Kế hoạch phổ biến luật mới và một số nội dung pháp luật về gia đình, trẻ em trên địa bàn tỉnh
Mục đích của Kế hoạch là trang bị, nâng cao nhận thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương và các tầng lớp Nhân dân về những nội dung cơ bản của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự (sau đây gọi là Luật sửa đổi, bổ sung 09 luật) được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất và pháp luật về gia đình, trẻ em nhằm đảm bảo quyền được thông tin về pháp luật của công dân; tạo điều kiện để các chủ thể khi tham gia quan hệ pháp luật ở các lĩnh vực này có hành vi xử sự phù hợp; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và tăng cường quản lý nhà nước bằng pháp luật ở địa phương.
Ảnh minh họa
Theo Kế hoạch, các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm đăng tải, cập nhật toàn văn nội dung các văn bản luật được sửa đổi, hợp nhất thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý lên Cổng/Trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương và các hình thức thích hợp khác để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, Nhân dân dễ dàng tiếp cận, khai thác và sử dụng khi có nhu cầu. Cùng với đó, kịp thời quán triệt, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu nội dung quy định mới trong các văn bản luật được sửa đổi cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được giao nhiệm vụ trực tiếp triển khai thi hành các văn bản này và đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, cấp huyện để tham gia tuyên truyền, PBGDPL cho Nhân dân. Cung cấp đầy đủ các quy định của văn bản luật liên quan trực tiếp đến vụ việc đang giải quyết hoặc hướng dẫn tìm kiếm, tra cứu trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật khi tổ chức, cá nhân có yêu cầu. Xác định hình thức phổ biến phù hợp với nhu cầu xã hội và từng đối tượng, địa bàn bảo đảm thiết thực, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; đề nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý tự giác học tập, tìm hiểu, tuân thủ và chấp hành pháp luật và tham gia PBGDPL cho Nhân dân. Đặc biệt, trong quá trình phổ biến, thông tin, truyền thông, cần nắm bắt và phản ánh kịp thời cho UBND tỉnh (qua Sở Tư pháp) về ý kiến của Nhân dân, của dư luận xã hội đối với tính khả thi, hiệu quả, phù hợp của các quy định mới ban hành; kịp thời định hướng thông tin về những vấn đề nóng, được dư luận quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội; giải đáp pháp luật và các vướng mắc phổ biến trong áp dụng pháp luật về các lĩnh vực, phạm vi do mình quản lý cho Nhân dân, doanh nghiệp bằng các hình thức phù hợp; tăng cường kiểm tra, sơ kết, tổng kết, đánh giá hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ được giao.
Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, truyền thông và mạng lưới truyền thanh cơ sở tăng cường thông tin, truyền thông, tuyên truyền về các nội dung: Luật sửa đổi, bổ sung 09 luật; trong đó, tập trung vào các vấn đề: Sự cần thiết ban hành; mục tiêu, quan điểm chỉ đạo xây dựng; bố cục, nội dung cơ bản, những điểm mới của văn bản và một số nội dung pháp luật về gia đình, trẻ em như: Pháp luật về trẻ em, hôn nhân và gia đình, xử lý vi phạm hành chính, hình sự,… Đồng thời, Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định, Báo Bình Định, các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh cũng tăng cường thời lượng, lồng ghép tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, thường xuyên các nội dung này trên chuyên trang, chuyên mục của báo, đài để mọi người cùng biết và thực hiện.
UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở trong việc phòng, chống bạo lực gia đình; tăng cường kiểm tra hoạt động hòa giải ở cơ sở liên quan đến gia đình.
UBND tỉnh giao Sở Tư pháp giúp UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện Kế hoạch này và tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh theo quy định./.
Kim Loan