|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phổ biến các văn bản luật được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5

(binhdinh.gov.vn) - UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 48/KH-UBND về Phổ biến các văn bản luật được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5.

Tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV thông qua các văn bản luật gồm: Luật Căn cước; Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Mục đích của kế hoạch nhằm trang bị, nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật của cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương và các tầng lớp Nhân dân về những nội dung cơ bản của các văn bản luật được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 51 (sau đây gọi tắt là các văn bản luật). Qua đó, tạo điều kiện để các chủ thể khi tham gia quan hệ pháp luật ở các lĩnh vực này có hành vi xử sự phù hợp; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và tăng cường quản lý nhà nước bằng pháp luật ở địa phương.

Yêu cầu của kế hoạch là việc phổ biến các văn bản luật phải đảm bảo kịp thời, chính xác, đầy đủ, rõ ràng, dễ hiểu, thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm; sử dụng biện pháp linh hoạt và phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, điều kiện thực tiễn. Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL); phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tổ chức triển khai, thi hành nội dung quy định mới thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý của ngành, địa phương.

Theo kế hoạch, Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố có nhiệm vụ thực hiện đăng tải, cập nhật toàn văn nội dung các văn bản luật trên Cổng/Trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương và các hình thức thích hợp khác để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, Nhân dân dễ dàng tiếp cận, khai thác và sử dụng khi có nhu cầu.

Kịp thời quán triệt, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu nội dung của văn bản luật cho cán bộ, công chức, viên chức được giao nhiệm vụ trực tiếp triển khai thi hành các văn bản này và đội ngũ báo cáo viên pháp luật tỉnh, cấp huyện để tham gia tuyên truyền, PBGDPL cho Nhân dân. Giải thích, cung cấp đầy đủ quy định của văn bản luật liên quan trực tiếp đến vụ việc đang giải quyết hoặc hướng dẫn tìm kiếm, tra cứu trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật khi công dân có yêu cầu trong quá trình xem xét, giải quyết vụ việc của công dân. Trên cơ sở các nội dung, hình thức PBGDPL nêu tại Mục II, III Kế hoạch này, căn cứ điều kiện, tình hình thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ chính trị, các cơ quan, đơn vị, địa phương xác định nội dung, hình thức phổ biến các văn bản luật phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn. Đồng thời, tăng cường thông tin, phổ biến rộng rãi nội dung của các văn bản luật cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý và Nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong PBGDPL (tập huấn; thi tìm hiểu pháp luật; tư vấn, đối thoại pháp luật trực tuyến; biên soạn, đăng tải hỏi - đáp pháp luật trên Cổng thông tin điện tử …); bố trí nguồn lực bảo đảm thực hiện nhiệm vụ.

Trong quá trình phổ biến, thông tin, truyền thông cần nắm bắt và phản ánh kịp thời cho UBND tỉnh (qua Sở Tư pháp) ý kiến của Nhân dân, dư luận xã hội về tính khả thi, phù hợp của các văn bản luật mới ban hành; kịp thời định hướng thông tin, phổ biến những vấn đề nóng, được dư luận quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội; giải đáp pháp luật và các vướng mắc trong áp dụng pháp luật về các lĩnh vực do mình quản lý cho người dân, doanh nghiệp bằng các hình thức phù hợp; tăng cường kiểm tra, sơ kết, tổng kết, đánh giá hiệu quả thực hiện nhiệm vụ được giao.

Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, truyền thông và mạng lưới truyền thanh cơ sở tăng cường thông tin, truyền thông, tuyên truyền, phổ biến nội dung các văn bản luật, nhất là những điểm mới.

Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định, Báo Bình Định, các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh tăng cường thời lượng, lồng ghép phổ biến rộng rãi, thường xuyên các nội dung các văn bản luật trên chuyên trang, chuyên mục của báo, đài để người dân biết và thực hiện.

UBND tỉnh đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh tổ chức quán triệt, phổ biến nội dung của các văn bản luật có liên quan trong toàn ngành và phạm vi quản lý.

UBND tỉnh đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các hội, đoàn thể tỉnh, Hội Luật gia tỉnh, Đoàn Luật sư tỉnh tổ chức quán triệt, phổ biến nội dung các văn bản luật liên quan cho đoàn viên, hội viên của tổ chức mình và tham gia PBGDPL cho Nhân dân; tích cực vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân tự giác học tập, tìm hiểu, tuân thủ và chấp hành pháp luật; tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật.

UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ Kế hoạch này và nhu cầu, điều kiện thực tiễn của địa phương xây dựng Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến các văn bản luật tại địa phương với hình thức phù hợp; tổ chức quán triệt, tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật; chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, tổ chức thực hiện đảm bảo hiệu quả, thực chất.

Bộ phận pháp chế các sở, ngành, đoàn thể tỉnh; Hội đồng phối hợp PBGDPL cấp huyện có trách nhiệm tham mưu, giúp Thủ trưởng các sở, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện các nhiệm vụ nói trên.

UBND tỉnh giao Sở Tư pháp giúp UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện Kế hoạch này và tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh theo quy định.


Tác giả: DTD

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật