A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường quản lý, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều và khai thác cát sỏi lòng sông gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều

(binhdinh.gov.vn)-UBND tỉnh vừa có Chỉ thị số 13/CT-UBND về việc tăng cường quản lý, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều và khai thác cát sỏi lòng sông gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều giao các Sở NN&PTNT, Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan có liên quan nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện.


Ảnh minh họa.

Cụ thể, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đê điều và phòng, chống thiên tai’ Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra các công trình: đê điều, thủy lợi, phòng chống thiên tai và các khu vực xung yếu có nguy cơ sạt lở; tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 447/CT-TTg ngày 25/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều và quản lý việc khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều; xử lý hoặc kiến nghị xử lý nghiêm hành vi vi phạm theo quy định; Xây dựng Quy chế về quản lý, phối hợp công tác, chế độ thông tin báo cáo của các tổ chức ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đặt tại địa bàn cấp huyện, cấp xã trong việc tổ chức quản lý, ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, nạo vét, khai thác và kinh doanh cát sỏi lòng sông liên quan đến đê điều trình UBND tỉnh phê duyệt, thực hiện.

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cấp, các ngành tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý những trường hợp khai thác, nạo vét khoáng sản (cát, sỏi) lòng sông sử dụng bãi ven sông chứa cát, sỏi trái phép, không đủ điều kiện hoạt động theo quy định; Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong hoạt động thăm dò, khai thác cát, sỏi trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền; xử lý, kiến nghị xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản và tăng cường công tác quản lý sau cấp phép, thực hiện giám sát cụ thể khối lượng khai thác cát, sỏi lòng sông; Triển khai thực hiện nghiêm túc các quy chế hậu kiểm trong quản lý, khai thác cát, sỏi lòng sông giữa các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố. Khi đề nghị cấp phép các hoạt động nạo vét, khai thác cát sỏi lòng sông, sử dụng bến bãi cần thực hiện lấy ý kiến của Sở NN&PTNT (cơ quan quản lý nhà nước về đê điều); Xây dựng phương án khai thác cát trên cả tuyến sông để đảm bảo ổn định lòng dẫn, bờ sông, an toàn đê kè và các công trình thủy lợi trên sông; Công khai quy hoạch, các điểm được cấp phép khai thác, kinh doanh cát sỏi, các cơ sở vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng.

Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, thực hiện quy hoạch các bãi tập kết vật liệu xây dựng cát, sỏi trên địa bàn toàn tỉnh theo chức năng nhiệm vụ được giao, áp dụng các chế tài theo quy định nhằm xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và Công an các địa phương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch cụ thể trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, khai thác vận chuyển cát sỏi trái phép, không đảm bảo an toàn.

UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ trì thực hiện công tác kiểm tra xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn, thống kê, phân loại các vi phạm pháp luật về đê điều còn tồn đọng trên địa bàn; thường xuyên mở các đợt cao điểm, xử lý các hành vi vi phạm về đê điều và khai thác, vận chuyển kinh doanh cát, sỏi         gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều; Xây dựng quy chế phối hợp, đặc biệt ở tuyến sông giáp ranh giữa các huyện và triển khai thực hiện kế hoạch ngăn ngừa, xử lý kiên quyết các vi phạm pháp luật về đê điều và khai thác cát sỏi lòng sông; Chỉ đạo các cơ quan chức năng, UBND cấp xã tăng cường công tác quản lý hoạt động thăm dò, khai thác, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản lòng sông trên địa bàn. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý các trường hợp khai thác cát, sỏi trái phép, vi phạm quy định về an toàn lao động, gây ô nhiễm môi trường, sạt lở bờ sông làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và an toàn đê điều, thoát lũ, gây bức xúc trong nhân dân; xử lý triệt để các trường hợp kinh doanh bến bãi, vận chuyển, tập kết cát, sỏi lòng sông trái phép. Khi phát hiện hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép phải tổ chức ngay lực lượng ngăn chặn, xử lý kiên quyết, kịp thời theo thẩm quyền. Đối với các trường hợp phức tạp, cần hỗ trợ phối hợp, kịp thời báo cáo UBND tỉnh để có biện pháp xử lý theo quy đinh của pháp luật.

Các sở, ngành liên quan theo chức năng nhiệm vụ được phân công có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến cho các tổ chức, cá nhân các quy định của pháp luật về hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi gây ảnh hưởng đến đê điều; tăng cường phối hợp để xử lý dứt điểm các vi phạm pháp luật về đê điều đã xảy ra, các vi phạm có quy mô lớn, phức tạp, kéo dài gây bức xúc trong dư luận; các vụ vi phạm có sự tiếp tay hoặc làm ngơ của chính quyền địa phương…

T.T.T


Tin nổi bật Tin nổi bật