|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh

(binhdinh.gov.vn) - Tại văn bản số 10130/UBND-KT ngày 13/12/2024, Chủ tịch UBND tỉnh đã có ý kiến chỉ đạo về việc tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh.

Trong thời gian qua, tại Bình Định, tình hình dịch bệnh cơ bản tiếp tục được khống chế. Tuy nhiên, các loại mầm bệnh nguy hiểm vẫn còn tồn tại trong môi trường; thêm vào đó, tình hình thời tiết vẫn đang diễn biến thất thường gây ảnh hưởng xấu đến sự sinh trưởng, phát triển của đàn vật nuôi, dễ phát sinh các loại dịch bệnh; nguy cơ tái phát dịch bệnh nguy hiểm cho đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh là rất cao.

Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở ngành liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục quán triệt tổ chức triển khai đầy đủ các nội dung theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 06/11/2024 về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi; chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT tại Chỉ thị số 8974/CT-BNNTY ngày 26/11/2024 về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Cúm gia cầm ở động vật; các nội dung theo kế hoạch phòng, chống các loại dịch bệnh động vật giai đoạn 2021-2025 đã được UBND tỉnh phê duyệt; Chỉ thị số 14/CTUBND ngày 20/6/2024 về việc tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh; Văn bản 8149/UBND-KT ngày 14/10/2024 về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, phát triển chăn nuôi và tiêm phòng vaccine cho đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra dịch bệnh gia súc, gia cầm phát sinh trên diện rộng, gây thiệt hại lớn do chủ quản, lơ là, thiếu chỉ đạo kịp thời.

Sở Nông nghiệp và PTNT tăng cường kiểm tra công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật; chú trọng công tác quản lý chăn nuôi, giám sát dịch bệnh, kiểm soát tái đàn vật nuôi tại những vùng nguy cơ cao, vùng có ổ dịch cũ, vùng chăn nuôi trọng điểm; tập trung trong đợt trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Phấn đấu duy trì khống chế dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch, tiến độ thực hiện, giao nhiệm vụ cho các địa phương tổ chức thực hiện nghiêm Quyết định số 2042/QĐ-UBND ngày 07/6/2024 về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2030, tầm nhìn 2045 trên địa bàn tỉnh Bình Định. Chú trọng công tác xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, hình thành vùng nguyên liệu sản phẩm chăn nuôi an toàn, phục vụ người tiêu dùng và chế biến.

Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tăng cường kiểm tra hoạt động giết mổ động vật tại các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ và giết mổ tập trung. Kiểm tra, phúc kiểm tại các chốt kiểm dịch động vật và kiểm soát chặt chẽ hoạt động kiểm dịch tại gốc và hoạt động nhập gia súc, gia cầm giống chăn nuôi vào địa bàn. Đề xuất lực lượng cảnh sát giao thông phối hợp (khi cần thiết). Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp các cơ quan truyền thông và các địa phương, tuyên truyền về mối nguy hại của bệnh Cúm gia cầm, Dịch tả lợn Châu Phi và hướng dẫn người chăn nuôi chủ động thực hiện các biện pháp an toàn sinh học; hợp tác với chính quyền địa phương và cơ quan thú y trong phát hiện, khai báo kịp thời dịch bệnh. Tổ chức thu thập mẫu xét nghiệm để phát hiện sớm tác nhân gây bệnh Cúm gia cầm, Dịch tả lợn Châu Phi để có biện pháp phối hợp xử lý kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra. Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo, bảo đảm đầy đủ, kịp thời, chính xác số liệu dịch bệnh trên Hệ thống báo cáo dịch bệnh động vật trực tuyến của Cục Thú y (VAHIS).

Công an tỉnh chỉ đạo đơn vị chức năng điều tra, theo dõi tình hình, cập nhật danh sách các đối tượng có biểu hiện hoạt động buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ lợn, gia cầm sản phẩm của lợn, gia cầm vận chuyển trái phép, không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu bệnh; có biện pháp giáo dục, vận động, răn đe nhằm chủ động phòng ngừa, đồng thời tập trung các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp với các lực lượng tổ chức đấu tranh bắt giữ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Sở Tài chính chủ trì phối hợp Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu UBND tỉnh bố trí kính phí cho công tác tổ chức chống dịch (khi xảy ra). Đồng thời, bố trí đủ kinh phí thực hiện kế hoạch phòng chống dịch bệnh động vật năm 2025 trên địa bàn tỉnh.

Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc liên quan phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố trong công tác tuyên truyền, giám sát dịch tễ, phát hiện và xử lý ổ dịch, phát huy hiệu quả quy chế phối hợp theo Thông tư liên tịch số 16/2013/TTLT-BYT-BNN& PTNT ngày 27/5/2013 giữa Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Cục quản lý thị trường tỉnh phối hợp với lực lượng thú y tăng cường kiểm soát, phát hiện, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển lợn, gia cầm, sản phẩm lợn bệnh, gia cầm bệnh không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch trên thị trường nhằm ngăn chặn bệnh Cúm gia cầm, Dịch tả lợn Châu Phi và các dịch bệnh động vật khác.

UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường triển khai công tác giám sát dịch bệnh, quản lý chăn nuôi thuộc địa bàn. Thành lập Tổ kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch bệnh, hoạt động giết mổ, mua bán động vật, sản phẩm động vật tại các chợ, điểm giết mổ. Ngân sách huyện, thị xã, thành phố cân đối hỗ trợ kinh phí cho hoạt động của Tổ kiểm tra, giám sát và các công tác khác. Đồng thời, bố trí đủ kinh phí thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm năm 2025 thuộc địa bàn và hoạt động Nhóm Công tác viên cấp xã. Chủ động sẵn sàng tổ chức chống dịch khi xảy ra tại địa phương theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và PTNT. Bên cạnh đó, UBND các huyện, thị xã, thành đẩy mạnh công tác tuyên truyền hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh. Đề nghị các hội đoàn thể phối hợp với thú y cơ sở, trưởng cấp thôn tăng cường công tác giám sát, theo dõi dịch bệnh đến tận thôn, xóm; phát hiện, báo cáo nhanh dịch bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời không để lây lan diện rộng; kiên quyết xử lý các trường hợp giấu dịch, giết mổ, buôn bán hay vứt xác động vật bệnh, chết ra môi trường. UBND các huyện, thị xã, thành phố còn có trách nhiệm rà soát, duy trì tổ chức triển khai tiêm phòng bổ sung vaccine Cúm gia cầm và Viêm da nổi cục trâu bò; khuyến khích các cơ sở chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học, thực hiện tiêm phòng vaccine Dịch tả lợn Châu Phi, có sự giám sát, theo dõi của nhân viên thú y cấp xã. Ngoài ra, UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND các cấp xã có chăn nuôi giao trách nhiệm cho Nhân viên thú y cấp xã và Trưởng thôn theo dõi, giám sát dịch bệnh, quản lý chăn nuôi, tái đàn và thực hiện khai báo chăn nuôi, duy trì tiêm phòng bổ sung vaccine phòng bệnh gia súc, gia cầm cho các đối tượng vật nuôi chưa được tiêm phòng, nhất là Cúm gia cầm. Phát hiện và báo cáo nhanh dịch bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời./.


Tác giả: Minh Anh

Tin nổi bật Tin nổi bật