Cải cách thủ tục hành chính để phục vụ hiệu quả người dân, doanh nghiệp
Năm 2023, Bình Ðịnh dẫn đầu cả nước về Chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong công tác giải quyết thủ tục hành chính. Bước vào năm mới 2024, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Lê Ngọc An có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Bình Ðịnh xung quanh kết quả ấn tượng này.
*Chỉ số phục vụ người dân, DN trong công tác giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) ra đời là nét mới nổi bật trong công tác cải cách hành chính (CCHC) nói chung, cải cách TTHC nói riêng. Ông có thể thông tin cụ thể hơn về chỉ số này?
- Chỉ số phục vụ người dân, DN trong công tác giải quyết TTHC do Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 23.6.2022 để đánh giá toàn diện công tác CCHC của từng bộ, ngành, địa phương liên quan đến 5 nội dung: Công khai, minh bạch TTHC; Tiến độ giải quyết hồ sơ; Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến và thanh toán trực tuyến; Mức độ hài lòng của người dân, DN; Công tác số hóa hồ sơ.
Đây là các nội dung rất quan trọng trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong thời gian gần đây. Văn phòng Chính phủ được giao nhiệm vụ theo dõi, tổng hợp, đánh giá trực tuyến chỉ số này bằng dữ liệu, theo thời gian thực trên Cổng Dịch vụ công quốc gia thông qua việc kết nối với tất cả các hệ thống giải quyết TTHC của các bộ, ngành Trung ương và các địa phương trên toàn quốc. Kết quả chỉ số được cập nhật thường xuyên và được công khai trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, ai cũng có thể xem được.
Trong năm 2023, kết quả Chỉ số của tỉnh Bình Định luôn thuộc nhóm 10 địa phương dẫn đầu toàn quốc. Trong những tháng cuối năm, tỉnh ta đã bứt tốc ngoạn mục và tính đến hết năm 2023, kết quả Chỉ số của Bình Định đạt 90,74 điểm, xếp vị trí thứ 1/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, là địa phương duy nhất thuộc nhóm Xuất sắc vì có số điểm đạt trên 90.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh Lê Ngọc An (phải) và Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ Lê Văn Lịch (trái) chúc mừng gia đình công dân đầu tiên của tỉnh được cấp giấy đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - thẻ BHYT qua Cổng dịch vụ công quốc gia. Ảnh: X.QUỲNH
* Chắc hẳn rằng, kết quả đáng tự hào này có được từ sự cộng đồng trách nhiệm rất lớn…
- Đúng vậy. Đây là thành quả chung của cả hệ thống chính trị tỉnh trong nỗ lực CCHC, trọng tâm là cải cách TTHC để phục vụ người dân, DN theo tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy tại Chương trình hành động số 09-CTr/TU về CCHC, trọng tâm là tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC giai đoạn 2020 - 2025.
Để có được kết quả này, trước hết là nhờ sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và sự quyết liệt chỉ đạo sâu sát, thường xuyên của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh. Đáng chú ý, Văn phòng UBND tỉnh là cơ quan đầu mối triển khai, tổng hợp, báo cáo kết quả cho UBND tỉnh tại Hội nghị giao ban KT-XH hằng tháng để xem xét, đánh giá, chỉ đạo điều hành.
Chỉ số này cũng nhận được sự quan tâm chỉ đạo của người đứng đầu hầu hết các cơ quan, đơn vị, địa phương nên tạo được sự lan tỏa trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, với sự nỗ lực, cố gắng rất lớn để hoàn thành rất tốt các nhiệm vụ liên quan đến công tác giải quyết TTHC trong năm 2023.
Hai là, UBND tỉnh đã ban hành quy định cụ thể về nội dung, trình tự, trách nhiệm, thời gian thực hiện, nên công tác tham mưu công bố danh mục TTHC và phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết TTHC được các cơ quan chức năng thực hiện đầy đủ, kịp thời, đảm bảo theo thời gian quy định. Ngoài ra, Văn phòng UBND tỉnh đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện tốt việc đồng bộ dữ liệu hồ sơ TTHC giữa Cổng Dịch vụ công của tỉnh với Cổng Dịch vụ công quốc gia để phục vụ cho công tác theo dõi, giám sát quá trình giải quyết hồ sơ. Nhờ đó, Chỉ số thành phần về “Công khai, minh bạch” đạt kết quả khá cao (16,5/18 điểm).
