A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ

(binhdinh.gov.vn)-Ngày 06/8/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Ảnh minh họa

Nghị quyết đề ra mục tiêu đến năm 2025, doanh nghiệp Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp; có khoảng 1.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam, trong đó doanh nghiệp trong nước chiếm khoảng 30%.

Đến năm 2030, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp; có khoảng 2.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.

Cụ thể, đối với lĩnh vực linh kiện phụ tùng, phát triển linh kiện phụ tùng kim loại, linh kiện phụ tùng nhựa - cao su và linh kiện phụ tùng điện - điện tử, đáp ứng mục tiêu đến hết năm 2025 cung ứng được 45% nhu cầu sản phẩm linh kiện phụ tùng cho các ngành công nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam. Đến năm 2030, cung ứng được 65% nhu cầu trong nước, đẩy mạnh sản xuất các lĩnh vực sản phẩm phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao.

Lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may - da giày, phát triển nguyên vật liệu và phụ liệu phục vụ ngành dệt may - da giày, đáp ứng mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ cung cấp trong nước của ngành công nghiệp dệt may đạt 65%, ngành da giày đạt 75 - 80%, với các sản phẩm có giá trị gia tăng cao phục vụ sản xuất xuất khẩu.

Lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao, phát triển sản xuất vật liệu, thiết bị hỗ trợ chuyên dụng, phần mềm và dịch vụ phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao; phát triển hệ thống doanh nghiệp cung cấp thiết bị hỗ trợ chuyên dụng, hỗ trợ chuyển giao công nghệ trong công nghiệp công nghệ cao. Hình thành các doanh nghiệp bảo trì, sửa chữa máy móc đạt tiêu chuẩn quốc tế, làm tiền đề phát triển doanh nghiệp sản xuất thiết bị, phần mềm phục vụ các ngành này. Hình thành hệ thống nghiên cứu phát triển và sản xuất vật liệu mới, đặc biệt là vật liệu điện tử.

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, Nghị quyết đề ra 7 nhiệm vụ, giải pháp chung. Trong đó, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp hỗ trợ ở các cấp, các ngành. Khuyến khích doanh nghiệp trên địa bàn mở rộng liên kết, hợp tác trong hoạt động sản xuất, kinh doanh với các đối tác trong nước và nước ngoài có quy mô lớn, trước mắt tập trung vào các nhà đầu tư nước ngoài, nhằm tạo nguồn lực lớn về vốn đầu tư, đồng thời tận dụng các cơ hội chuyển giao, đổi mới công nghệ, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Xây dựng và trình HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành hoặc bổ sung, sửa đổi các chính sách thu hút đầu tư trong nước và trực tiếp từ nước ngoài (FDI) có gắn với điều kiện nâng cao giá trị gia tăng tạo ra trong nước có tính đến liên kết không gian lãnh thổ.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ lợi thế về phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển có trách nhiệm xây dựng và ban hành Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ của địa phương; bố trí ngân sách hàng năm để triển khai Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ của địa phương; hoàn thiện tổ chức, nâng cao năng lực bộ máy của Sở Công Thương và các đơn vị liên quan triển khai các hoạt động phát triển công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn.

Bên cạnh đó, xây dựng Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp địa phương trên cơ sở nâng cấp, xây dựng mới cơ sở vật chất hoặc bổ sung chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp lại các đơn vị hiện có từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác trên cơ sở nhu cầu phát triển công nghiệp và phù hợp với điều kiện KT-XH của địa phương. Hỗ trợ chi phí đầu tư hạ tầng, chi phí xử lý môi trường cho các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

Xây dựng, triển khai chương trình tín dụng ưu đãi được cấp bù lãi suất đối với các khoản vay trung và dài hạn của các doanh nghiệp để thực hiện dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển theo đặc thù, đặc điểm của từng địa phương; hỗ trợ cấp bù chênh lệch lãi suất từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Quy hoạch, đầu tư và hỗ trợ đầu tư một số khu, cụm công nghiệp do địa phương quản lý về công nghiệp hỗ trợ trong đó có xây dựng nhà xưởng cho thuê, cho thuê mua tài chính đổi mới trang thiết bị sản xuất theo mô hình cụm liên kết ngành, sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và các nguyên phụ liệu quan trọng ngành dệt may, da giầy như sợi, dệt, nhuộm, da, vật liệu mói và vật liệu kim loại trong cơ khí chế tạo.

Thùy Trang


Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật