|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kế hoạch thực hiện “Đề án Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025”

(binhdinh.gov.vn) - UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch thực hiện “Đề án Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025” (gọi tắt là Chương trình) trên địa bàn tỉnh. Mục đích của Kế hoạch nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả của Chương trình trong toàn bộ hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành, tổng hợp, báo cáo, truyền thông và giám sát, đánh giá; Minh bạch hoá, tạo môi trường tiếp cận nhằm tăng cường sự tham gia, giám sát chủ động của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các tổ chức chính trị - xã hội trong suốt quá trình triển khai thực hiện Chương trình.

Lãnh đạo Ủy ban Dân tộc, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các đơn vị công nghệ thông tin đã tiến hành khởi động Cổng dịch vụ công trực tuyến giai đoạn I của Ủy ban Dân tộc tại Lễ hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2022 của Ủy ban Dân tộc. (Ảnh minh họa. Nguồn cema.gov.vn)

Kế hoạch đặt ra các mục tiêu cụ thể đến năm 2025: 100% các cơ quan quản lý, thực hiện Chương trình từ cấp tỉnh đến cấp xã được triển khai hệ thống thông tin phục vụ quản lý, chỉ đạo, điều hành, nâng cao năng lực, truyền thông và giám sát, đánh giá; 100% việc báo cáo định kỳ, báo cáo giám sát, báo cáo tổng hợp, hệ thống chỉ tiêu Chương trình được thực hiện trên môi trường số đồng bộ từ trung ương tới địa phương, hướng tới thay thế các báo cáo truyền thống; 100% các cơ quan, tổ chức quản lý, thực hiện Chương trình từ cấp tỉnh đến cấp xã được thông tin tự động về các nội dung, nhiệm vụ và kết quả triển khai; Thiết lập và công bố các bộ dữ liệu mở về kết quả triển khai, giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình để công khai cho các tổ chức, người dân; Phấn đấu 100% các dữ liệu được công bố có khả năng khai thác trên môi trường số (máy tính, điện thoại thông minh ...); 100% cán bộ quản lý các cấp quản lý, thực hiện Chương trình được tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, chia sẻ thông tin thường xuyên về kỹ năng số và ứng dụng CNTT trong xử lý tác nghiệp trên môi trường số; Phấn đấu các cơ quan quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình từ tỉnh đến địa phương được đảm bảo hạ tầng, trang bị vận hành Phòng họp trực tuyến; Có ít nhất 30% các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, tập huấn được triển khai trên môi trường số; 100% các hệ thống thông tin thuộc Kế hoạch được triển khai đầy đủ quy định của pháp luật hiện hành về an toàn thông tin mạng; Phấn đấu 100% người có uy tín, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh nắm được chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; được tiếp cận đầy đủ thông tin về y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, thị trường; thông tin an ninh, trật tự để chủ động đảm bảo giữ gìn ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế-xã hội vùng thông qua các nhiệm vụ, dự án trong phạm vi Đề án; Phấn đấu từng bước đưa các lễ hội, phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số được bảo tồn dưới dạng cơ sở dữ liệu số hóa, đa phương tiện và được phổ biến, giới thiệu đến với cộng đồng trong và ngoài nước thông qua các nhiệm vụ, dự án trong phạm vi Đề án.

Kế hoạch đề ra 6 nhóm giải pháp như sau:

Thứ nhất là chuyển đổi nhận thức thông qua tuyên truyền, nâng cao nhận thức, năng lực về chuyển đổi số cho cán bộ triển khai Chương trình và người dân.

Thứ hai là thể chế số: Các hệ thống đảm bảo kết nối và chia sẻ dữ liệu với các hệ thống của Ủy ban Dân tộc.

Thứ ba là phát triển nguồn nhân lực: Tăng cường đào tạo tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số, khai thác dịch vụ số an toàn trên không gian mạng cho các cơ quan quản lý, thực hiện và cán bộ triển khai Chương trình các cấp thông qua các hội nghị, hội thảo: biên soạn và phổ biến tài liệu tập huấn…

Thứ tư là xây dựng các hạng mục hạ tầng CNTT và quản trị, vận hành, đào tạo, bảo trì: Đầu tư nâng cấp hoặc thuê dịch vụ hạ tầng trang thiết bị công nghệ thông tin tại cơ quan quản lý Chương trình ở các cấp để thực hiện các nhiệm vụ phục vụ chuyển đổi số trong quản lý Chương trình...

Thứ năm là bảo đảm an toàn, an ninh mạng: Xây dựng và phê duyệt cấp độ an toàn hệ thống thông tin và triển khai đầy đủ các phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ được phê duyệt các hệ thống thông tin thuộc Kế hoạch; Tổ chức triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ, mô hình 04 lớp an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin thuộc dự án theo quy định...

Thứ sáu là huy động nguồn lực triển khai: Tạo điều kiện, môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút doanh nghiệp, tập đoàn viễn thông, công nghệ thông tin đầu tư về cơ sở hạ tầng số và kết nối mạng internet đến cấp xã, các thôn, làng đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; hạ tầng công nghệ gắn với phát triển dịch vụ trên các lĩnh vực: nông nghiệp, giáo dục, y tế, văn hóa, du lịch và thương mại điện tử...

UBND tỉnh giao Ban Dân tộc là cơ quan chủ trì hướng dẫn các sở, ngành ở tỉnh và UBND các huyện thực hiện Kế hoạch, đảm bảo thống nhất, đồng bộ các hoạt động kết nối trong một hệ thống dùng chung theo hướng dẫn, triển khai của Uỷ ban Dân tộc./.


Tác giả: LXH

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật