A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ban hành Quy định lập, quản lý và sử dụng Quỹ giải quyết việc làm địa phương

Ngày 31/10/2012, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 592/QĐ-UBND về ban hành Quy định lập, quản lý và sử dụng Quỹ giải quyết việc làm địa phương.

Quỹ giải quyết việc làm địa phương là một bộ phận của Quỹ Quốc gia hỗ trợ việc làm, được trích từ ngân sách địa phương hàng năm và các nguồn vốn hợp pháp khác dành cho lĩnh vực việc làm. Vốn cho vay của Quỹ được dùng để hỗ trợ các dự án nhỏ nhằm tạo thêm việc làm và cho vay xuất khẩu lao động theo Chương trình Quốc gia về việc làm của tỉnh.

Trong Quy định ban hành kèm theo Quyết định này, quy định rõ về việc lập, quản lý và sử dụng Quỹ giải quyết việc làm trong tỉnh.

Quỹ Giải quyết việc làm địa phương được lập từ các nguồn: Ngân sách địa phương do HĐND tỉnh quyết định; hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước về lĩnh vực giải quyết việc làm; và các nguồn hỗ trợ hợp pháp khác. Hàng năm, UBND tỉnh căn cứ vào khả năng ngân sách và nhu cầu giải quyết việc làm, bố trí một phần kinh phí trong dự toán ngân sách địa phương để lập Quỹ Giải quyết việc làm địa phương trình HĐND tỉnh quyết định.

Về đối tượng cho vay, thực hiện theo quy định tại Điều 5, Quyết định số 71/2005/QĐ-TTg ngày 05/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế quản lý, điều hành vốn cho vay của Quỹ Quốc gia về việc làm và Quyết định số 15/2008/QĐ-TTg ngày 23/01/2008 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 71/2005/QĐ-TTg ngày 05/4/2005; đối tượng tham gia xuất khẩu lao động theo Đề án xuất khẩu lao động hiện hành của tỉnh Bình Định.

Đối với đối tượng vay vốn giải quyết việc làm áp dụng theo Quyết định số 71/2005/QĐ-TTg đã sửa đổi, bổ sung và Thông tư Liên tịch số 14/2008/TTLT-BLĐTBXH-BTC-BKHĐT và các quy định hiện hành của Ngân hàng Chính sách xã hội về cho vay giải quyết việc làm; đối với đối tượng vay vốn xuất khẩu lao động áp dụng theo Quyết định số 365/2004/QĐ-NHNN ngày 13/4/2004 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc cho vay đối với các đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài; Hướng dẫn số 1034/NHCS-TD ngày 21/4/2008 của Ngân hàng Chính sách xã hội về việc hướng dẫn nghiệp vụ cho vay các đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài; Quyết định số 21/2008/QĐ-UBND ngày 04/6/2008 của UBND tỉnh về việc điều chỉnh Quyết định số 75/2003/QĐ-UB ngày 18/4/2003 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án xuất khẩu lao động 2003-2010; Quyết định số 153/QĐ-UBND ngày 28/3/2012 của UBND tỉnh về việc tiếp tục thực hiện các chính sách trong Đề án Xuất khẩu lao động của tỉnh giai đoạn 2003-2012 ban hành kèm theo Quyết định số 75/2003/QĐ-UB của UBND tỉnh; các văn bản hướng dẫn thực hiện của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Ngân hàng Chính sách Xã hội.

Thực hiện theo quy định hiện hành về lãi suất cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Riêng đối với đối tượng là cơ sở sản xuất kinh doanh dành riêng cho người lao động là người tàn tật, mức lãi suất cho vay bằng 50% lãi suất cho vay ưu đãi đối với các đối tượng chính sách khác theo Quyết định số 51/2008/QĐ-TTg ngày 24/4/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với cơ sở sản xuất kinh doanh dành riêng cho người lao động là người tàn tật.

