A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cần tiếp tục hoàn thiện thể chế về nuôi con nuôi

(binhdinh.gov.vn) - Thực hiện Luật Nuôi con nuôi và Công ước La Hay số 33 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế, Quyết định số 1985/QĐ-BTP ngày 13/7/2012 của Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch triển khai đăng ký nuôi con nuôi thực tế theo quy định của Luật Nuôi con nuôi, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Kế hoạch triển khai đăng ký nuôi con nuôi và Quy chế phối hợp về giải quyết việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến Luật Nuôi con nuôi, Công ước La Hay và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ giải quyết nuôi con nuôi theo quy định của Luật Nuôi con nuôi; bảo đảm cơ sở vật chất, kinh phí, tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực để triển khai thi hành Luật Nuôi con nuôi và Công ước La Hay.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện Luật Nuôi con nuôi và Công ước La Hay đạt nhiều kết quả tích cực

Trong thời gian qua, việc giải quyết cho nhận nuôi con nuôi trong nước trên địa bàn tỉnh được thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành. Theo đó, đã góp phần giúp cho nhiều trẻ em có được mái ấm gia đình, được chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục tốt. Đồng thời, thông qua việc giải quyết nuôi con nuôi cũng góp phần quan trọng bảo đảm cho nhiều người, đặc biệt phụ nữ độc thân hoặc các cặp vợ chồng hiếm muộn được có quyền làm cha, mẹ. Theo thống kê số liệu tính từ ngày 01/01/2011 đến ngày 31/12/2020, số lượng đăng ký nuôi con nuôi trong nước trên địa bàn tỉnh Bình Định là 115 trường hợp, chưa có trường hợp nào bị thu hồi hoặc hủy bỏ và chưa xảy ra trường hợp vi phạm, tranh chấp trong việc giải quyết nuôi con nuôi.

Bên cạnh đó, để đảm bảo cho trẻ em có cơ hội được làm con nuôi nước ngoài, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn các cơ sở trợ giúp xã hội đánh giá và lập hồ sơ trẻ em theo quy định của Luật Nuôi con nuôi và các văn bản hướng dẫn thi hành. Cùng thời gian nêu trên, cơ quan chức năng đã giải quyết cho 02 trường hợp trẻ em Việt Nam làm con nuôi nước ngoài.

Sở Tư pháp đã tham mưu giúp UBND tỉnh tổ chức kiểm tra, thanh tra giải quyết việc nuôi con nuôi tại 159 xã, phường, thị trấn của 11 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Qua đó, kịp thời phát hiện những vi phạm, sai sót để kịp thời chấn chỉnh và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về nuôi con nuôi trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa phát sinh hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến việc nuôi con nuôi.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế về nuôi con nuôi, tăng cường hiệu quả thực hiện Luật Nuôi con nuôi và Công ước La Hay

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện Luật Nuôi con nuôi và Công ước La Hay trên địa bàn tỉnh vẫn còn những khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc lập hồ sơ, thực hiện thủ tục đăng ký nuôi con nuôi; thay đổi hộ tịch cho con nuôi, theo dõi tình hình phát triển của con nuôi; chấm dứt việc nuôi con nuôi; thu hồi, hủy bỏ Giấy chứng nhận việc nuôi con nuôi; giải quyết nuôi con nuôi đối với trẻ em sống ở cơ sở nuôi dưỡng, đối với các trường hợp tự thỏa thuận cho nhận con nuôi, đối với trẻ em sống tại cơ sở tôn giáo, đối với trẻ em sống ở khu vực biên giới; việc điều chuyển lệ phí liên quan đến giải quyết đăng ký nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài.

Để nâng cao hiệu quả thực hiện Luật Nuôi con nuôi và pháp tăng cường hiệu quả thực hiện Luật Nuôi con nuôi và Công ước La Hay, UBND tỉnh kiến nghị cần tiếp tục hoàn thiện thể chế về nuôi con con. Cụ thể: Sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về cho, nhận nuôi con nuôi đối với gia đình chính sách, người có công; nghiêm cấm hành vi lợi dụng việc làm con nuôi của các đối tượng này để hưởng chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước; bổ sung quy định về thu lệ phí đối với đăng ký lại việc nuôi con nuôi. Bên cạnh đó, bổ sung quy định việc hủy nuôi con nuôi; sớm xây dựng cơ sở dữ liệu về nuôi con nuôi phục vụ công tác quản lý nhà nước về nuôi con nuôi và yêu cầu của việc thực hiện Công ước La Hay; chỉ đạo việc xử lý theo quy định pháp luật đối với các hành vi lợi dụng việc nuôi con nuôi để trục lợi, bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục... Ngoài ra, tỉnh Bình Định cũng đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Tài chính sớm ban hành Thông tư mới thay thế Thông tư số 146/2012/TTLT-BTC-BTP theo hướng quy định cụ thể việc sử dụng nguồn chi phí giải quyết nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài do Bộ Tư pháp điều chuyển về cho các địa phương.

Bên cạnh nhiệm vụ hoàn thiện thể chế, tỉnh Bình Định cũng đề xuất một số biện pháp tăng cường hiệu quả thực hiện Luật Nuôi con nuôi và Công ước La Hay như: Tăng cường công tác tập huấn và hướng dẫn kỹ năng, nghiệp vụ công tác giải quyết việc nuôi con nuôi. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành, thực hiện quy định của pháp luật về nuôi con nuôi, đặc biệt là quy định về đăng ký nuôi con nuôi, hạn chế tình trạng tự ý đưa trẻ em về nuôi hoặc thỏa thuận đưa trẻ em về nuôi dưỡng nhưng không đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Kim Loan


Tin nổi bật Tin nổi bật