Ba là, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong công tác giải quyết hồ sơ TTHC. Theo đó, 100% TTHC được thiết lập quy trình điện tử trên “Hệ thống thông tin giải quyết TTHC” để theo dõi, kiểm tra, giám sát từ xa đối với quá trình xử lý hồ sơ đến từng cá nhân có tham gia giải quyết hồ sơ. Định kỳ hằng tháng, Văn phòng UBND tỉnh thực hiện công khai “Danh sách các cơ quan, cá nhân giải quyết trễ hạn hồ sơ của người dân, DN”. Các cơ quan, đơn vị lấy kết quả giải quyết hồ sơ TTHC là một trong những tiêu chí để đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức hằng năm. Nhờ đó, chỉ số thành phần về “Tiến độ giải quyết hồ sơ” đạt 18,6/20 điểm.
Gắn với đó là xử lý và công khai kịp thời kết quả xử lý các phản ánh, kiến nghị của người dân, DN, nên kết quả chỉ số thành phần về “Mức độ hài lòng của người dân, DN” đạt 17,7/18 điểm.
Bốn là, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến và thanh toán trực tuyến. Nổi bật là ban hành chính sách miễn, giảm phí, lệ phí khi nộp hồ sơ theo phương thức trực tuyến đối với 53 TTHC; ban hành danh mục 59 TTHC chỉ nhận hồ sơ trực tuyến, không nhận hồ sơ giấy; tái cấu trúc quy trình thực hiện một số TTHC thiết yếu để tạo thuận lợi cho người dân nộp hồ sơ trực tuyến tại nhà (thủ tục Chứng thực, Giao dịch đảm bảo).
Không thể không nhắc đến vai trò của Tỉnh đoàn và các địa phương trên địa bàn tỉnh đã phối hợp tổ chức triển khai hiệu quả “Đề án phát huy vai trò của ĐVTN trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến”, tích cực tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Nhờ đó, kết quả chỉ số thành phần “Dịch vụ công trực tuyến” của tỉnh đạt 11,7/12 điểm và “Thanh toán trực tuyến” đạt 9,7/10 điểm, cao hơn nhiều so với mức bình quân của cả nước.
Cuối cùng là đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác giải quyết hồ sơ TTHC. Đáng chú ý, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh đã kết nối với 24 cơ sở dữ liệu, phần mềm chuyên ngành của Trung ương và địa phương để khai thác thông tin, dữ liệu phục vụ cho công tác giải quyết hồ sơ trực tuyến hoàn toàn trên môi trường điện tử; trong đó có cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, về DN, về bảo hiểm… Kết quả chỉ số thành phần về “Số hóa hồ sơ TTHC” của tỉnh đạt 16,1/22 điểm.
Hỗ trợ công dân thực hiện TTHC trực tuyến tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: M.LÂM
* Kết quả thực hiện Chỉ số phục vụ người dân, DN trong công tác giải quyết TTHC năm 2023 là tiền đề vững chắc để triển khai công tác cải cách TTHC trong năm nay cũng như về lâu dài. Vậy ông cho biết những nhiệm vụ trọng tâm năm 2024?
- Để giữ vững và phát huy thành quả của năm 2023, trước hết phải xây dựng và triển khai Kế hoạch thúc đẩy việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Xây dựng Quy chế thực hiện công tác số hóa và tái sử dụng dữ liệu thành phần hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, triển khai Kế hoạch thực hiện thí điểm việc tiếp nhận và giải quyết TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính, đây là điểm mới mang tính đột phá trong cải cách TTHC. Đồng thời, thực hiện hiệu quả Kế hoạch triển khai mô hình “Hành chính phục vụ người dân trên địa bàn tỉnh”, được kỳ vọng là điểm nhấn trong công tác cải cách TTHC của tỉnh. Cùng với đó là tiếp tục triển khai Đề án “Thực hiện cơ chế giao DN đảm nhận nhiệm vụ hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh”. Ban hành Kế hoạch rà soát, đơn giản hóa TTHC năm 2024 mang tính khả thi cao, tiếp tục phục vụ hiệu quả cho người dân, DN. Xây dựng công cụ quản lý dữ liệu TTHC phục vụ nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành.
Song song với đó, chúng tôi sẽ triển khai công tác kiểm tra chuyên đề về cải cách TTHC năm 2024, chú trọng đánh giá sát thực tế tình hình phục vụ người dân, DN của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
* Trân trọng cảm ơn ông!
Một trong những điểm nổi bật trong cải cách TTHC của tỉnh là đã ban hành “Quy chế phối hợp giải quyết các TTHC về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường và PCCC trên địa bàn tỉnh Bình Định”. Theo đó, tổng thời gian giải quyết tất cả TTHC để triển khai các dự án ngoài khu kinh tế, khu công nghiệp được rút ngắn còn 118 ngày (theo quy định là 242 ngày), các dự án trong khu kinh tế, khu công nghiệp được rút ngắn còn 60 ngày (theo quy định là 145 ngày). |