Chủ động ứng phó với bão số 7
(binhdinh.gov.vn) - Chiều 08/11, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với một số bộ, ngành, đơn vị liên quan và các tỉnh, thành phố ven biển từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận về triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 7 (bão YINXING). Thừa ủy quyền của lãnh đạo UBND tỉnh, ông Nguyễn Văn Phúc - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì điểm cầu Bình Định.
Cuộc họp được kết nối trực tuyến với các tỉnh, thành phố ven biển
Theo báo cáo tại cuộc họp, sáng sớm nay (08/11/2024), bão YINXING đã đi vào vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông, trở thành cơn bão số 07 trong năm 2024. Dự kiến bão sẽ đổ bộ vào đất liền khu vực miền Trung vào đêm ngày 12, rạng sáng ngày 13/11.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia đánh giá bão đang ở giai đoạn mạnh nhất và sẽ duy trì cấp 12 trong hai ngày đến khi tới phía bắc quần đảo Hoàng Sa. Sau đó, bão vào vùng biển có nhiều điều kiện khí tượng không thuận lợi như nhiệt độ nước biển thấp, không khí lạnh từ phương bắc tràn xuống dẫn tới suy yếu. Tuy nhiên, đây là cơn bão mạnh, diễn biến phức tạp nên không thể chủ quan.
Hiện các địa phương đã triển khai công tác ứng phó, đảm bảo an toàn hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện, đê điều, sản xuất nông nghiệp…
Điểm cầu Bình Định
Tại Bình Định, nhằm hạn chế thiệt hại do bão, tỉnh đã khẩn trương triển khai Công điện số 114/CĐ-TTg ngày 07/11/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động ứng phó với bão YINXING; triển khai thực hiện Công điện số 8356/CĐ-BNN-ĐĐ ngày 06/11/2024 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc ứng phó với bão YINXING gần Biển Đông.
UBND tỉnh sẽ xác định thời điểm phù hợp để kích hoạt phần mềm Hệ thống phần mềm Phòng chống thiên tai tỉnh Bình Định để chỉ đạo điều hành. Bên cạnh đó, tỉnh cũng triển khai các phương án nhằm ứng phó với mưa lớn do hoàn lưu sau bão.
Về ứng phó với sạt lở đất do mưa lớn, tỉnh Bình Định đã phối hợp với Viện Địa công nghệ và Môi trường thực hiện Đề tài Hoàn thiện và triển khai áp dụng kết quả ứng dụng công nghệ GIS, viễn thám, địa kỹ thuật và trí tuệ nhân tạo để khoanh vùng và cảnh báo tình trạng trượt lở đất đá tại các khu vực trọng điểm tỉnh Bình Định. Đề tài đã xác định được 62 điểm sạt lở, và đang chạy thử trong mùa mưa năm 2024, được cài đặt cho lãnh đạo Ban Chỉ huy các huyện. Khi có mưa, phần mềm sẽ cảnh báo nguy cơ sạt lở ở 4 cấp độ (thấp, trung bình, cao và rất cao) để làm cơ sở cho chính quyền địa phương triển khai ứng phó, chủ động sơ tán dân.
Hiện này, toàn tỉnh đã thu hoạch được 2.336 ha/4.520 ha lúa vụ Mùa năm 2024 (đạt 51,7%), thu hoạch hết diện tích lúa sạ tại các vùng dễ bị ngập; diện tích còn lại là lúa gieo khô giai đoạn trỗ - ngậm sữa nằm ở vùng cao. Các loại cây trồng cạn cũng đã được thu hoạch xong. UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện động viên nhân dân thu hoạch thủy sản sớm; phần chưa thu hoạch yêu cầu phải di chuyển lồng bè đến nơi an toàn. Đặc biệt, không cho người dân ở lại trên lồng bè khi có sóng lớn, bão vào.
Toàn tỉnh có 164 hồ chứa có dung tích từ 50 ngàn m3 trở lên, đến thời điểm báo cáo dung tích là 280,7/683 triệu m3 đạt 41,1% dung tích thiết kế, bằng 90,0% cùng kỳ năm 2023. Các hồ chứa bảo đảm an toàn khi có mưa, lũ. Sở Nông nghiệp và PTNT đang tiếp tục theo dõi diễn biến đường đi của bão và dự báo mưa để vận hành theo quy trình cho phù hợp, bảo đảm an toàn công trình, giảm thiểu ngập lụt hạ lưu và trữ đủ nước phục vụ sản xuất Đông Xuân năm 2024-2025 và cả năm 2025.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, cơn bão số 7 là cơn bão mạnh, diễn biến phức tạp. Bão YINXING đang được dự báo sẽ suy yếu khi vào gần bờ nên có thể dẫn tới tư tưởng chủ quan. Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các địa phương theo dõi, cập nhật diễn biến của bão, mưa, lũ, kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo chức năng, nhiệm vụ được giao một cách chủ động, từ sớm, từ xa; trong đó, tập trung triển khai nghiêm túc Công điện số 114/CĐ-TTg ngày 07/11/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động ứng phó với bão YINXING.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũng đề nghị các địa phương tập trung nguồn lực khẩn trương khắc phục hậu quả của cơn bão số 6, mưa lũ do hoàn lưu bão số 6 và đợt mưa lũ diện rộng vào đầu tháng 11 vừa qua. Tập trung kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền ra khơi, bảo đảm an toàn cho phương tiện, tàu thuyền còn hoạt động trên biển và tại nơi neo đậu, tránh trú. Bảo đảm an toàn các hoạt động sản xuất nông nghiệp, đê điều; theo dõi diễn biến đường đi của bão và dự báo mưa để vận hành hồ chứa theo quy trình cho phù hợp, bảo đảm an toàn công trình, giảm thiểu ngập lụt hạ lưu và trữ đủ nước phục vụ sản xuất Đông Xuân năm 2024-2025 và cả năm 2025. Thực hiện tốt “4 tại chỗ” trong phòng, chống thiên tai; thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin về tình hình diễn biến của bão số 7 để có biện pháp ứng phó hiệu quả, hạn chế thiệt hại do bão gây ra./.