A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tọa đàm “Hội nhập quốc tế và phát triển bền vững trong tình hình mới - Triển khai Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và liên minh Châu Âu”

(binhdinh.gov.vn) - Sáng ngày 24/6, tại thành phố Quy Nhơn, Bộ Ngoại giao và UBND tỉnh Bình Định phối hợp tổ chức Tọa đàm khu vực Trung bộ với chủ đề: “Hội nhập quốc tế và phát triển bền vững trong tình hình mới - Triển khai Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và liên minh Châu Âu”. Dự Tọa đàm có các đồng chí: Nguyễn Phi Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định; Nguyễn Hoàng Long - Cục trưởng Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao; ông Andreas Stoffers – Giám đốc Tổ chức Friedrich Nauman tại Việt Nam.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long phát biểu chào mừng tại Tọa đàm. 

Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long chào mừng và cảm ơn Cục Ngoại giao, Bộ Ngoại vụ đã phối hợp tổ chức tọa đàm tại thành phố Quy Nhơn. Phó Chủ tịch tỉnh khẳng định, Tọa đàm này có ý nghĩa quan trọng, thông tin những vấn đề mới về tình hình thế giới; những quy định cụ thể của Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) – EVFTA, giúp các tỉnh Trung bộ triển khai thực hiện có hiệu quả Hiệp định này tại địa phương.

Cục trưởng Cục Ngoại vụ Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh việc đàm phán, ký kết thành công Hiệp định EVFTA có ý nghĩa quan trọng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Ông cho biết Chính phủ đã xác định tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế đang bước sang giai đoạn mới; trong đó, các địa phương đóng vai trò chủ đạo, quyết định sự thành công của tiến trình này. Vì vậy, Bộ Ngoại giao cam kết đồng hành cùng các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện các Hiệp định, trong đó có Hiệp định EVFTA.

Cục trưởng Cục Ngoại vụ Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh vai trò của Hiệp định EVFTA trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. 

Tại Tọa đàm, các đại biểu đã được thông tin về những vấn đề mới trong tình hình thế giới và công tác triển khai đối ngoại của nước ta hiện nay; tác động của COVID-19 đến liên kết kinh tế quốc tế và những vấn đề đặt ra đối với hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trong giai đoạn mới; cơ hội và thách thức do Hiệp định EVFTA mang lại...

Theo các diễn giả, đại dịch COVID-19 đã tác động toàn diện, sâu sắc cả về ngắn hạn và dài hạn tới mọi quốc gia và khu vực; đẩy nhanh các xu thế lớn đối với cục diện kinh tế thế giới và liên kết kinh tế quốc tế, làm bộc lộ rõ hơn mặt trái của toàn cầu hóa và đẩy nhanh quá trình điều chỉnh chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như quá trình chuyển đổi mô hình phát triển...

Trong thời gian qua, tại Việt Nam, hội nhập kinh tế quốc tế được triển khai bài bản, hiệu quả, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao vị thế của đất nước. Đặc biệt, giai đoạn từ năm 2019 đánh dấu bước chuyển: hội nhập và liên kết sâu rộng, toàn diện.

EU là đối tác thương mại lớn thứ tư và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Hiệp định EVFTA đánh dấu bước chuyển quan trọng trong quan hệ Việt Nam – EU theo hướng xây dựng quan hệ đối tác hợp tác bình đẳng, cùng có lợi. Khi Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực (01/8/2020), sẽ mở ra cơ hội lớn để Việt Nam và EU khai thác tối đa tiềm năng và sự bổ trợ trong hợp tác, đẩy mạnh trao đổi thương mại, đầu tư, thúc đẩy phát triển bền vững. Theo báo cáo MUTRAP (2017), EVFTA sẽ làm tăng GDP của Việt Nam năm 2030 thêm 8% so với trường hợp không có EVFTA và thu nhập quốc gia năm 2030 sẽ tăng 4,3% so với kịch bản không có EVFTA. Còn theo báo cáo của World Bank (5/2020), tận dụng ưu đãi thuế quan có thể giúp GDP tăng 2,4% và xuất khẩu tăng 12% vào năm 2030. Tuy nhiên, các diễn giả cũng nhấn mạnh, tác động thực tế của EVFTA phụ thuộc chủ yếu vào nỗ lực, mức độ chuẩn bị của Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Tất cả chỉ là “cơ hội”, “tiềm năng”, “có thể” nếu thiếu năng lực thể chế và năng lực của DN trong việc tận dụng các cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và EVFTA nói riêng.

Các diễn giả khuyến nghị các DN không nên tách rời EVFTA với các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) khác trong chiến lược kinh doanh; xây dựng kế hoạch nâng cao năng lực xuất khẩu; tận dụng cơ hội và tích lũy từ các FTA “tiêu chuẩn thấp” khác; tận dụng hiệu quả nguồn vốn và chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn; tận dụng cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu; chú trọng đăng ký sở hữu trí tuệ... Bên cạnh đó, các Sở, Hiệp hội, ngành hàng cần phát huy vai trò là đầu mối cung cấp thông tin, kết nối DN; đầu mối tham vấn DN; triển khai có chất lượng hoạt động phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn DN; chủ động đề xuất những vướng mắc của cộng đồng DN và vận động, triển khai các chính sách hỗ trợ DN.

Kim Loan


Tin nổi bật Tin nổi bật