|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tiếp tục tăng cường công tác quản lý, điều hành giá trên địa bàn tỉnh

(binhdinh.gov.vn) - Để tăng cường công tác quản lý, điều hành giá trên địa bàn tỉnh, góp phần cùng cả nước phấn đấu thực hiện được mục tiêu nhất quán kiểm soát lạm phát năm 2023 khoảng 4,5%, theo mục tiêu do Quốc hội và Chính phủ đề ra, Chủ tịch UBND tỉnh vừa có văn bản chỉ đạo các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý, điều hành giá trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó tập trung một số nội dung chủ yếu sau:

Sở Tài chính chủ động theo dõi sát tình hình, diễn biến giá cả thị trường để kịp thời đề xuất, trình UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện các biện pháp bình ổn giá phù hợp theo thẩm quyền quy định của pháp luật, nhất là đối với một số mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn. Đối với các hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá tiếp tục thực hiện theo phương án đã được phê duyệt, đối với những hàng hóa, dịch vụ có đề xuất điều chỉnh giá trong thời gian tới cần tính toán chuẩn bị kỹ phương án, đánh giá tác động đến mặt bằng giá, mục tiêu kiểm soát lạm phát để có phương án điều hành cụ thể trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định mức độ và thời điểm điều chỉnh phù hợp. Tăng cường đôn đốc hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục kê khai giá phải thực hiện nghiêm túc việc kê khai giá tại Sở Tài chính. Thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ mức giá kê khai; kiên quyết dừng các trường hợp kê khai tăng giá không phù hợp với tác động của các yếu tố đầu vào và mặt bằng giá cả thị trường. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá đối với các hàng hóa, dịch vụ theo thẩm quyền và quy định của pháp luật, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý; chủ động kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định tại Luật Giá khi hàng hóa có biến động bất thường.

Ảnh minh hoạ (Nguồn: moit.gov.vn)

Sở Công Thương tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả, thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu nhằm điều tiết, bình ổn thị trường, giá cả, nhất là đối với một số mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn; kịp thời đề xuất, trình UBND tỉnh chỉ đạo và có biện pháp xử lý, tránh tình trạng gây khan hiếm giả tạo, đầu cơ tăng giá, sốt giá ảo gây bất ổn thị trường. Tạo điều kiện, vận động, hỗ trợ các doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, dự trữ, chuẩn bị tốt hàng hóa lương thực, thực phẩm, xăng dầu, điện, hàng tiêu dùng thiết yếu. Tổ chức các hoạt động kết nối các doanh nghiệp phân phối và nhà cung ứng thực phẩm thiết yếu, bảo đảm cung ứng nguồn hàng dồi dào, phong phú, giá cả ổn định. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá đối với các hàng hóa, dịch vụ theo thẩm quyền và quy định của pháp luật, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý; kiên quyết dừng các trường hợp kê khai tăng giá không phù hợp với tác động của các yếu tố đầu vào và mặt bằng giá cả thị trường. Chỉ đạo đơn vị điện lực trên địa bàn tỉnh tổ chức thực hiện, cung ứng đảm bảo nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất và đời sống; niêm yết công khai về giá bán điện. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát việc cung ứng xăng dầu của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh đảm bảo tính liên tục, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết; tuyệt đối không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu…; xử lý nghiêm đối với các hành vi găm hàng, đầu cơ, nâng giá bất hợp lý (trong đó có mặt hàng xăng dầu).

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Công Thương cập nhật thông tin, diễn biến thị trường và nắm sát nguồn cung các sản phẩm lương thực, thực phẩm trên địa bàn tỉnh để chỉ đạo sản xuất phù hợp với nhu cầu của thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung trong tỉnh (tập trung vào các mặt hàng: lương thực, thực phẩm, thịt lợn, thức ăn chăn nuôi, phân bón...). Nghiên cứu có giải pháp quản lý theo chuỗi từ khâu giết mổ, trong khâu lưu thông, tiêu thụ sản phẩm cho các hộ chăn nuôi, tính toán nguồn cung lâu dài, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm; đồng thời phối hợp với các Sở, ngành, địa phương có liên quan tăng cường công tác tìm kiếm, phát triển các thị trường mới, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại và có giải pháp hỗ trợ kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh; tập trung thúc đẩy sản xuất, chăn nuôi, tái đàn, chế biến, điều hòa và đảm bảo nguồn cung để bình ổn giá thịt lợn, đặc biệt là trong các thời điểm cuối năm, đáp ứng nhu cầu mặt hàng thịt lợn trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan trong hoạt động kiểm soát chất lượng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp; đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp nhằm kiểm soát chất lượng vật tư nông nghiệp, chống hàng giả, ổn định giá phân bón phục vụ sản xuất. Tham gia, phối hợp, hỗ trợ các địa phương, đơn vị tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại và tiêu thụ nông sản.

Ảnh minh hoạ (Nguồn: xaydungchinhsach.chinhphu.vn)

Sở Y tế tiếp tục theo dõi sát tình hình giá cả thị trường và tăng cường kiểm soát giá thuốc, vật tư y tế thiết yếu trên địa bàn tỉnh, tránh lợi dụng tăng giá bất hợp lý, minh bạch trong quản lý điều hành giá; tuyên truyền, khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh thuốc, cơ sở bán lẻ thuốc thực hiện bán đúng giá, không ôm hàng đẩy giá đối với các mặt hàng thiết yếu để ổn định giá cả thị trường; công khai, minh bạch giá dịch vụ y tế theo quy định để người sử dụng dịch vụ biết, thực hiện. Tăng cường quản lý, kiểm tra giá kê khai được phân công theo quy định; theo dõi sát tình hình dịch bệnh để đảm bảo cung ứng đủ thuốc và vật tư y tế với giá hợp lý phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh. Rà soát sửa đổi, bổ sung danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực Y tế - Dân số trên địa bàn tỉnh theo quy định (nếu cần thiết). Tăng cường cập nhật, công khai về giá trúng thầu vật tư, trang thiết bị y tế trên Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế để thực hiện công khai, minh bạch, nhất là thông tin về giá các mặt hàng phục vụ chống dịch.

Ảnh minh hoạ (Nguồn: thanhnien.vn)

Sở Giao thông vận tải theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu, tăng cường tổ chức rà soát kê khai giá giá cước vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định, xe buýt theo tuyến cố định và giá cước vận tải hành khách bằng xe taxi các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh để đánh giá việc tăng giá phải phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào, đặc biệt là chi phí xăng dầu trong các yếu tố hình thành giá. Tăng cường kiểm tra việc chấp hành kê khai giá, niêm yết giá và bán vé đúng giá niêm yết đối với các đơn vị kinh doanh vận tải, nhất là giai đoạn cuối năm khi nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa tăng cao; xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tăng giá bất hợp lý, thu cao hơn mức giá kê khai, niêm yết.

Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan, đơn vị liên quan thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến của thị trường xây dựng để kịp thời cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng theo quy định phù hợp mặt bằng giá thị trường, lưu ý tránh bị tác động của các hiện tượng đầu cơ, thổi giá; không làm ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng của các công trình trọng điểm quốc gia và các công trình trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên rà soát, cập nhật các loại vật liệu xây dựng chủ yếu, thiết bị công trình phổ biến để công bố giá vật liệu xây dựng. Đối với các loại vật liệu chủ yếu khi có biến động giá, Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan có liên quan tổ chức khảo sát, thu thập thông tin, xác định giá vật liệu xây dựng trên địa bàn để công bố theo quy định; phối hợp đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm về niêm yết giá và kê khai giá theo quy định. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm soát nguồn cung đảm bảo nhu cầu vật liệu xây dựng cho việc triển khai các tuyến đường cao tốc đi qua trên địa bàn tỉnh để không ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng, nguồn vốn thi công của các công trình trọng điểm.

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh; đảm bảo không ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng của các công trình trọng điểm quốc gia và các công trình trên địa bàn tỉnh và xử lý nghiêm các trường hợp có hành vi vi phạm.

Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan rà soát, tham mưu UBND tỉnh giá dịch vụ giáo dục phù hợp trong năm 2023-2024.

Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn cho các cơ quan báo chí; Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đảm bảo kịp thời, minh bạch, đầy đủ thông tin về giá và công tác điều hành giá của Chính phủ, Ban chỉ đạo điều hành giá, nhất là diễn biến giá cả các vật tư quan trọng, các mặt hàng thiết yếu liên quan đến sản xuất và đời sống người dân để ổn định tâm lý người tiêu dùng, đảm bảo kiểm soát hiệu quả lạm phát, nhất là lạm phát kỳ vọng. Tăng cường công tác kiểm tra và giám sát thông tin mạng, kịp thời đấu tranh phản bác, ngăn chặn những thông tin thất thiệt, không đúng sự thật, gây hoang mang cho người tiêu dùng, gây bất ổn thị trường và xử lý nghiêm các nội dung vi phạm theo quy định.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh kịp thời triển khai các chủ trương, chính sách, chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối đến các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 17/01/2023 của Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành Ngân hàng năm 2023 và các văn bản chỉ đạo của Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tích cực triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo các văn bản chỉ đạo; thực hiện tốt công tác tuyên truyền về chính sách hỗ trợ lãi suất để khách hàng nắm bắt thông tin và sớm tiếp cận được chính sách; tăng cường đẩy mạnh chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ngân hàng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sắt chặt chẽ việc cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng, việc thực hiện chủ trương giảm mặt bằng lãi suất cho vay, việc cạnh tranh không lành mạnh trong huy động; kịp thời xử lý nghiêm các tổ chức tín dụng vi phạm các quy định pháp luật.

Cục Quản lý thị trường tỉnh chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu đối với các mặt hàng thiết yếu; hoạt động buôn bán hàng cấm, hàng hóa nhập lậu, hàng hóa gian lận nguồn gốc xuất xứ; hoạt động vận chuyển, kinh doanh gia súc, gia cầm và sản phẩm từ gia súc, gia cầm không đảm bảo các yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm, bảo đảm yêu cầu kiểm soát dịch bệnh. Tăng cường công tác kiểm tra chống buôn lậu xăng dầu qua biên giới khi giá xăng dầu trong nước thấp hơn các nước trong khu vực. Phối hợp với các cơ quan thành viên Ban chỉ đạo 389 trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, trong đó chú trọng kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá, nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm và xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng để tăng giá bất hợp lý. Công khai kết quả kiểm tra, kiểm soát xử lý vi phạm của lực lượng quản lý thị trường trên các phương tiện thông tin đại chúng; nâng cao ý thức của người dân để phòng tránh, tố giác các hành vi kinh doanh trái pháp luật.

UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị và lực lượng chức năng theo thẩm quyền tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý; chủ động báo cáo, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định tại Luật Giá và theo thẩm quyền khi hàng hóa có biến động bất thường (chủ yếu tập trung vào mặt hàng: xăng dầu, vật liệu xây dựng, thức ăn chăn nuôi, phân bón…). Theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu trên địa bàn để có biện pháp điều hành phù hợp. Có giải pháp bình ổn giá, thực hiện chính sách điều hành đảm bảo mục tiêu, sát với tình hình thực tế và tuân thủ các quy định của pháp luật. Chỉ đạo việc đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn để tăng cường lượng hàng hóa cung ứng ra thị trường, tạo thuận lợi cho quá trình lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, bình ổn giá cả thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá, đầu cơ,... không để đứt gãy nguồn cung, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, nhất trong các dịp lễ, tết cuối năm khi nhu cầu tiêu dùng thường tăng cao. Trường hợp phát hiện có hiện tượng tăng giá đột biến do hành vi tin đồn thất thiệt, đầu cơ găm hàng, liên kết độc quyền mua, độc quyền bán thì báo cáo nhanh cho UBND tỉnh để xem xét, có biện pháp xử lý kịp thời nhằm ổn định giá cả thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát. Chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường công tác kiểm tra, ngăn ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời việc sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng; kiểm tra chặt chẽ việc buôn bán vận chuyển gia súc, gia cầm và các sản phẩm từ gia súc, gia cầm không qua kiểm dịch và các điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; làm tốt công tác y tế, phòng chống dịch bệnh ở người. Đối với một số hàng hóa, dịch vụ phải thực hiện theo lộ trình giá thị trường, địa phương chủ động tính toán kỹ phương án, đánh giá tác động đến mặt bằng giá, mục tiêu kiểm soát lạm phát để có phương án điều hành cụ thể trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định điều chỉnh phù hợp. Chủ động, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan thực hiện việc đăng tải công khai, minh bạch thông tin về giá cả các mặt hàng trong phạm vi quản lý trên Trang thông tin điện tử của các đơn vị, địa phương, để kịp thời truyền tải đến người dân và kiểm soát lạm phát kỳ vọng./.


Tác giả: Minh Anh

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật