A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường công tác quản lý, điều hành giá những tháng cuối năm 2022

(binhdinh.gov.vn) - UBND tỉnh ban hành Văn bản 4551/UBND-TH về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý, điều hành giá những tháng cuối năm 2022 trên địa bàn tỉnh.

Ảnh minh họa

UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài chính tiếp tục theo dõi sát tình hình, diễn biến giá cả thị trường để kịp thời đề xuất, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện các biện pháp bình ổn giá phù hợp theo thẩm quyền quy định của pháp luật, nhất là đối với một số mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn. Đối với các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá tiếp tục thực hiện theo phương án đã được phê duyệt, đối với những hàng hóa, dịch vụ có đề xuất điều chỉnh giá trong thời gian tới cần tính toán chuẩn bị kỹ phương án, đánh giá tác động đến mặt bằng giá, mục tiêu kiểm soát lạm phát để có phương án điều hành cụ thể trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định mức độ và thời điểm điều chỉnh phù hợp. Tăng cường đôn đốc hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá thực hiện nghiêm túc việc kê khai giá tại Sở Tài chính. Thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ mức giá kê khai; kiên quyết dừng các trường hợp kê khai tăng giá không phù hợp với tác động của các yếu tố đầu vào và mặt bằng giá cả thị trường; kiểm tra các yếu tố hình thành giá khi có biến động bất thường. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá trên địa bàn tỉnh (tập trung vào mặt hàng: xăng dầu, vật liệu xây dựng, thức ăn chăn nuôi, phân bón,…); kịp thời xử lý các sai phạm, lợi dụng tình hình thị trường có biến động để tăng giá bất hợp lý và các trường hợp đưa tin thất thiệt gây bất ổn thị trường, giá cả.

Sở Công Thương tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả, thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu nhằm điều tiết, bình ổn thị trường, giá cả, nhất là đối với một số mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn như: thóc, gạo, thịt lợn, xăng dầu,...; kịp thời đề xuất, tham mưu UBND tỉnh có các biện pháp xử lý, tránh tình trạng gây khan hiếm giả tạo, đầu cơ tăng giá, sốt giá ảo, gây bất ổn thị trường. Chủ động tháo gỡ khó khăn và có phương án điều tiết nguồn hàng để tăng lượng cung ứng cho các địa phương, bảo đảm cung cấp đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân. Chủ động tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa để chuẩn bị các nguồn hàng dự trữ, bình ổn giá cả thị trường nhất là dịp cuối năm 2022. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát việc cung ứng xăng dầu của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh đảm bảo tính liên tục, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết; xử lý nghiêm đối với các hành vi găm hàng, đầu cơ, nâng giá bất hợp lý (trong đó có mặt hàng xăng dầu).

Sở Giao thông vận tải theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu, tăng cường tổ chức rà soát kê khai giá giá cước vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định, xe buýt theo tuyến cố định và giá cước vận tải hành khách bằng xe taxi các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh để đánh giá việc tăng giá phải phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào, đặc biệt là chi phí xăng dầu trong các yếu tố hình thành giá. Tăng cường kiểm tra việc chấp hành kê khai giá, niêm yết giá và bán vé đúng giá niêm yết đối với các đơn vị kinh doanh vận tải; xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tăng giá bất hợp lý, thu cao hơn mức giá kê khai, niêm yết.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Công Thương cập nhật thông tin, diễn biến thị trường và nắm sát nguồn cung các sản phẩm lương thực, thực phẩm trên địa bàn để chỉ đạo sản xuất phù hợp với nhu cầu của thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung trong tỉnh (tập trung vào các mặt hàng: gạo, thịt lợn, thức ăn chăn nuôi, phân bón,...). Chỉ đạo việc nghiên cứu có giải pháp quản lý theo chuỗi từ khâu giết mổ, trong khâu lưu thông, tiêu thụ sản phẩm cho các hộ chăn nuôi, tính toán nguồn cung lâu dài, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm; đồng thời phối hợp với các Sở, ngành, địa phương có liên quan tăng cường công tác tìm kiếm, phát triển các thị trường mới, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại và có giải pháp hỗ trợ kịp thời về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, không để dịch bệnh tái phát và lây lan diện rộng, đảm bảo đáp ứng nhu cầu mặt hàng thịt lợn, cân đối nguồn cung để ổn định giá thịt lợn. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp nhằm kiểm soát chất lượng vật tư nông nghiệp, chống hàng giả, ổn định giá phân bón phục vụ sản xuất.

Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan, đơn vị liên quan thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến của thị trường xây dựng để kịp thời cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp mặt bằng giá thị trường, lưu ý tránh bị tác động của các hiện tượng đầu cơ, thổi giá. Thường xuyên rà soát, cập nhật các loại vật liệu xây dựng chủ yếu, thiết bị công trình phổ biến vào Danh mục để công bố. Đối với các loại vật liệu chủ yếu, có biến động nhiều, Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức khảo sát, thu thập thông tin, xác định giá vật liệu xây dựng trên địa bàn để công bố, đáp ứng yêu cầu quản lý chi phí đầu tư xây dựng theo quy định.

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh; đảm bảo không ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng của các công trình trọng điểm quốc gia và các công trình trên địa bàn tỉnh; xử lý nghiêm các trường hợp có hành vi vi phạm.

Sở Y tế tiếp tục chủ động theo dõi, giám sát biến động giá các mặt hàng để có các biện pháp quản lý, bình ổn giá theo quy định tại Luật Giá và Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 08/11/2021 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan đề xuất biện pháp quản lý, bình ổn giá và tổ chức thực hiện việc bình ổn giá theo quy định pháp luật về giá. Đối với giá vật tư y tế, tiếp tục tăng cường cập nhật, công khai kết quả  trúng thầu vật tư, trang thiết bị y tế trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế, Sở Y tế để đảm bảo công khai, minh bạch đến người dân và xã hội, nhất là thông tin về giá các vật tư, sinh phẩm và vật dụng y tế khác phục vụ chống dịch Covid-19.

Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, địa phương có liên quan đề xuất lộ trình học phí giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập và chính sách miễn học phí đối với học sinh trung học cơ sở theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 08/6/2022 để hỗ trợ kịp thời đối với học sinh, sinh viên, hộ gia đình có thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn, bình ổn giá và kiểm soát lạm phát góp phần phục hồi phát triển kinh tế, ổn định đời sống của nhân dân.

Sở Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan đơn vị có liên quan tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, niêm yết giá đối với các dịch vụ lưu trú, du lịch theo đúng quy định. Xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng các dịp cao điểm, diễn biến giá xăng dầu để tăng giá bất hợp lý.

Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn cho các cơ quan báo chí; Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền các thông tin chính xác, chính thống về tình hình giá cả các mặt hàng trong phạm vi quản lý để kịp thời truyền tải đến người dân và kiểm soát lạm phát kỳ vọng.  Tăng cường công tác kiểm tra và giám sát thông tin mạng, kịp thời đấu tranh phản bác, ngăn chặn những thông tin thất thiệt, không đúng sự thật, gây hoang mang cho người tiêu dùng, gây bất ổn thị trường và xử lý nghiêm các nội dung vi phạm theo quy định.

Ngân hàng nhà nước Chi nhánh tỉnh Bình Định kịp thời triển khai các chủ trương, chính sách, chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối đến các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 13/01/2022 của Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành Ngân hàng năm 2022 và các văn bản chỉ đạo của Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn: Tích cực triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo quy định tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN ngày 20/5/2022 của Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam; thực hiện tốt công tác tuyên truyền về chính sách hỗ trợ lãi suất để khách hàng nắm bắt thông tin và sớm tiếp cận được chính sách; tăng cường đẩy mạnh chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ngân hàng.

UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị và lực lượng chức năng theo thẩm quyền tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý; chủ động báo cáo, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định tại Luật Giá và theo thẩm quyền khi hàng hóa có biến động bất thường (chủ yếu tập trung vào mặt hàng: xăng dầu, vật liệu xây dựng, thức ăn chăn nuôi, phân bón,…). Theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu trên địa bàn để có biện pháp điều hành phù hợp. Có giải pháp bình ổn giá, thực hiện chính sách điều hành đảm bảo mục tiêu, sát với tình hình thực tế và tuân thủ các quy định của pháp luật. Chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường công tác kiểm tra, ngăn ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời việc sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng; kiểm tra chặt chẽ việc buôn bán vận chuyển gia súc, gia cầm và các sản phẩm từ gia súc, gia cầm không qua kiểm dịch và các điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; làm tốt công tác y tế, phòng chống dịch bệnh ở người. Chủ động, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan thực hiện việc đăng tải công khai, minh bạch thông tin về giá cả các mặt hàng trong phạm vi quản lý trên Trang thông tin điện tử của các đơn vị, địa phương, để kịp thời truyền tải đến người dân và kiểm soát lạm phát kỳ vọng.


Tác giả: Thùy Trang

Tin nổi bật Tin nổi bật