Tổ chức triển khai công tác tiêm phòng vaccine cho gia súc, gia cầm năm 2016
Các cơ quan thú y tiêm phòng vaccine cho gia súc, gia cầm - Ảnh minh họa.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông Nghiệp và PTNT, Sở Y tế theo chức năng nhiệm vụ được giao, chủ động phối hợp Đài Phát thanh và truyền hình Bình Định, Báo Bình Định, các tổ chức hội, đoàn thể tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về sự nguy hiểm của bệnh Dại, Cúm gia cầm, LMLM gia súc và heo tai xanh. Vận động người chăn nuôi phát hiện và báo cáo kịp thời cho cơ quan thú y, chính quyền cơ sở về dịch bệnh; chấp hành kế hoạch, thời gian tiêm phòng vaccine và chủ động thực hiện phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Tuyệt đối không ăn tiết canh, không ăn thịt gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, bị bệnh, chết và không qua kiểm soát thú y.
Yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về việc cung ứng đầy đủ, kịp thời các loại vaccine, dụng cụ tiêm phòng và hướng dẫn quy trình kỹ thuật tiêm phòng, chữa trị gia súc, gia cầm phản ứng vaccine cho các địa phương. Xác định nhu cầu các loại vaccine phục vụ tiêm phòng năm 2016; tổ chức tiếp nhận vaccine do Trung ương hỗ trợ và mua thêm các loại vaccine phục vụ tiêm phòng, đảm bảo đủ vaccine tiêm phòng theo kế hoạch. Tham mưu UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện Chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh Bình Định. Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, vật tư, hoá chất, vaccine ... và cung ứng kịp thời cho các địa phương, phục vụ tốt cho công tác tiêm phòng năm 2016. Hướng dẫn các địa phương xử lý các trường hợp gia súc bệnh, dịch xảy ra lẻ tẻ, cục bộ theo đúng quy trình kỹ thuật, kiên quyết không để lây lan ra diện rộng. Phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bệnh Dại, hướng dẫn thực hiện các quy định về quản lý chó nuôi và vận động người dân chấp hành tiêm vaccine phòng Dại cho chó, mèo nuôi.
Giao UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai tiêm phòng vaccine cúm gia cầm, LMLM gia súc và dịch tả heo năm 2016 theo kế hoạch của Sở Nông nghiệp và PTNT. Thời gian tiêm phòng vaccine Cúm gia cầm: (đợt I: từ ngày 20/01/2016 đến ngày 30/01/2016 và đợt II: từ ngày 20/7/2016 đến ngày 30/7/2016). Thời gian tiêm phòng vaccine LMLM trâu, bò, heo: (đợt I: từ ngày 01/3/2016 đến ngày 31/3/2016 và đợt II: từ ngày 01/9/2016 đến 30/9/2016). Thời gian tiêm phòng vaccine Dịch tả heo: (đợt I: từ ngày 01/4/2016 đến ngày 30/4/2016 và đợt II: từ ngày 01/10/2016 đến ngày 30/10/2016). Củng cố và kiện toàn hoạt động Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật ở các cấp, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên đứng chân địa bàn để kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo công tác tiêm phòng và giám sát dịch bệnh; Tăng cường triển khai các biện pháp giám sát dịch bệnh, quản lý chăn nuôi, ấp nở, xuất nhập, tái đàn gia cầm và quản lý chó, mèo nuôi thuộc địa bàn. Phát động ra quân phun thuốc tiêu độc sát trùng môi trường phòng, chống dịch bệnh động vật theo các đợt cao điểm và vận động người chăn nuôi duy trì thực hiện thường xuyên công tác này. Chủ động sẵn sàng tổ chức chống dịch khi xảy ra dịch tại địa phương theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và PTNT. Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn, giao trách nhiệm cho thú y xã, thôn và Trưởng thôn theo dõi, giám sát dịch bệnh thuộc địa bàn.
Giao Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông và công an các địa phương phối hợp lực lượng Thú y trong công tác kiểm dịch động vật tại các trạm kiểm dịch đầu mối giao thông và kiểm tra hoạt động vận chuyển, mua bán, giết mổ động vật, sản phẩm động vật và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi tại các địa phương khi được đề nghị. Giao Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, Trung tâm Truyền thông GDSK và Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với cơ quan thú y trong công tác tuyên truyền, giám sát dịch tể, phát hiện và xử lý ổ dịch, phát huy hiệu quả quy chế phối hợp theo Thông tư liên tịch số 16/2013/TTLT-BYT-BNN&PTNT ngày 27/5/2013 giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT và Bộ Y tế. Giao Sở Tài chính phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng kinh phí, phân bổ kịp thời cho ngành nông nghiệp và các huyện miền núi, phục vụ cho công tác tiêm phòng và phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch đề ra.
Các tổ chức, hội, đoàn thể: phối hợp chính quyền địa phương các cấp tăng cường vận động, tuyên truyền hội viên, đoàn viên mình nhận thức đúng về công tác tiêm phòng và phòng chống dịch bệnh động vật, sử dụng sản phẩm động vật có nguồn gốc, không bị dịch bệnh để tự giác thực hiện có hiệu quả các biện pháp an toàn sinh học phòng chống dịch bệnh động vật theo hướng dẫn của ngành Nông nghiệp và ngành Y tế, phát huy hiệu quả phòng chống dịch bệnh động vật, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân và phát triển chăn nuôi bền vững./.
Hữu Phước