A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi, giai đoạn 2022-2030

(binhdinh.gov.vn) - UBND tỉnh quyết định ban hành Kế hoạch phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi trên địa bàn tỉnh Bình Định, giai đoạn 2022-2030.

Ảnh minh họa

Theo đó, Kế hoạch đặt ra mục tiêu cụ thể: Chủ động phòng bệnh, giám sát phát hiện và khống chế kịp thời một số bệnh nguy hiểm trên đối tượng thủy sản nuôi khác, không để mầm bệnh lây lan ra diện rộng; Khống chế diện tích nuôi bị bệnh nguy hiểm: Trên tôm nuôi nước lợ, bảo đảm diện tích nuôi bị bệnh thấp hơn 10% tổng diện tích nuôi; các đối tượng nuôi lồng bè (tôm hùm, cá biển,…) bảo đảm số lồng bè bị bệnh thấp hơn 15% tổng số lồng bè tại diện tích nuôi; nuôi cá lồng bè trên hồ chứa thủy lợi, khống chế số lồng nuôi bị bệnh thấp hơn 15% tổng số lồng nuôi; nuôi cá trong ao hồ nhỏ, khống chế diện tích bị bệnh thấp hơn 5% tổng diện tích nuôi; nuôi ngao/nghêu, tu hài, hàu, bảo đảm diện tích bị bệnh thấp hơn 5% tổng diện tích nuôi.

Xây dựng biện pháp kiểm soát đối với các bệnh nguy hiểm thường xuyên xuất hiện và bệnh mới xuất hiện trên thủy sản nuôi; Theo dõi, dự tính, dự báo, thông tin chính xác dịch bệnh để kịp thời phát hiện nhanh, bao vây, xử lý dịch triệt để các ổ dịch, không để lây lan ra diện rộng tại các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung và các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản trên địa bàn tỉnh; Ngăn chặn có hiệu quả một số tác nhân gây bệnh nguy hiểm, nguy cơ xâm nhiễm vào các vùng nuôi trong tỉnh; Xây dựng các cơ sở An toàn dịch bệnh (ATDB) đối với một số bệnh nguy hiểm theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đảm bảo cung cấp con giống sạch bệnh trong tỉnh, phục vụ tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.

UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch đảm bảo hiệu quả, đúng quy định. Chủ trì, phối hợp với các Sở ngành, địa phương triển khai Kế hoạch của UBND tỉnh và các quy định hiện hành của Trung ương về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện; tổng hợp tình hình dịch bệnh báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện. Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y lập kế hoạch, kinh phí phòng chống dịch bệnh thủy sản hàng năm, chủ động tổ chức lấy mẫu giám sát lưu hành các tác nhân gây bệnh nguy hiểm, bệnh mới nổi trên thủy sản để cảnh báo dịch bệnh và hướng dẫn, tổ chức công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản hiệu quả.

Đồng thời thực hiện kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật thủy sản, kiểm soát vận chuyển theo quy định tại Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản. Kiểm soát chặt chẽ nguồn giống thủy sản bố mẹ nhập tỉnh tại các trại giống để sinh sản. Căn cứ nhu cầu và nguồn lực của địa phương, yêu cầu của doanh nghiệp và người nuôi trồng thủy sản, tổ chức xây dựng cơ sở ATDB tiến tới xây dựng vùng ATDB. Tổ chức tuyên truyền, đào tạo tập huấn về phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm, bệnh mới nổi trên thủy sản nuôi giai đoạn 2021 - 2030.

Chi cục Thủy sản hàng năm, chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra điều kiện đối với cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản và cơ sở sản xuất, mua bán, nhập khẩu thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh; xây dựng và thực hiện kế hoạch quan trắc, cảnh báo môi trường tại các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung trong tỉnh. Chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông Hàng năm, lập kế hoạch tọa đàm trên truyền hình về công tác chống dịch bệnh nguy hiểm, bệnh mới nổi trên thủy sản nuôi.

Sở Tài chính căn cứ điều kiện ngân sách hằng năm, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu, đề xuất, bố trí nguồn kinh phí thực hiện Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thủy sản trên địa bàn tỉnh theo phân cấp, đảm bảo quy định hiện hành.

Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có kế hoạch, ưu tiên đặt hàng các nhiệm vụ để triển khai các nội dung liên quan đến phát triển nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ vào kiểm soát dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản phục vụ các nhiệm vụ trong Kế hoạch.

Đối với các huyện, thị xã, thành phố có diện tích nuôi trồng thủy sản: Hằng năm, chỉ đạo xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh thủy sản của địa phương và dự toán kinh phí thực hiện.  Phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn theo hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thú y và Tổng cục Thủy sản.

Các hội, hiệp hội chủ động phối hợp với các đơn vị chuyên môn tích cựctham gia thực hiện Kế hoạch. Các doanh nghiệp, người nuôi trồng thủy sản, các cơ sở sản xuất giống thủy sản, cơ sở sản xuất thủy sản xây dựng kế hoạch và tổ chức giám, sát lấy mẫu, xét nghiệm để xác định tác nhân gây bệnh có dấu hiệu mắc bệnh tại cơ sở nuôi... Thực hiện việc báo cáo, chia sẻ thông tin dịch bệnh thủy sản theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y và theo các quy định hiện hành.

Các doanh nghiệp sản xuất thủy sản, cơ sở sản xuất giống thủy sản cần chủ động xây dựng kế hoạch giám sát dịch bệnh và hoàn thiện các điều kiện để được công nhận cơ sở ATDB theo quy định.


Tác giả: Thùy Trang

Tin nổi bật Tin nổi bật