Kết quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật 6 tháng đầu năm 2021
Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã bám sát Kế hoạch của UBND tỉnh, tích cực phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi về thời gian, kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị và con người để công tác PBGDPL được tổ chức linh hoạt bằng nhiều hình thức cụ thể, thiết thực gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương và các phong trào, các cuộc vận động do Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội phát động. Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp với vai trò là cơ quan thường trực của Hội đồng Phối hợp PBGDPL đã phát huy được vai trò của mình trong công tác tư vấn, hỗ trợ các ngành, các cấp tổ chức thực hiện công tác PBGDPL; tham mưu, giúp UBND tỉnh, UBND cấp huyện kiện toàn đội ngũ báo cáo viên pháp luật và tăng cường các biện pháp nhằm huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng tham gia thực hiện công tác PBGDPL. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) thực hiện công tác PBGDPL ở các cấp nỗ lực, phấn đấu, phát huy vai trò tham mưu cho lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện có hiệu quả công tác PBGDPL.
Ảnh minh họa (Nguồn: baobinhdinh.vn)
Chú trọng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật
Trong thời gian qua, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương đã tuyên truyền, phổ biến nhiều văn bản pháp luật liên quan thiết thực đến các lĩnh vực công tác, đời sống hàng ngày của CBCCVC, học sinh, sinh viên, lực lượng vũ trang và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh. Đồng thời, phổ biến cho cán bộ, Nhân dân các luật, pháp lệnh, văn bản mới thông qua năm 2020 và năm 2021; các dự thảo chính sách, pháp luật có tác động lớn đến xã hội; những vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng; các văn bản, quy định có liên quan trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp như: Các quy định pháp luật phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; phòng, chống dịch bệnh Covid-19; biển, đảo; cải cách hành chính; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tội phạm, ma túy, thiên tai; hỗ trợ khởi nghiệp; bảo vệ môi trường; phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; an toàn giao thông đường bộ; các điều ước quốc tế ký kết giữa Việt Nam với các nước có chung đường biên giới; Công ước, điều ước quốc tế, các Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam đã tham gia ký kết có liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp,… Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã linh hoạt thực hiện PBGDPL bằng nhiều hình thức khác nhau phù hợp với tình hình thực tiễn và từng nhóm đối tượng, địa bàn cụ thể như: biên soạn, phát hành hơn 72.500 đĩa CD, VCD, bản tin, Hỏi - Đáp pháp luật, tờ gấp, tờ rơi tuyên truyền pháp luật; đăng tải hơn 3.000 tin, bài trên báo, đài phát thanh - truyền hình, hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở, các Bản tin, Tạp chí, Tờ thông tin nội bộ; tổ chức 118 cuộc thi tìm hiểu pháp luật dưới các hình thức như thi viết, thi sân khấu hóa, thi trực tuyến; đăng tải các thông tin pháp luật và tài liệu PBGDPL trên Cổng/Trang thông tin điện tử; in pano, áp phích;...
Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác PBGDPL cho các đối tượng đặc thù (Nhân dân miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, bãi ngang; người đang bị tạm giữ, người đang chấp hành hình phạt tù, người đang bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính; người mới ra tù tái hòa nhập cộng đồng…) trên địa bàn tỉnh.
Hoạt động tuyên truyền, PBGDPL trong các trường học trên địa bàn tỉnh cũng được các cấp, ngành, địa phương quan tâm, chú trọng và tiếp tục thực hiện với nội dung, hình thức đa dạng, phong phú.
Công tác hòa giải ở cơ sở tiếp tục được quan tâm
UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 65/KH-UBND ngày 04/6/2021 về thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 - 2022” trên địa bàn tỉnh năm 2021. Căn cứ Kế hoạch của tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã cụ thể hóa bằng các kế hoạch; triển khai và tổ chức thực hiện Đề án này trên địa bàn. Đồng thời, tăng cường chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở nhằm nâng cao nhận thức của Nhân dân về vị trí, vai trò và ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở. Cùng với đó, tiếp tục hướng dẫn UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện rà soát, củng cố, kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực cho hòa giải viên ở cơ sở; vận động, thuyết phục đội ngũ luật sư, luật gia, người đang và đã từng là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, chấp hành viên, thẩm tra viên trong cơ quan tiến hành tố tụng, cán bộ, công chức, viên chức có đủ tiêu chuẩn, đang thường trú ở cơ sở tham gia làm hòa giải viên ở cơ sở.
Việc nắm bắt, tiếp nhận, giải quyết các vụ việc mâu thuẫn, xích mích ở địa bàn dân cư tiếp tục được các Tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở. 06 tháng đầu năm 2021, 1.124 tổ hòa giải đã tiếp nhận 582 vụ việc, hòa giải thành 407 vụ, đạt 69,9%. Những vụ việc còn lại, đang trong quá trình xác minh và sẽ hoàn thành việc hòa giải.
Thực hiện tốt quy định về xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật
Tính đến ngày 25/01/2021, UBND 11 huyện, thị xã, thành phố đã thành lập, kiện toàn Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật và tiến hành đánh giá, ban hành Quyết định công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, báo cáo kết quả công nhận cấp xã đạt 13 chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn. Theo đó, có 157 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2020 và 02 xã chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2020.
Ngoài ra, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh, trong năm 2020, có 10 xã và 01 huyện thực hiện đánh giá các tiêu chí về đích nông thôn mới, trong đó có tiêu chí xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Kết quả, 10/10 xã và 01 huyện đạt tiêu chí về chuẩn tiếp cận pháp luật.
Để tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác xây dựng, đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đạt hiệu quả, 06 tháng đầu năm 2021, UBND tỉnh Bình Định, Sở Tư pháp tiếp tục ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp huyện, UBND cấp xã triển khai thực hiện công tác xây dựng, đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Đồng thời, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp triển khai cho 03 đơn vị cấp huyện, 05 đơn vị cấp xã và phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức góp ý dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật bằng các hình thức thích hợp, báo cáo Bộ Tư pháp theo đúng thời gian yêu cầu.
Nhằm đẩy mạnh hiệu quả công tác PBGDPL, tỉnh Bình Định kiến nghị Bộ Tư pháp hướng dẫn cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan trong việc tham mưu và tổ chức thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định của Quyết định số 619/QĐ-TTg; về phương thức đánh giá và bộ công cụ đánh giá các tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL (mẫu phiếu điều tra, khảo sát; nội dung kiểm tra, phỏng vấn; báo cáo, các tài liệu khác,…) theo quy định tại Thông tư số 03/2018/TT-BTP./.
Kim Loan