Đối tượng được xem xét xử lý nợ rủi ro; nguyên nhân khách quan làm thiệt hại trực tiếp đến vốn và tài sản của khách hàng; biện pháp xử lý; hồ sơ pháp lý để xem xét xử lý nợ bị rủi ro áp dụng theo quy định tại Quyết định số 50/2012/QĐ-TTg ngày 28/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế xử lý nợ bị rủi ro của Ngân hàng Chính sách xã hội và Thông tư sô 161/2010/TT-BTC  ngày 20/10/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quy chế xử lý nợ bị rủi ro của Ngân hàng Chính sách xã hội ban hành kèm theo Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg ngày 28/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Ngân hàng chính sách xã hội. Thẩm quyền xem xét xử lý nợ bị rủi ro do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định. Nguồn vốn để xử lý nợ bị rủi ro được lấy từ Quỹ dự phòng rủi ro của địa phương.

Việc phân phối và sử dụng số tiền lãi thu được từ cho vay Quỹ việc làm địa phương được quy định: trích 50% để chi trả phí ủy thác cho hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện công tác hướng dẫn người vay vốn xây dựng dự án, lập hồ sơ vay vốn, tổ chức thẩm định, giải ngân, thu hồi vớn, xử lý nợ, tổng hợp và báo cáo kết quả thực hiện cho vay. Việc sử dụng phí ủy thác theo quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội; trích 20% để chi cho công tác lập kế hoạch cho vay và kế hoạch giải quyết việc làm; kiểm tra, giám sát đánh giá chỉ tiêu tạo việc làm mới và các hoạt động cho vay vốn của Quỹ; tổng hợp, báo cáo kết quả cho vay của cơ quan lao động cấp huyện, cấp tỉnh; và trích 30% lập Quỹ dự phòng rủi ro tại địa phương để bù đắp các khoản vốn vay từ Quỹ việc làm địa phương bị tổn thất do nguyên nhân bất khả kháng được UBND tỉnh quyết định xóa nợ và để bổ sung nguồn vốn cho Quỹ việc làm địa phương theo quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh.

UBND tỉnh giao Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh chỉ đạo Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn người vay vốn xây dựng dự án, lập hồ sơ vay vốn; thẩm định các dự án vay vốn được phân cấp trình UBND huyện, thị xã, thành phố phê duyệt; chủ trì, phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định các dự án vay vốn được phân cấp trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét quyết định; chịu trách nhiệm chính về tính khả thi của dự án, chỉ tiêu tạo việc làm mới, phương án trả nợ vay của khách hàng, thực hiện giải ngân dự án, thu hồi nợ và xử lý nợ theo quy định của pháp luật; định kỳ quý, năm, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh căn cứ kết quả cho vay, lãi cho vay, thu nợ từ nguồn vốn của Quỹ báo cáo Sở Tài chính, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và UBND tỉnh; thực hiện trích chuyển lãi cho vay của Quỹ cho các cơ quan được hưởng lãi sau khi có quyết định phân phối lãi cho vay của Sở Tài chính (Đối với Quỹ dự phòng rủi ro tỉnh: Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện trích 30% tiền lãi chuyển vào Tài khoản Quỹ dự phòng rủi ro tỉnh do Sở Tài chính theo dõi).

Giao Sở Lao động – Thương binh và Xã hội lập dự toán bổ sung ngân sách cho Quỹ việc làm địa phương gửi Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình UBND tỉnh quyết định; quản lý nguồn ngân sách bổ sung hàng năm cho Quỹ; nguồn vốn đã tập trung tại Ngân hàng Chính sách xã hội và tiền lãi thu được từ việc cho vay Quỹ Giải quyết việc làm địa phương; thực hiện thu các khoản hỗ trợ của các tổ chức và cá nhân hỗ trợ cho Quỹ; đồng thời chuyển vào tài khoản của Sở Tài chính để Sở Tài chính chuyển qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh bổ sung cho Quỹ. Ngoài ra, chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư lập kế hoạch phân bổ kinh phí giải quyết việc làm, nguồn vốn mới và vốn thu hồi trình UBND tỉnh quyết định; phúc tra các dự án bị rủi ro theo quy định để trình UBND tỉnh quyết định; kiểm tra, đánh giá kết quả cho vay của Quỹ; phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh xem xét việc thu hồi vốn và sử dụng nguồn vốn; tổng hợp kết quả cho vay các dự án do địa phương quản lý, gửi báo cáo định kỳ quý, năm đến Sở Tài chính và UBND tỉnh.

Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và Sở Tài chính xây dựng kế hoạch bổ sung ngân sách cho Quỹ; phân bổ vốn giải quyết việc làm và vốn vay trình UBND tỉnh xem xét, quyết định; phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, đánh giá tình hình và kết quả cho vay vốn từ Quỹ.

Giao Sở Tài chính phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội lập dự toán ngân sách địa phương hàng năm bổ sung cho Quỹ việc làm địa phương, xây dựng kế hoạch phân bổ vốn vay giải quyết việc làm và kế hoạch vốn vay cho các huyện, thị xã, thành phố và các hội, đoàn thể cấp tỉnh  báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định; mở tài khoản riêng theo dõi Quỹ dự phòng rủi ro tỉnh; kiểm tra, giám sát việc sử dụng, điều hành Quỹ; phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và các cơ quan liên quan định giá tài sản thế chấp của đối tượng vay vốn.

Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố thực hiện phê duyệt các dự án vay vốn được phân cấp phê duyệt, đồng thời chịu trách nhiệm về tính hiệu quả của dự án vay vốn. Chỉ đạo các cơ quan chức năng, cơ quan thực hiện Chương trình Quốc gia việc làm thực hiện đúng cơ chế, chính sách cho vay từ nguồn vốn ủy thác. Các cơ quan, tổ chức (bao gồm cả UBND xã, phường, thị trấn, các tổ chức chính trị - xã hội…) phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội trong quá trình xây dựng dự án, lập hồ sơ vay vốn, thẩm định, giải ngân, thu hồi vốn và xử lý nợ được Ngân hàng Chính sách xã hội chi trả phí dịch vụ cho tổ chức thực hiện ủy thác cho vay đến các đối tượng chính sách và các cán bộ liên quan theo quy định hiện hành của Ngân hàng Chính sách xã hội. Các cơ quan, tổ chức được hưởng lãi cho vay hàng năm tổng hợp phí dịch vụ cho ủy thác cho vay cùng với nguồn kinh phí khác báo cáo quyết toán với cơ quan tài chính đồng cấp theo quy định. Kết thúc năm, nếu chưa sử dụng hết khoản kinh phí này thì các đơn vị được kết chuyển sang năm sau để tiếp tục sử dụng.

Căn cứ vào mức trích Quỹ được UBND tỉnh quyết định, hàng quý Sở Tài chính chuyển vốn qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh trước ngày 20 của tháng đầu quý để sử dụng vào mục đích cho vay giải quyết việc làm. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh chỉ đạo các Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội trực thuộc tổ chức giải ngân kịp thời theo dự án đã được phê duyệt.

Khi xét thấy cần thiết Tỉnh phải thu hồi nguồn vốn đã ủy thác, UBND tỉnh có quyết định, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh thực hiện thu hồi vốn vay đến hạn (không tiếp tục cho vay từ nguồn vốn ủy thác) để chuyển trả vốn cho ngân sách tỉnh cho đến khi thu hồi hết vốn ủy thác.

Giám đốc Sở Tài chính ký hợp đồng ủy thác cho vay từ nguồn vốn Quỹ giải quyết việc làm điạ phương với Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để ủy thác cho vay. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh được hưởng các quyền lợi và có nghĩa vụ thực hiện các quy định của Quy định này và các quy định hiện hành khác của Nhà nước có liên quan.

Quy định này là căn cứ để lập, quản lý và sử dụng Quỹ giải quyết việc làm địa phương và được thực hiện đồng thời với các chế độ tài chính kế toán hiện hành. Những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm Quy định này, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.


Tin nổi bật Tin nổi bật