A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ý kiến kết luận của CT UBND tỉnh về triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả của đợt mưa lũ giữa tháng 11/2013

Ngày 20/11/2013, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì buổi giao ban trực tuyến với các huyện, thị xã, thành phố để triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả của đợt mưa lũ giữa tháng 11/2013 vừa qua.

Sau khi nghe Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo tình hình thiệt hại và triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả của đợt mưa lũ giữa tháng 11/2013 vừa qua, ý kiến của các đại biểu dự họp; Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc đã có ý kiến kết luận tại Thông báo số 209/TB-UBND ngày 22/11/2013.

Theo đó, giao Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thống kê, báo cáo tình hình thiệt hại trong đợt lũ lụt vừa qua, gửi UBND huyện để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30/11/2013 để xem xét trước khi báo cáo Chính phủ và các Bộ ngành có liên quan.

Giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Hội Chữ thập đỏ tỉnh phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tiến hành phân bổ kịp thời lương thực, thực phẩm và hàng cứu trợ cho nhân dân tại các vùng bị thiệt hại trong đợt mưa lũ vừa qua bảo đảm công bằng, công khai và đúng đối tượng; tuyệt đối không để người dân nào bị thiếu đói do ảnh hưởng mưa lũ. Giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan có liên quan khẩn trương tiến hành vệ sinh môi trường; xử lý khử trùng, chôn lấp gia súc, gia cầm bị chết hoặc bị lũ cuốn trôi tại các vùng bị ngập nước; cấp phát đủ chủng loại, cơ số thuốc dự phòng cho các địa phương và hướng dẫn nhân dân các vùng bị ngập vừa qua ngăn ngừa, đề phòng dịch bệnh phát sinh, nhất là dịch tả cấp và một số bệnh khác.

Yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố trước mắt sử dụng từ nguồn ngân sách của địa phương mình để tiến hành hỗ trợ kịp thời cho các hộ gia đình có người chết, mất tích, nhà bị sập đổ, hư hỏng nặng, các hộ có lúa, hoa màu, gia súc, gia cầm bị cuốn trôi theo chính sách quy định, sau đó báo cáo Sở Tài chính để thanh quyết toán theo quy định. Phối hợp với UBMTTQVN cùng cấp để tiếp nhận, phân phối kịp thời khoản kinh phí cứu trợ của Trung ương và các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh hỗ trợ đến tận các hộ gia đình bị thiệt hại. Bổ sung kịp thời lượng giống đã bị hư hỏng để đảm bảo đủ giống có chất lượng cho nông dân gieo sạ vụ Đông Xuân 2013-2014, đồng thời chỉ đạo các địa phương chủ động triển khai thực hiện việc khắc phục, hốt dọn các vùng đồng ruộng bị sa bồi thủy phá để đảm bảo diện tích gieo trồng theo kế hoạch. Đồng thời phối hợp với BCH Quân sự tỉnh, BCH Bộ đội biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Đoàn TNCSHCM tỉnh tiếp tục huy động lực lượng quân đội, công an và thanh niên xung kích tích cực tham gia giúp nhân dân các vùng bị thiệt hại dựng lại nhà cửa, sửa chữa các trường, lớp học bị sập, thu dọn vệ sinh, môi trường, tu bổ đường sá, ruộng đồng bị sạt lở để kịp thời ổn định sản xuất, sinh hoạt cho nhân dân. Chính quyền địa phương có trách nhiệm quan tâm bố trí kịp thời chỗ ăn nghỉ và tạo điều kiện thuận lợi để các lực lượng nêu trên hoàn thành nhiệm vụ.

Giao Giám đốc Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra và có biện pháp khắc phục ngay các hư hỏng, sạt lở tại các tuyến đường giao thông do mưa lũ nhằm nhanh chóng đảm bảo giao thông thông suốt trên tất cả các tuyến đường giao thông trên địa bàn tỉnh. Giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Công ty TNHH Khai thác công trình thuỷ lợi và các địa phương, đơn vị có liên quan kiểm tra các hồ chứa, đê, đập để sớm phát hiện hư hỏng và có kế hoạch khắc phục, sửa chữa ngay sau khi lũ rút nhằm kịp thời phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2013-2014. Theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết để tích nước hợp lý nhằm đảm bảo an toàn các hồ chứa và đủ nước để phục vụ sản xuất trong năm 2014. Chỉ đạo trung tâm giống chuẩn bị đủ giống cho các địa phương gieo sạ vụ Đông Xuân theo đúng thời vụ. Hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương tiến hành khôi phục, phát triển các đàn gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản sau mưa lũ. Theo dõi, đôn đốc các địa phương sớm hoàn thành việc khắc phục sa bồi thủy phá đồng ruộng để đảm bảo diện tích gieo trồng theo kế hoạch.

Bên cạnh đó, giao Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo kiểm tra, thu dọn vệ sinh, sửa chữa khắc phục các trường, lớp bị hư hỏng, hỗ trợ kịp thời sách vở, đồ dùng giảng dạy và học tập của học sinh ở những vùng bị thiệt hại và có kế hoạch giảng dạy phù hợp để đảm bảo thời gian kết thúc năm học theo quy định. Giao Giám đốc Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan kiểm tra, tổng hợp và hướng dẫn các doanh nghiệp bị thiệt hại do mưa lũ sớm có biện pháp khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất, kinh doanh theo kế hoạch đề ra; làm việc với  cơ quan thuế, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh để xem xét hướng dẫn việc đề nghị giảm, giãn thuế, lãi vay ngân hàng…đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đang bị thiệt hại do mưa lũ, báo cáo đề xuất UBND tỉnh. Chỉ đạo tăng cường các biện pháp bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm cung ứng đầy đủ lượng hàng hóa thiết yếu, nhất là tại các vùng miền núi, trung du và các vùng bị thiệt hại do lũ lụt gây ra, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, gây sốt giá. Phối hợp với Công ty Điện lực Bình Định rà soát, thống kê và tiến hành sửa chữa kịp thời hệ thống điện bị hư hỏng tại các địa phương để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống sinh hoạt của nhân dân. Kiểm tra tình hình vận hành an toàn các hồ, đập thủy điện trên địa bàn tỉnh, báo cáo UBND tỉnh.

 

Theo vpubbinhdinh.gov.vn


Tin nổi bật Tin nổi bật