|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2024 trên địa bàn tỉnh

(binhdinh.gov.vn) - UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2024.

Đồng chí Hồ Quốc Dũng - Bí thư Tỉnh ủy (bên phải); Phạm Anh Tuấn, Phó Bí Thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh (bên trái) trao cờ thi đua của Chính phủ cho lãnh đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy (Ảnh: Trang Lê)

Kế hoạch nhằm mục đích tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thường xuyên, kiên quyết, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo các chỉ thị, nghị quyết, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, từng bước ngăn chặn, đầy lùi tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng, củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước của chính quyền các cấp, các ngành, củng cố lòng tin của Nhân dân, từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức kỷ cương, liêm chính, trách nhiệm, có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, làm cơ sở để các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh quản lý (sau đây gọi chung là các ngành, địa phương, đơn vị ) xây dựng và thực hiện kế hoạch công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2024 của ngành, địa phương, đơn vị phù hợp với tình hình thực tiễn, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất, hiệu quả trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh yêu cầu xác định công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và là giải pháp quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Người đứng đầu các ngành, địa phương, đơn vị phải gương mẫu, quyết liệt, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm của mình trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Gắn công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, quy định, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; về kiểm soát quyền lực, những điều đảng viên không được làm, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên...

Bên cạnh đó, việc chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải thường xuyên, đồng bộ, kiên quyết, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tình hình thực tiễn của từng ngành, địa phương, đơn vị, trong đó xác định phòng ngừa là chính; đồng thời chú trọng chỉ đạo tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra, điều tra, giải quyết tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân nhằm phát hiện sớm, xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật những vụ việc, người có hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Cùng với đó, người đứng đầu các ngành, địa phương, đơn vị phải tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp dưới trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý, thiếu giám sát, kiểm tra, để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.

Kế hoạch đề ra những nhiệm vụ và giải pháp chính gồm: Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, phân công, phối hợp triển khai thực hiện kịp thời, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Tiếp tục đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục, thông tin, truyền thông về chính sách, pháp luật và tình hình, kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cho cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân; Thực hiện thường xuyên, kiên quyết, đồng bộ, bảo đảm thực chất, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; Phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, trước hết là của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xem xét, xử lý nghiêm trường hợp người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách; tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác đối với người có chức vụ, quyền hạn có liên quan đến tham nhũng, tiêu cực theo quy định; Chỉ đạo tăng cường công tác phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực theo tinh thần Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị, Kết luận số 05-KL/TW ngày 03/6/2021 của Ban Bí thư, Hướng dẫn số 25-HD/BCĐTW ngày 01/8/2022 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 28/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ; Tăng cường quản lý nhà nước, quan hệ phối hợp, trao đổi thông tin, thực hiện chế độ báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực./.


Tác giả: DTD

Tin nổi bật Tin nổi bật