A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường chỉ đạo sản xuất, khắc phục thiệt hại do hạn hán và xâm nhập mặn gây ra trong năm 2013

Ngày 26/12/2012, UBND tỉnh ban hành văn bản số 5123/UBND-KTN về việc tăng cường chỉ đạo sản xuất, khắc phục thiệt hại do hạn hán và xâm nhập mặn gây ra trong năm 2013.

Theo đó, giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo cân đối lại nguồn nước của các hồ chứa để xác định khả năng tưới trong vụ đông xuân và hè thu; những vùng trong vụ đông xuân không có nước tưới hướng dẫn nhân dân chuyển sang cây trồng cạn (không sạ lúa) phù hợp với cây trồng và điều kiện đất đai. Sở Nông nghiệp và PTNT chuẩn bị đủ giống cây trồng cạn các loại, có chất lượng phục vụ sản xuất của nông dân; đồng thời hướng dẫn quy trình kỹ thuật thâm canh cho từng loại cây trồng, trên từng chân đất. Đối với những vùng có đủ nước tưới chỉ đạo gieo sạ lúa đúng thời vụ, tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh để đạt năng suất, sản lượng cao nhất; kiểm tra và quản lý chặt chẽ nguồn nước các hồ chứa, thực hiện tưới tiết kiệm nước, xây dựng kế hoạch tưới cụ thể cho từng vùng; tận dụng các nguồn nước cơ bản các sông suối để sản xuất, khi thật cần thiết mới tháo nước từ hồ chứa; huy động lực lượng nạo vét, áp trúc, tu bổ kênh mương, bảo đảm nước cung cấp kịp thời cho cây trồng, tránh thất thoát nước trong quá trình dẫn nước tưới. Tuyệt đối không để nông dân gieo sạ lúa tràn lan ở những vùng không đủ nước tưới.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với UBND các địa phương hướng dẫn và thực hiện cụ thể biện pháp tưới tiết kiệm theo yêu cầu sinh trưởng phát triển từng loại cây trồng để sử dụng nguồn nước sẵn có hiệu quả. Tính toán giữ lại một lượng nước nhất định ở các hồ chứa lớn để cung cấp nước sinh hoạt cho người dân, nước uống gia súc ở những vùng ven biển, ven đầm không có nguồn nước ngọt. Phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai công tác khảo sát nguồn nước hiện có để cân đối nước phục vụ nhu cầu sinh họat của người dân, nước uống của gia súc, nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, nước cho sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở từng địa phương, đề ra các giải pháp chỉ đạo thực hiện cụ thể và đưa ra nhân dân tham gia thống nhất, báo cáo UBND tỉnh trong tháng 02/2013. Song song với công tác phòng, chống hạn, bảo vệ sản xuất vụ đông xuân 2012-2013, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố cần quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương có biện pháp ngăn ngừa xâm nhập mặn ở vùng ven biển; hướng dẫn các chủ rừng chủ động điều chỉnh, bổ sung phương án và tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống cháy rừng trong điều kiện thiếu nước, nắng nóng, khô hạn kéo dài. Tăng cường công tác kiểm dịch thú y thuỷ sản, hướng dẫn cụ thể lịch thời vụ, mật độ thả nuôi, phương pháp nuôi cho từng đối tượng thuỷ sản trên từng vùng phù hợp với điều kiện nắng hạn, thiếu nguồn nước ngọt để hạn chế dịch bệnh, đảm bảo hiệu quả bền vững; tăng diện tích nuôi sinh thái, đa dạng hoá các loại đối tượng nuôi; chỉ nuôi tôm bán thâm canh, thâm canh ở nơi có đủ điều kiện và tránh hiện tượng xâm nhập mặn khi lấy nước nuôi thủy sản.

Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công Thương, Sở Khoa học – Công nghệ, UBND các huyện, thị xã, thành phố khảo sát và hướng dẫn nhân dân, các doanh nghiệp khai thác, sử dụng nguồn nước ngầm hợp lý, hiệu quả để phục vụ nước sinh hoạt, nước cho sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Có kế hoạch tổ chức giám sát và thông báo cho người sử dụng nước biết nguồn nước ngầm, nguồn nước mặt đã bị nhiễm mặn để họ chủ động phòng tránh; đồng thời hướng dẫn nhân dân, các đơn vị khai thác hợp lý nguồn nước ngầm, nguồn nước mặt ở vùng ven biển để tránh hiện tượng xâm nhập mặn. Giao Công an tỉnh  chỉ đạo đơn vị chức năng phối hợp với chính quyền ở địa phương hướng dẫn xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy và tăng cường kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy ở từng cơ quan, cơ sở sản xuất, kho hàng, nhất là trong điều kiện nắng hạn gay gắt kéo dài. Chỉ đạo Công an các địa phương tăng cường công tác đảm bảo an ninh nông thôn trong điều kiện hạn hán, thiếu nguồn nước.

Giao Sở Lao động- Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp các ngành, các địa phương trên cơ sở phương án sản xuất năm 2013 của Sở Nông nghiệp và PTNT khảo sát, tổng hợp số hộ có thể thiếu đói do không sản xuất được, đề xuất phương án hỗ trợ dân sinh, báo cáo UBND tỉnh trong tháng 02/2013 để Báo cáo xin Trung ương hỗ trợ gạo, kinh phí để thực hiện hỗ trợ dân sinh. Kiên quyết không để nhân dân thiếu ăn, thiếu nước uống do hạn hán gây ra. Giao Sở Y tế có kế hoạch, biện pháp đề phòng dịch bệnh xảy ra trong mùa nắng nóng, hướng dẫn nhân dân xử lý nguồn nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh. Giao Giám đốc Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối ngân sách, đề xuất bố trí kinh phí để thực hiện các phương án sản xuất, hỗ trợ dân sinh trong năm 2013 để đối phó có hiệu quả với điều kiện hạn hán thiếu nước; hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động bố trí và sử dụng ngân sách của địa phương để chi cho công tác khắc phục hậu quả hạn hán, hỗ trợ dân sinh trên địa bàn trong năm 2013.

Bên cạnh đó, yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan thông tấn, báo chí, các Hội, đoàn thể mở các đợt tuyên truyền vận động nhân dân, các tổ chức và cá nhân sử dụng nước hết sức tiết kiệm, tránh lãng phí nước, để có đủ nước phục vụ sinh hoạt của nhân dân. Hướng dẫn, vận động nông dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện nguồn nước tưới hiện có; tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân tự giác và chủ động thực hiện các giải pháp về tiết kiệm nước tưới, chuyển đổi cây trồng, phòng, chống dịch bệnh cây trồng, dịch bệnh gia súc, gia cầm và dịch bệnh thuỷ sản một cách hiệu quả; chủ động phòng chống cháy nổ ở từng gia đình, cơ sở sản xuất hạn chế thấp nhất các thiệt hại do hạn hán gây ra. Đồng thời giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các sở, cơ quan liên quan có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc nội dung văn bản này. Giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT chịu trách nhiệm theo dõi việc thực hiện ở địa phương và thường xuyên báo cáo tình hình thực hiện để Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết kịp thời


Tin nổi bật Tin nổi bật