Kế hoạch triển khai thực hiện công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội
Kế hoạch này được triển khai thực hiện từ năm 2021 đến hết năm 2025 tại các địa bàn cấp xã của 11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh do Ban Chỉ đạo 138 tỉnh lựa chọn, quyết định thực hiện chuyển hóa theo từng năm.
Ảnh minh họa (Nguồn: baobinhdinh.vn)
Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 138 tỉnh (Công an tỉnh) có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo thực hiện các nội dung, giải pháp chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội đảm bảo mục đích, yêu cầu đề ra. Chỉ đạo các phòng nghiệp vụ và Công an các huyện, thị xã, thành phố tăng cường áp dụng các biện pháp công tác, phối hợp với các ban, ngành, tổ chức đoàn thể ở cơ sở tiến hành khảo sát, nắm chắc tình hình ANTT trên địa bàn chuyển hóa, trên cơ sở đó đề xuất biện pháp thực hiện hiệu quả công tác chuyển hóa địa bàn. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội; phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội tại các địa bàn chuyển hóa. Định kỳ 6 tháng sơ kết, 01 năm tổ chức tổng kết, đánh giá tình hình, kết quả tại các địa bàn cấp xã được chọn chuyển hóa trong năm, trên cơ sở đó tham mưu, báo cáo đề xuất Ban Chỉ đạo 138 tỉnh quyết định công nhận địa bàn chuyển hóa đạt, chưa đạt và chọn địa bàn cấp xã để thực hiện công tác chuyển hóa về trật tự, an toàn xã hội cho năm tiếp theo. Đề xuất, kiến nghị với Bộ Công an (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 138/CP) những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện và bổ sung, hỗ trợ các nguồn lực đảm bảo làm tốt công tác chuyển hóa tại địa phương.
Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan chỉ đạo tăng cường, đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là chủ trương, đường lối, chính sách của đảng, pháp luật của nhà nước liên quan đến công tác đảm bảo ANTT... Để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự ngay tại cơ sở.
Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh, không có bạo lực, tạo môi trường thân thiện để học sinh rèn luyện tiến bộ; chú trọng việc giáo dục đạo đức, pháp luật, rèn luyện các kỹ năng sống, giao tiếp, ứng xử, tự bảo vệ bản thân, ý thức tập thể cho học sinh trong nhà trường. Phối hợp với Công an tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả Thông tư của Bộ Công an quy định về khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đạt chuẩn “An toàn về ANTT”.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo, dạy nghề, hướng nghiệp, giảm tỷ lệ thất nghiệp trong xã hội, trong đó đặc biệt quan tâm đến số lao động ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa và số đối tượng có quá khứ lầm lỗi giúp họ ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng, phòng ngừa tái phạm. Tăng cường thực hiện các biện pháp, giải pháp và thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Bên cạnh đó, tiếp nhận, tổ chức điều trị người nghiện cho các đối tượng chưa xác định nơi cư trú ổn định tại cơ sở cai nghiện và các đối tượng có quyết định đi cai nghiện bắt buộc; tổ chức thực hiện có hiệu quả việc cai nghiện tại cộng đồng dân cư.
Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường chỉ đạo công tác thông tin tuyên truyền về đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, giữ vững kỷ cương và nâng cao ý thức tuân thủ, tôn trọng pháp luật. Kiểm tra các hoạt động kinh doanh về dịch vụ internet, cơ sở in, cơ sở phát hành xuất bản phẩm dành cho trẻ em và liên quan đến trẻ em tại các địa bàn chuyển hóa, khu vực giáp ranh. Thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm những hành vi xuất bản ấn phẩm, thông tin trên mạng có nội dung đồi trụy, kích động bạo lực theo quy định của pháp luật.
Sở Tài chính căn cứ nguồn ngân sách của địa phương, bố trí kinh phí để thực hiện các nội dung của Kế hoạch này phù hợp theo quy định.
Ban Chỉ đạo 138 tỉnh đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên tham gia triển khai thực hiện Kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ trong phạm vi hoạt động của mình; phối hợp với Công an tỉnh trong xây dựng các mô hình phong trào, vận động cán bộ, hội viên, đoàn viên và nhân dân tích cực tham gia phòng ngừa, phát hiện tố giác tội phạm; cảm hóa giáo dục, cải tạo người phạm tội tại cộng đồng dân cư, góp phần chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự an toàn xã hội.
Ban Chỉ đạo 138 tỉnh cũng đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh kịp thời truy tố, xét xử các vụ án điển hình, nổi bật, được dư luận xã hội quan tâm xảy ra tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT nhằm răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.
Các cơ quan, đơn vị có liên quan phối hợp, xây dựng và triển khai thực hiện các nội dung của kế hoạch, cụ thể hóa các nội dung của kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình; gắn thực hiện các nhiệm vụ được UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh phân công với việc chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội.
Ban Chỉ đạo 138 cấp huyện có trách nhiệm tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng tình hình về trật tự, an toàn xã hội tại các địa bàn được chọn chuyển hóa; chỉ đạo Ban Chỉ đạo 138 cấp xã xây dựng kế hoạch, đề ra giải pháp cụ thể phù hợp với từng địa bàn để thực hiện hiệu quả công tác chuyển hóa địa bàn; đồng thời tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của cán bộ và Nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự an toàn xã hội; xác định đây là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Bên cạnh đó, xây dựng mối quan hệ phối hợp hành động giữa các cấp, các ngành, hội đoàn thể với các hình thức phù hợp trong việc tổ chức thực hiện các nội dung chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự an toàn xã hội. Cần quán triệt phương châm lấy phòng ngừa là chính, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức là cơ bản, lấy dân làm gốc, gia đình làm tế bào, xã, phường, thôn, xóm, cơ quan, đơn vị, trường học làm điểm tựa, lực lượng Công an làm nòng cốt. Kịp thời biểu dương, khen thưởng người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến trong thực hiện công tác chuyển hóa địa bàn. Gắn việc thực hiện công tác đảm bảo trật tự, an toàn xã hội với các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương nhằm nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho nhân dân; đẩy mạnh việc thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và các cuộc vận động khác. Xây dựng tiêu chí trong chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội là một chỉ tiêu cụ thể trong tiêu chuẩn xét công nhận các danh hiệu thi đua cấp cơ sở của các đơn vị, tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của các ban, ngành, hội, đoàn thể tại cơ sở thông qua việc phân công trách nhiệm cụ thể trong tiến hành các biện pháp thực hiện chuyển hóa địa bàn về trật tự, an toàn xã hội; tăng cường công tác kiểm tra của cấp ủy, chính quyền cơ sở nhằm khắc phục kịp thời những sơ hở, thiếu sót trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ.
Định kỳ hằng năm, Ban Chỉ đạo 138 cấp huyện chỉ đạo tổ chức đánh giá tình hình, kết quả công tác đảm bảo trật tự, an toàn xã hội tại các xã, phường, thị trấn, đối chiếu với các quy định của Bộ Công an để xác định những địa bàn nào đã hoàn thành việc chuyển hóa thành địa bàn an ninh, an toàn thì đề nghị Ban Chỉ đạo 138 tỉnh đưa ra khỏi diện trọng điểm, phức tạp. Đồng thời, rà soát, xác định những địa bàn trọng điểm, phức tạp mới phát sinh để xây dựng kế hoạch, đề ra giải pháp chuyển hóa trong thời gian tiếp theo./.
Kim Loan