Bình Định triển khai tốt công tác theo dõi thi hành pháp luật theo chuyên đề
Trong thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành công tác thi hành pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh nhằm triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả pháp luật về môi trường và các văn bản chỉ đạo của cấp trên trong công tác bảo vệ môi trường, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và khả thi.
Công tác truyền thông nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường luôn được các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh quan tâm, chú trọng thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng tham dự như: Biên soạn, phát hành sổ tay; tờ rơi; bộ tài liệu hỏi đáp về tuyên truyền, hướng dẫn công tác bảo vệ môi trường cho thanh niên tại các cơ quan hành chính sự nghiệp, tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, tại khu dân cư và học sinh, sinh viên, hội viên Hội Nông dân. Triển khai nhiều mô hình truyền thông về bảo vệ môi trường như: Mô hình thu gom rác thải bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng; mô hình xử lý rác thải nông thôn; mô hình “Phụ nữ không sử dụng túi ni lông”; mô hình “Giảm sử dụng túi ni lông”; mô hình “Sử dụng túi ni lông thân thiện môi trường”,... Tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ, công chức làm công tác bảo vệ môi trường cấp huyện, xã và cán bộ môi trường tại các doanh nghiệp (khoảng 300 lượt người/năm). Tổ chức các cuộc thi về môi trường như: Cuộc thi “Sáng Tạo Xanh Bình Định” năm 2016 và năm 2017; cuộc thi “Ảnh về môi trường và đa dạng sinh học” năm 2017 và 2018 kết hợp tổ chức triển lãm ảnh; cuộc thi “Chống rác thải nhựa”,...
UBND thị xã Hoài Nhơn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh Bình Định tổ chức cuộc thi “Chung tay bảo vệ môi trường biển, đảo, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương” (Ảnh: baotainguyenmoitruong.vn)
Từ năm 2015 đến nay, tỉnh Bình Định đã tiếp nhận 53 vụ việc phản ánh qua đường dây nóng về tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Các vụ việc phản ánh đã được các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh Bình Định xử lý, không có khiếu nại, khiếu kiện.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác theo dõi thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định. UBND tỉnh đã kiến nghị Chính phủ phân định rõ trách nhiệm giữa các bộ, ngành và địa phương trong công tác triển khai thực hiện Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đa dạng sinh học. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành sửa đổi những quy định còn chồng chéo, bất cập trong công tác quản lý nhà nước về môi trường; đồng thời, xem xét, bổ sung biên chế làm công tác bảo vệ môi trường cấp tỉnh, huyện, xã phù hợp yêu cầu thực tế hiện nay. Ban hành nghị định thay thế Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Ban hành chế tài xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về nộp phí bảo vệ môi trường; chi trả cho dịch vụ thu gom, xử lý chất thải theo quy định tại khoản 4 Điều 82 Luật Bảo vệ môi trường; đồng thời, có chế tài xử lý đối với các hộ gia đình, cá nhân chăn nuôi có quy mô chuồng trại, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ để răn đe, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi ở địa phương.
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Môi trường và các bộ, ngành Trung ương cần tăng cường công tác tập huấn, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường; tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm, thông tin giữa các bộ, ngành và địa phương. Tăng chi ngân sách sự nghiệp bảo vệ môi trường tại địa phương; đồng thời, hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở công ích xây dựng các hệ thống xử lý chất thải và hỗ trợ trang thiết bị nhằm nâng cao năng lực quan trắc môi trường cho địa phương. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Môi trường xem xét, điều chỉnh quy định về việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung của cụm công nghiệp đối với cụm công nghiệp có các ngành sản xuất không phát sinh nước thải hoặc các cơ sở sản xuất trong cụm công nghiệp đã có hệ thống xử lý nước thải cho phù hợp với thực tiễn thi hành pháp luật tại địa phương.
Kim Loan