|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chú trọng công tác quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

(binhdinh.gov.vn) - Trong 6 tháng đầu năm 2021, công tác tư pháp trên địa bàn tỉnh được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, các nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp được tổ chức triển khai sớm, toàn diện và đồng bộ. Trong đó, công tác quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý (TGPL), hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đạt nhiều kết quả tích cực.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 19 Văn phòng Luật sư và 04 Công ty Luật, 03 Chi nhánh Công ty luật và 02 Văn phòng giao dịch của tổ chức hành nghề luật sư. Trong 6 tháng đầu năm, các tổ chức này đã thực hiện 135 việc, đạt doanh thu trên 288 triệu đồng, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2020.

Cùng thời gian trên, 14 tổ chức hành nghề công chứng (03 Phòng Công chứng và 11 Văn phòng công chứng) trên địa bàn tỉnh đã công chứng trên 35.860 việc; chứng thực gần 69.580 việc. Tổng số phí công chứng thu được trên 14 tỷ đồng (tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2020) và phí chứng thực trên 526 triệu đồng; nộp ngân sách nhà nước và nộp thuế gần 2,2 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh có 10 tổ chức đấu giá tài sản (gồm 01 Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản và 09 Doanh nghiệp đấu giá tài sản) và 02 Chi nhánh doanh nghiệp (DN) đấu giá tài sản với 18 đấu giá viên đang hành nghề. Trong 6 tháng đầu năm 2021, các tổ chức này đã thực hiện 722 cuộc đấu giá (592 cuộc tài sản đấu giá là quyền sử dụng đất, 130 cuộc là tài sản khác). Tổng giá bán của tài sản là gần 1.013 tỷ đồng; tổng số tiền thù lao dịch vụ đấu giá thu được là trên 2,6 tỷ đồng; tổng nộp ngân sách nhà nước và nộp thuế là gần 241 triệu đồng.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 81 giám định viên tư pháp và 45 giám định viên tư pháp theo vụ việc; 02 tổ chức giám định tư pháp và 16 tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc. Trong thời gian qua, các tổ chức này đã thực hiện giám định được 481 vụ việc.

Ảnh minh họa

Trong 6 tháng đầu năm 2021, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh và các Chi nhánh TGPL của Trung tâm đã thực hiện TGPL 901 vụ việc cho 901 người có yêu cầu được TGPL; thực hiện 661 việc tư vấn đơn giản; tham gia tố tụng 239 vụ việc. Đồng thời, Trung tâm và các Chi nhánh đã phối hợp với Phòng Tư pháp, Hội Phụ nữ, Hội Luật gia của 09 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh tổ chức 26 đợt TGPL ngoài trụ sở; kết hợp tổ chức 36 buổi tuyên truyền pháp luật với hơn 1.812 lượt người tham dự tại 36 điểm, thôn, làng, khu dân cư của các xã trên địa bàn tỉnh; cấp phát hơn 4.000 tờ gấp pháp luật… Đặc biệt, trong các đợt TGPL ngoài trụ sở, các Trợ giúp viên pháp lý, Cộng tác viên, Luật sư đã thực hiện tư vấn pháp luật 160 vụ việc ngay tại cơ sở cho hội viên Hội Phụ nữ và người dân đến tham dự các buổi sinh hoạt chuyên đề pháp luật. Phần lớn nội dung các vướng mắc pháp luật của người dân liên quan đến lĩnh vực đất đai như thủ tục cấp quyền sử dụng đất, tranh chấp đất đai; tranh chấp dân sự, hôn nhân gia đình, bạo lực gia đình, các quy định và chế độ chính sách xã hội cho người khuyết tật…

Nhằm triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, thiết thực Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính và Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về hỗ trợ pháp lý cho DN nhỏ và vừa; Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 910/QĐ-UBND ngày 17/3/2021 phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho DN nhỏ và vừa năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Định. Đồng thời, thực hiện báo cáo tình hình triển khai Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa năm 2020 và giai đoạn 03 năm (2018 - 2020); trong đó, đưa ra một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa và đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý DN trong thời gian tới.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện công tác quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp, TGPL, hỗ trợ pháp lý cho DN vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định, nhất là trong công tác hỗ trợ pháp lý cho DN. Đội ngũ cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho DN còn ít về số lượng, chưa thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức pháp luật và kỹ năng hỗ trợ pháp lý cho DN. Trong khi đó, kinh phí bố trí cho công tác hỗ trợ pháp lý cho DN còn hạn chế, thiếu tập trung; sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước và các tổ chức đại diện cho DN, các tổ chức dịch vụ pháp lý chưa được đồng bộ, phối hợp chưa chặt chẽ và hiệu quả; hệ thống văn bản pháp lý liên quan đến quá trình hội nhập kinh tế chưa được tuyên truyền sâu rộng, phổ biến chưa sâu sát với tình hình thực tế của từng DN; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nói chung, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tổ chức và hoạt động DN nói riêng còn chồng chéo, gây khó khăn cho DN trong quá trình tra cứu và áp dụng.

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ pháp lý cho DN trong thời gian tới, UBND tỉnh đề ra một số nhiệm vụ: Tăng cường triển khai thực hiện Chương trình phối hợp số 60/CTPH-BTP-HLHPNVN ngày 05/01/2018 của Bộ Tư pháp và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, TGPL, tư vấn pháp luật cho phụ nữ; hòa giải ở cơ sở và lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật giai đoạn 2018 - 2022. Tiếp tục triển khai và thực hiện có hiệu quả Thông tư liên tịch số 10/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC giữa Bộ Tư pháp, Bộ công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Toà án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao ngày 29/6/2018 quy định về phối hợp thực hiện Trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng. Bên cạnh đó, triển khai thực hiện Quyết định số 117/QĐ-UBND ngày 11/01/2021 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chính sách TGPL cho Người khuyết tật có khó khăn về tài chính năm 2021 trên địa bàn tỉnh. Đảm bảo 100% các xã thuộc huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn, các xã bãi ngang vùng ven biển được tổ chức TGPL ngoài trụ sở ít nhất 01 lần trong năm; tham gia tố tụng cho các đối tượng được TGPL theo yêu cầu./.

Kim Loan


Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật