A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phê duyệt Đề án Giải quyết tình trạng người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2020

(binhdinh.gov.vn)-UBND tỉnh vừa có Quyết định số 955/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án Giải quyết tình trạng người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2020 giao Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện.


Ảnh minh họa.

Theo Đề án, các đối tượng lang thang, cỡ nhỡ, xin ăn là những người lang thang xin ăn, người kết hợp công việc khác với việc xin ăn; người sống lang thang không có nơi cư trú nhất định thường sử dụng vỉa hè, công viên, chợ, bến xe… làm nơi sinh sống và các đối tượng khác sống lang thang trên đường phố.

Để giải quyết tình trạng này, Đề án đưa ra các giải pháp chủ yếu là tuyên truyền nâng cao nhận thức; Tập trung đối tượng; Thực hiện đăng ký, quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, nhất là số đối tượng từ địa phương khác đến cư trú trên địa bàn; Lồng ghép thực hiện chính sách an sinh xã hội, dạy nghề, tạo việc làm và huy động sự tham gia của cộng đồng trợ giúp đối với các đối tượng bảo trợ xã hội. Ngoài ra, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị các cơ sở bảo trợ xã hội. Đồng thời, thực hiện kiểm tra, giám sát, tổ chức sơ kết, tổng kết.

Việc giải quyết tình trạng người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn thực hiện theo quy trình từ tập trung chuyển giao đối tượng; quản lý, phân loại, chuyển đối tượng về các cơ sở bảo trợ xã hội, đến giải quyết bảo lãnh cho các đối tượng, với kinh phí sử dụng từ nguồn đảm bảo xã hội cân đối hàng năm cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), ngân sách cấp huyện, xã, từ các chương trình, kế hoạch, đề án có liên quan và huy động sự đóng góp của các đơn vị, cá nhân trong và ngoài nước.

UBND tỉnh giao Sở LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của Đề án trên phạm vi toàn tỉnh; Tổ chức tiếp nhận đối tượng do các địa phương tập trung bàn giao về điểm tập trung của tỉnh, phối hợp với các cơ quan có liên quan lập hồ sơ phân loại và xử lý theo quy định; Theo dõi, tổng hợp, tổ chức sơ tổng kết, báo cáo kết quả thực hiện cho UBND tỉnh.

Công an tỉnh phối hợp với chính quyền các cấp tổ chức việc tập trung người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn, người tâm thần lang thang trên địa bàn; Chỉ đạo công an các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với ngành LĐ-TB&XH và các đoàn thể thực hiện nhiệm vụ tập trung đối tượng, cùng xác lập ban đầu hồ sơ đối tượng theo quy định; Kịp thời phát hiện, điều tra và phối hợp xử lý theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng “chăn dắt”, tổ chức xúi dục và thuê trẻ em, người khuyết tật hoặc người già đi ăn xin để hưởng lợi; Chỉ đạo công an xã, phường, thị trấn phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn phát hiện, lập hồ sơ người lang thang đối với những đối tượng không chấp hành theo quy định và phối hợp với các phòng, ban liên quan đưa người tâm thần về nơi cư trú hoặc vào cơ sở chữa bệnh; Tăng cường công tác quản lý tạm trú, tạm vắng, điều tra xác định nhân thân và tham gia phân loại đối tượng để xử lý có hiệu quả.

Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện, trung tâm y tế cấp huyện, xã phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện tiếp nhận, khám, điều trị; lập hồ sơ những người không có địa chỉ chuyển về UBND cấp huyện, các cơ sở bảo trợ xã hội…

Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Sở LĐ-TB&XH tham mưu về đầu tư cơ sở vật chất cho các trung tâm, cơ sở bảo trợ xã hội đảm bảo đủ điều kiện tiếp nhận và quản lý các đối tượng.

Sở Tài chính phối hợp với các sở, ngành tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí và hướng dẫn quản lý, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí phù hợp, đúng quy định.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị và thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn  với việc giải quyết tình trạng người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn trên địa bàn sinh sống; Chỉ đạo ban quản lý các điểm du lịch, khu di tích, các điểm lễ hội ...hướng dẫn du khách không cho tiền người ăn xin, đưa tiêu chí địa điểm không có người lang thang, xin ăn vào thi đua cuối năm và “không có người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn, là công dân có hộ khẩu thường trú tại địa phương” vào tiêu chí 1 của “Đời sống kinh tế ổn định và từng bước phát triển” của Quy định tiêu chuẩn công nhận làng, khu phố, thôn văn hóa.

Các Sở Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Tư pháp, Báo Bình Định, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các hội đoàn thể phối hợp với các sở ngành tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, đẩy mạnh các hoạt động nhân đạo, từ thiện… tạo điều kiện cho những đối tượng lang thang, cơ nhỡ, xin ăn trở về với gia đình, có công ăn việc làm, ổn định cuộc sống.

UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn và công an trên địa bàn tiếp nhận, theo dõi, kiểm soát và trợ giúp các đối tượng hồi hương về: nhà ở, đất sản xuất, giúp con em đến trường, quản lý chắc đối tượng tại địa phương, không để đối tượng quay lại các đô thị để xin ăn; Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách theo quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Ngoài ra, định kỳ báo cáo kết quả cho các cơ quan liên quan theo quy định hiện hành./.

T.T.T


Tin nổi bật Tin nổi bật