Triển khai một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 và của UBND tỉnh về phòng, chống dịchCovid-19, trong đó cần xác định rõ vai trò và trách nhiệm của các cấp quản lý, người đứng đầu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong việc tổ chức triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại đơn vị.
Tăng cường thực hiện nghiêm yêu cầu 5K của Bộ Y tế đặc biệt là khai báo y tế điện tử; khuyến cáo tất cả nhân viên, người lao động khi đi từ vùng có dịch về phải chủ động khai báo y tế, tự theo dõi sức khỏe/cách ly y tế tại nhà, khi có các dấu hiệu bất thường về sức khỏe như mệt mỏi, sốt, ho, khó thở thì thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất, liên hệ đường dây nóng Ngành Y tế (0888.717.559 hoặc 1800.9271) và cán bộ đầu mối phòng chống dịch của đơn vị.
Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thường xuyên tự đánh giá việc thực hiện các yêu cầu, biện pháp phòng, chống dịch theo nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 2225/QĐ-BCĐQG ngày 28/05/2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 về việc “hướng dẫn phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại trung tâm thương mại, siêu thị, chợ nhà hàng” và Quyết định số 2194/QĐ-BCĐQG ngày 27/5/2020 về việc “hướng dẫn phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại nơi làm việc và ký túc xá cho người lao động”. Kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện các phương án, kế hoạch; áp dụng giải pháp khắc phục để đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19.
Các doanh nghiệp chủ động thực hiện việc đánh giá nguy cơ lây nhiễm và cập nhật lên Bản đồ chung sống an toàn với Covid-19 hàng tuần theo hướng dẫn của Bộ Y tế, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện đánh giá mức độ an toàn trên Bản đồ chung sống an toàn với Covid-19.
Thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tại nơi làm việc, ký túc xá theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 nhằm thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện tại đơn vị; phân công nhiệm vụ chi tiết các thành viên trong Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tại đơn vị. Thông báo cho cơ quan y tế địa phương về đầu mối liên lạc phòng chống dịch của đơn vị mình. Các doanh nghiệp, nhà máy khẩn trương đăng ký điểm kiểm dịch y tế (mã QR-CODE) của đơn vị, các tổ/khu/phân xưởng; tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở người lao động thực hiện nghiêm việc quét mã QR-CODE, check in/check out mỗi khi vào/ra nơi làm việc.
Thực hiện xét nghiệm SARS-COV-2 bằng kit test nhanh kháng nguyên đối với công nhân và các đối tượng nguy cơ theo yêu cầu của Bộ Y tế tại Công văn số 4352/BYT-MT ngày 28/5/2021 về việc hướng dẫn cách ly, xét nghiệm trong các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp và Quyết định số 2787/QĐ-BYT ngày 05/6/2021 của Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn các phương án phòng, chống dịch khi có trường hợp mắc Covid-19 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp. Chủ động liên hệ với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố để được hướng dẫn, hỗ trợ công tác lấy mẫu xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 cho người lao động theo quy định.
Tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở người lao động tại các doanh nghiệp, nhà máy, nghiêm túc chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của UBND tỉnh, vận động cá nhân, người lao động cài đặt và sử dụng ứng dụng Khai báo y tế điện tử (NCOVI) và ứng dụng Khẩu trang điện tử (Bluezone) trên điện thoại thông minh (nếu có) cho bản thân người lao động và người thân. Ban hành các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 của đơn vị và có chế tài xử lý các vi phạm nếu người lao động không tuân thủ.
Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người lao động, người sử dụng lao động, các tiểu thương, người dân tại chợ, trung tâm thương mại, Ban Quản lý ký túc xá, người làm công tác y tế tại cơ sở lao động thực hiện trách nhiệm của mình trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Tổ chức tập huấn cho tất cả người lao động thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân và giữ gìn vệ sinh môi trường nơi làm việc, hạn chế tiếp xúc các bề mặt nếu không cần thiết, thực hiện nghiêm các quy định của Bộ Y tế, của tỉnh và của công ty trong phòng, chống dịch Covid-19. Tổ chức cho người lao động thực hiện khai báo y tế điện tử, sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin trong khai báo, truy vết, theo dõi (app nCOVI, VietnamHeath, Bluezone, QRCode) theo quy định của Bộ Y tế.
Xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh phù hợp với thực tế và theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và Bộ Y tế (Quyết định số 2728/QĐ-BYT ngày 05/6/2021 của Bộ Y tế). Trong đó bao gồm cả phương án xử lý và bố trí phòng để cách ly tạm thời đối với trường hợp người lao động có một trong các biểu hiện mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở; hoặc có ca bệnh hoặc người tiếp xúc vòng 1 hoặc người tiếp xúc vòng 2 trong quá trình làm việc hoặc khi đang ở ký túc xá.
Không cho phép người không có phận sự vào khu vực làm việc/ký túc xá. Trong trường hợp cần thiết vào khu vực làm việc/ký túc xá thì bảo vệ phải ghi lại thông tin cá nhân, kê khai y tế bắt buộc của người vào (khách), người tiếp khách, vị trí tiếp khách, thời gian tiếp khách vào sổ trực ban, không cho phép khách đi vào các khu vực không liên quan. Nếu được thì bố trí riêng khu vực để tiếp khách. Khách vào khu vực làm việc/ký túc xá phải được đo nhiệt độ, đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn. Gắn biển “Đo nhiệt độ, đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn trước khi vào” đặt ngay cổng ra vào. Bố trí đủ nhân lực tại cổng ra vào để đo, kiểm tra thân nhiệt cho người lao động và đảm bảo khoảng giãn cách tối thiểu tại khu vực cổng ra vào tại thời điểm đầu giờ và khi hết giờ làm việc.
Nếu doanh nghiệp có tổ chức đưa đón người lao động phải đảm bảo các quy định: Số lượng người trên xe đưa đón người lao động thực hiện theo hướng dẫn về quy định giãn cách trên phương tiện giao thông của Bộ Giao thông vận tải; Bố trí camera giám sát trên xe (nếu có thể). Khuyến khích thực hiện thông gió tự nhiên trên phương tiện. Đảm bảo có sẵn dung dịch sát khuẩn tay; Thực hiện đo, kiểm tra nhiệt độ cho người lao động và yêu cầu người lao động rửa tay sát khuẩn trước khi lên xe và đeo khẩu trang trong suốt hành trình; Lập danh sách hoặc quản lý danh sách người lao động đi xe bằng thẻ. Khuyến khích cố định người lao động di chuyển trên cùng một xe đưa đón;Thực hiện vệ sinh, khử khuẩn xe trước/sau mỗi lần đưa đón.
Thường xuyên giữ vệ sinh môi trường, khử khuẩn tại nơi làm việc. Tăng cường thông khí tại các khu vực, vị trí làm việc, nhà ăn tập thể, trên phương tiện giao thông vận chuyển người lao động bằng cách tăng thông gió hoặc mở cửa ra vào và cửa sổ, sử dụng quạt hoặc các giải pháp phù hợp khác. Thường xuyên vệ sinh hệ thống thông gió, quạt, điều hòa.
Xây dựng phương án phân luồng cách ly y tế, thiết lập phòng cách ly tạm thời tại cơ sở lao động/ký túc xá để cách ly ngay khi phát hiện ca bệnh là người lao động được xác định mắc Covid-19.
Chủ động xây dựng Phương án, kế hoạch sản xuất kinh doanh ứng phó với các cấp độ dịch bệnh Covid-19 tiếp diễn trong dài hạn, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh được duy trì ổn định.
Đối với các doanh nghiệp có người lao động ở ngoài tỉnh và thuộc địa phương đang có dịch, phải tổ chức cho người lao động ăn, ở tập trung tại doanh nghiệp, đồng thời thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định; trường hợp không bố trí được ăn, ở tập trung cho người lao động, doanh nghiệp tạm thời cho người lao động nghỉ việc để phòng chống dịch và có phương án hỗ trợ tiền lương cho người lao động trong thời gian tạm nghỉ việc.
Giao Sở Công Thương, Ban Quản lý Khu kinh tế, UBND các huyện, thị xã, thành phố thành lập các Tổ công tác tăng cường kiểm tra, chỉ đạo các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đảm bảo theo quy định; nếu có khó khăn, vướng mắc kịp thời báo cáo UBND tỉnh để xem xét cho ý kiến chỉ đạo.
TL