đường thủy nội địa; Chỉ đạo Thanh tra Sở phối hợp với các lực lượng Công an tỉnh, chính quyền địa phương tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát tại các điểm, bến tập trung hành khách, bến khách ngang sông; kiên quyết xử lý đối với các trường hợp vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa, cụ thể: Phương tiện chở quá số người quy định, phương tiện không đăng kiểm, đăng ký, người lái phương tiện không có bằng, chứng chỉ chuyên môn hoặc chứng chỉ chuyên môn không phù hợp, phương tiện không trang bị đủ trang thiết bị cứu sinh, cứu đắm theo quy định; các điểm, bến hoạt động tự phát nguy cơ gây mất trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa; Chỉ đạo các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách trên đường thủy nội địa thực hiện nghiêm công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy; thường xuyên kiểm tra bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện đảm bảo tình trạng an toàn kỹ thuật của phương tiện trước khi đưa phương tiện vào hoạt động (đặc biệt là các phương tiện sau thời gian dài không hoạt động do dịch COVID-19), chỉ được sử dụng phương tiện có đăng ký, đăng kiểm còn hiệu lực để vận chuyển khách; thuyền viên, người lái phương tiện phải có bằng, cấp chứng chỉ chuyên môn phù hợp với phương tiện đang điều khiển; trên phương tiện phải trang bị đầy đủ trang thiết bị phao cứu sinh, cứu hỏa; yêu cầu hành khách phải mặc áo phao hoặc cầm cục nổi trong suốt hành trình của phương tiện, từ chối vận chuyển đối với những hành khách không chấp hành các quy định về đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa; Công bố số điện thoại đường dây nóng của Thanh tra Sở tại các cảng, bến, điểm tập trung hành khách và trên các phương tiện thủy vận tải khách du lịch trên địa bàn tỉnh để kịp thời tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân. 

Giao Sở Du lịch phối hợp với Sở Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan kiểm tra, xử lý vi phạm quy định về đảm bảo an toàn cho khách du lịch của các phương tiện và tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải khách du lịch bằng phương tiện thủy.

Giao UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với UBND cấp xã, các tổ chức, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trên hệ thống thông tin đại chúng và thông tin cơ sở (truyền thanh ở thôn, xã, phường) những quy định về bảo đảm an toàn giao thông trong hoạt động vận tải khách du lịch bằng phương tiện thủy nội địa, về điều kiện hoạt động của phương tiện thủy, về chứng chỉ chuyên môn đối với thuyền viên, người lái phương tiện, về trang bị và sử dụng áo phao cứu sinh, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông. Rà soát toàn bộ các lễ hội liên quan đến hoạt động giao thông đường thủy nội địa thuộc địa bàn quản lý, lập và triển khai kế hoạch đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa tại các khu vực diễn ra lễ hội, tổ chức giám sát việc thực hiện các phương án, biện pháp đảm bảo an toàn giao thông đường thủy trước, trong và sau khi diễn ra lễ hội. Chỉ đạo chính quyền địa phương phối hợp tổ chức hoạt động đưa đón khách từ khâu bán vé, sắp xếp hành khách lên xuống phương tiện, không để xảy ra tình trạng các phương tiện tự chèo kéo khách, hành khách chen lấn xô đẩy khi lên, xuống phương tiện; yêu cầu hành khách bắt buộc phải sử dụng áo phao cứu sinh, hoặc dụng cụ nổi cứu sinh cầm tay trong suốt hành trình của phương tiện; các phương tiện thủy nội địa khi đưa vào tham gia phục vụ lễ hội phải được đăng kiểm, đăng ký, trên phương tiện phải trang bị đầy đủ trang thiết bị cứu sinh, cứu hỏa theo đúng quy định. Chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định pháp luật của tổ chức, cá nhân trong việc kinh doanh vận tải hành khách trên đường thủy nội địa theo hợp đồng chuyến, vận tải khách du lịch, vận tải khách ngang sông; kiên quyết xử lý, đình chỉ hoạt động và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông đường thủy. UBND thành phố Quy Nhơn và các địa phương có phương tiện thủy hoạt động từ bờ ra đảo thường xuyên phối hợp với Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn kịp thời cung cấp thông tin dự báo thời tiết, cảnh báo nguy hiểm và hướng dẫn bảo đảm an toàn đối với người và phương tiện vận tải, tàu cá, phương tiện dân sinh hoạt động trên địa bàn, đặc biệt là các phương tiện vận tải hành khách. Đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa theo quy hoạch đã được phê duyệt, theo hướng phát triển bền vững, nâng cao năng lực vận tải, đáp ứng nhu cầu phát triển vận tải đường thủy nội địa và nâng cao hiệu qủa công tác quản lý; thành lập các đơn vị kinh doanh vận tải theo quy định (Doanh nghiệp, Hợp tác xã vận tải hành khách bằng đường thủy…) nhằm hỗ trợ và quản lý đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa. Đặc biệt tập trung vào hoạt động kinh doanh vận chuyển hành khách bằng đường thủy nội địa trên địa bàn, nhất là vận chuyển khách du lịch vừa đảm bảo an toàn vừa đảm bảo phát triển du lịch tại địa phương.

Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn tăng cường kiểm tra điều kiện an toàn đối với các phương tiện chở khách mang cấp VR-SB hoạt động trong vùng nước cảng biển, kiên quyết không cho phương tiện xuất bến khi không đảm bảo các điều kiện an toàn; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông đường thuỷ.

Đề nghị Chi cục Đăng kiểm số 04 chủ động rà soát các phương tiện đã hết hạn kiểm định, ra thông báo đến chủ phương tiện thực hiện kiểm định lại phương tiện trước khi đưa vào hoạt động; tăng cường phối hợp kiểm tra tình trạng an toàn kỹ thuật của phương tiện đặc biệt chú trọng phương tiện mang cấp VR-SB chở khách từ bờ ra đảo, phương tiện thủy phục vụ lễ hội, tàu cao tốc. Phối hợp với Sở Giao thông vận tải hướng dẫn kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống, công tác cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra sự cố bất ngờ hoặc tai nạn giao thông đường thủy.


Tác giả: Thùy Trang

Tin nổi bật Tin nổi bật