|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Huy động cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận trong nhân dân triển khai đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, đoạn qua địa bàn tỉnh

(binhdinh.gov.vn) - Sáng ngày 29/3, tại Trụ sở UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng đã chủ trì cuộc họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư để thực hiện Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, đoạn qua địa phận tỉnh Bình Định.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua tỉnh Bình Định có chiều dài 118,8 km với 3 dự án thành phần đi qua 8 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Qua thống kê sơ bộ của các địa phương, khi triển khai dự án sẽ có khoảng 1.169 nhà dân, hàng trăm thửa đất cùng các công trình hạ tầng kỹ thuật, mồ mả, chịu ảnh hưởng. Bên cạnh đó, có cả trăm ha đất lúa và hơn 200 ha đất lâm nghiệp gồm hơn 58 ha rừng phòng hộ và hơn 146 ha rừng sản xuất phải thu hồi, chuyển đổi mục đích để thi công công trình.

Đến nay, Ban Quản lý dự án 2 và Ban Quản lý dự án 85, thuộc Bộ Giao thông Vận tải, chủ đầu tư dự án đã bàn giao cọc giải phóng mặt bằng hiện trường cho các địa phương khoảng hơn 19,3km/118,8km tại 4 địa phương là thị xã Hoài Nhơn, huyện Phù Mỹ, huyện Tuy Phước và thành phố Quy Nhơn. Ngoài ra, 2 đơn vị đang tích cực phối hợp với các sở, ngành địa phương của tỉnh tiến hành khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi về địa hình thủy văn, địa chất, mỏ vật liệu xây dựng, bãi thải, trạm trộn dự kiến… Đồng thời khẩn trương lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, dự kiến hoàn thành và trình báo cáo lên Bộ Tài nguyên Môi trường trước ngày 10/4/2022. Bên cạnh đó, 2 Ban cũng đang tiến hành khảo sát, lập khung chính sách giải phóng mặt bằng….

Tại cuộc họp, lãnh đạo của 8 địa phương có tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi qua cho biết, hiện các địa phương đã thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư và đã triển khai các công việc liên quan. Lãnh đạo các địa phương đề nghị Chủ đầu tư cần sớm cắm mốc cụ thể toàn dự án để tiến hành công tác giải phóng mặt bằng, bố trí phương án tái định cư để người dân và các tổ chức cá nhân chịu ảnh hưởng di dời trước khi thi công; sớm bố trí kinh phí thực hiện giải phóng mặt bằng; có hướng dẫn cụ thể về các công việc liên quan tới công tác di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật chịu ảnh hưởng bởi dự án... Một vấn đề rất quan trọng là khi khảo sát thiết kế, thi công dự án tuyến cao tốc phải đảm bảo việc thoát lũ trên toàn tuyến. Các địa phương cũng đề nghị Chủ đầu tư sớm cung cấp bản đồ hướng tuyến, hồ sơ khảo sát, hình ảnh hiện trạng để các địa phương có cơ sở quản lý mặt bằng dự án, hạn chế tối đa việc lấn chiếm, xây cất, trồng trọt, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhằm trục lợi chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng…

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng chỉ rõ những vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án: Hiện nay kế hoạch sử dụng đất chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chủ đầu tư chưa bàn giao đầy đủ hồ sơ, cọc mốc GPMB thực địa tại hiện trường dự án nên chưa có đủ cơ sở pháp lý xác định chính xác số hộ ảnh hưởng, để xác định vị trí, quy mô các khu tái định cư và tổ chức lấy ý kiến hộ dân bị di dời giải toả trắng; chưa có đủ cơ sở ban hành thông báo thu hồi đất; kế hoạch kê biên kiểm đếm và Quyết định thu hồi đất đối với số hộ ảnh hưởng do công trình đi qua; chưa xác định chính xác số mộ cần phải di dời, khó khăn về quỹ đất cải táng. Liên quan đầu tư xây dựng các khu tái định cư phục vụ dự án chưa làm rõ nguồn đầu tư nên chưa có cơ sở triển khai các bước về thủ tục đầu tư.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long phát biểu kết luận cuộc họp

Kết luận tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long cho rằng, dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 là dự án trọng điểm Quốc gia và cũng là dự án trọng điểm của tỉnh, góp phần tạo động lực tăng trưởng kinh tế. Do vậy, cả hệ thống chính trị, các địa phương, sở, ban, ngành tập trung tuyên truyền cho tổ chức, nhân dân, hiểu được lợi ích của dự án, từ đó tạo sự đồng thuận để triển khai dự án một cách thuận lợi nhất. UBND các huyện, thị, thành phố có dự án đi qua đẩy mạnh công tác phòng chống lấn chiếm, cơi nới, trồng cây trái phép. Mỗi xã, phường lập tổ kiểm tra di động nếu phát hiện sai phạm, xử lý ngay tại chỗ. Sở Tư pháp chỉ đạo với các văn phòng công chứng không cho phép chuyển nhượng, tách thửa, chuyển đổi đất vùng dự án. Thanh tra các sở, ngành tổ chức thường xuyên đi kiểm tra, xử lý tại chỗ vi phạm. Nếu địa bàn nào có vi phạm Chủ tịch UBND địa phương đó chịu trách nhiệm. Các sở, ngành đảm bảo công tác quản lý các mỏ đá, mỏ đất đảm bảo đủ vật liệu phục vụ cho dự án và không có hiện tượng tăng giá nếu vi phạm giao cho Công an tỉnh xử lý theo pháp luật...

Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị với Chủ đầu tư khẩn trương bàn giao hồ sơ, hiện trường cọc GPMB, phạm vi giải phóng mặt bằng cho địa phương kể cả các hạng mục mỏ vật liệu, bãi thải, khu tái định cư, các công trình phụ trợ phục vụ thi công... trong thời gian sớm nhất. Đồng thời kiến nghị Chính phủ, các Bộ ngành liên quan ban khành khung chính sách hỗ trợ, bồi thường giải phóng mặt bằng.

Đặc biệt, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long đề nghị các chủ đầu tư khi khảo sát, thiết kế, thi công phải tham vấn các sở ngành liên quan, chính quyền, cộng đồng dân cư, nơi dự án đi qua trong vấn đề tiêu thoát lũ, không được để công trình sau khi hoàn thành gây ngập lụt cục bộ cho các địa phương trong mùa mưa lũ…


Tác giả: Thùy Trang

Tin nổi bật Tin nổi bật