A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ban hành kế hoạch thực hiện Quyết định số 428/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ

(binhdinh.gov.vn) - Ngày 01/8/2019, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2667/QĐ-UBND về ban hành kế hoạch thực hiện Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 – 2022” trên địa bàn tỉnh Bình Định.

UBND tỉnh Bình Định tổ chức cuộc thi "Hòa giải viên giỏi" năm 2019. (Ảnh: stp.binhdinh.gov.vn)

Kế hoạch này nhằm mục đích thực hiện có hiệu quả Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Kế hoạch nêu rõ các nhiệm vụ về: Xây dựng, tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ tập huấn viên; Phát hành Bộ tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở và đội ngũ tập huấn viên cấp tỉnh, cấp huyện; Thực hiện chỉ đạo điểm; Xây dựng đội ngũ hòa giải viên có đủ tiêu chuẩn, năng lực đáp ứng yêu cầu của công tác hòa giải ở cơ sở; Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở.

Theo đó, trong năm 2019, UBND tỉnh, UBND cấp huyện chủ trì việc xây dựng đội ngũ tập huấn viên cấp tỉnh (từ 03 - 05 người), cấp huyện (từ 04 - 08 người/huyện, thị xã, thành phố), đảm bảo đội ngũ này có đủ khả năng, kiến thức, phương pháp để hướng dẫn, tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải cho hòa giải viên ở cơ sở. Đội ngũ tập huấn viên được xây dựng từ nguồn cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở của Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp; cán bộ, công chức thuộc tổ chức chính trị - xã hội tham gia công tác hòa giải ở cơ sở; báo cáo viên pháp luật của tỉnh, cấp huyện. Từ năm 2019 – 2022, UBND tỉnh chủ trì việc cử tập huấn viên cấp tỉnh tham gia các lớp tập huấn cho tập huấn viên cấp tỉnh do Bộ Tư pháp tổ chức. Từ năm 2020 – 2022,     UBND tỉnh chủ trì việc tổ chức tập huấn về phương pháp bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho đội ngũ tập huấn viên cấp huyện và phát hành Bộ tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở và đội ngũ tập huấn viên cấp tỉnh, cấp huyện.

Về thực hiện chỉ đạo điểm, từ năm 2020 – 2022,  Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các địa phương lựa chọn, thực hiện điểm tại ít nhất 04 đơn vị cấp xã trên địa bàn tỉnh (ưu tiên địa bàn có tỷ lệ hòa giải thành thấp hoặc địa bàn có nhiều vướng mắc trong triển khai thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở). Từ năm 2019 – 2022, UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ vào tình hình thực tế và đặc thù của địa phương, chủ động lựa chọn một số đơn vị cấp xã để thực hiện chỉ đạo điểm, ưu tiên tập trung lựa chọn các xã chưa đạt tiêu chí về hòa giải ở cơ sở khi đánh giá xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Năm 2019 và các năm tiếp theo, UBND cấp xã trên cơ sở rà soát, đánh giá, tiến hành bổ sung, thay thế hòa giải viên đối với những tổ hòa giải còn thiếu hòa giải viên hoặc có hòa giải viên hoạt động mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao; bảo đảm các tổ hòa giải đủ số lượng, thành phần, tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu của công tác hòa giải ở cơ sở. Đồng thời, Sở Tư pháp, UBND cấp huyện tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải cho hòa giải viên ở cơ sở.

Từ năm 2020 và các năm tiếp theo, Sở Tư pháp, UBND cấp huyện tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc khai thác các cơ sở dữ liệu pháp luật liên quan đến công tác hòa giải ở cơ sở. UBND tỉnh, Sở Tư pháp, UBND cấp huyện đăng tải Bộ tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở trên Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, Trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các hội, đoàn thể tỉnh. Sở Tư pháp chủ trì việc đăng tải các tài liệu tập huấn, bồi dưỡng, các ấn phẩm khác về hòa giải ở cơ sở trên Trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh, các phương tiện phát thanh, tryền hình, hệ thống thông tin cơ sở. UBND tỉnh, UBND cấp huyện tiếp nhận, xử lý thông tin hai chiều, hướng dẫn giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện hòa giải ở cơ sở, nhất là hòa giải các vụ việc khó, phức tạp.

Để thực hiện đạt kết quả Kế hoạch này, UBND tỉnh yêu cầu Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các cơ quan, tổ chức có liên quan giúp UBND tỉnh trong việc triển khai thực hiện các nội dung được giao tại Kế hoạch này. Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Kế hoạch này; tổng kết việc thực hiện Kế hoạch và tham mưu tổng hợp báo cáo Bộ tư pháp về kết quả thực hiện. Theo dõi, kiểm tra các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch, định kỳ báo cáo UBND tỉnh kết quả triển khai thực hiện.

UBND tỉnh đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các hội, đoàn thể tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp triển khai các nội dung của Kế hoạch này; chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức cấp dưới của mình phối hợp với cơ quan Tư pháp cùng cấp trong việc triển khai Kế hoạch. Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Hội Luật gia tỉnh, Đoàn Luật sư tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp hỗ trợ thực hiện bồi dưỡng cho hòa giải viên ở cơ sở, hỗ trợ cung cấp tài liệu, tổ chức mô hình huy động luật gia, luật sư, thẩm phán, hội thẩm nhân dân, thư ký tòa án, kiểm sát viên hỗ trợ nghiệp vụ cho hòa giải viên ở cơ sở.

UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố trên cơ sở Kế hoạch này và tình hình cụ thể của địa phương xây dựng và triển khai Kế hoạch theo đúng quy định, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, cân đối giữa nhiệm vụ với các điều kiện bảo đảm thực hiện. Phối hợp với Sở Tư pháp để triển khai các hoạt động tại các địa phương được chọn làm điểm.

Kim Loan


Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật