Kỳ họp thứ 19 HÐND tỉnh khóa XIII: Ðề ra các chính sách đảm bảo nhu cầu thiết yếu của người dân
Ngày 7.11, Kỳ họp thứ 19 (kỳ họp chuyên đề) HÐND tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, đã tổ chức thông qua nhiều nghị quyết quan trọng. Trong đó, nghị quyết ban hành Quy định cơ chế hỗ trợ thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 sẽ góp phần giải quyết chỗ ở ổn định cho đối tượng thu nhập thấp tại các đô thị; nghị quyết quy định chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh, giúp cho người dân có đất ở, đất sản xuất để vươn lên thoát nghèo.
Giải quyết chỗ ở cho người có thu nhập thấp
Theo Tờ trình về Nghị quyết ban hành Quy định cơ chế hỗ trợ thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, nhà nước hỗ trợ về giải phóng mặt bằng sạch và bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư triển khai dự án. Đồng thời, hỗ trợ 50% chi phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi thực hiện dự án theo quy định. Về nguyên tắc hỗ trợ, đối với chi phí hỗ trợ xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật được xem xét hỗ trợ sau khi đã thực hiện đầu tư xây dựng, nghiệm thu hoàn thành, kiểm toán, quyết toán và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, xác nhận giá trị thực hiện. Chủ đầu tư không được tính các khoản hỗ trợ của nhà nước vào giá bán, giá thuê mua, giá thuê nhà ở xã hội (NƠXH).
Tham gia thảo luận, đại biểu (ĐB) Đặng Mạnh Cường (đơn vị Quy Nhơn) nêu, tại tờ trình trên có quy định, đối với dự án NƠXH thuộc quỹ đất để phát triển NƠXH độc lập, Nhà nước hỗ trợ 50% chi phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi diện tích khu đất xây dựng NƠXH theo quy hoạch chi tiết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. ĐB Cường đề nghị xem xét tăng mức hỗ trợ của Nhà nước đối với chủ đầu tư dự án, từ đó tiếp tục giảm giá bán cho người mua NƠXH. “1 đồng hỗ trợ hạ tầng phía ngoài dự án NƠXH sẽ mang lại 15 - 20 đồng để thúc đẩy đầu tư NƠXH. Do vậy, tôi đề nghị nên xem xét nâng mức hỗ trợ”, ĐB Cường đề nghị.
ĐB Đặng Mạnh Cường (đơn vị TP Quy Nhơn) đề nghị nên xem xét có thể tăng thêm mức hỗ trợ của Nhà nước đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội thuộc quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội độc lập, từ đó tiếp tục giảm giá bán cho người mua nhà.
Ông Trần Viết Bảo, Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng, chính sách này sẽ góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021- 2030” của Chính phủ, góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển nhà ở theo Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Bình Định giai đoạn 2020 - 2035. Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu xây dựng NƠXH, giải quyết nhu cầu NƠXH cho người dân trên địa bàn tỉnh; đồng thời góp phần giảm giá bán, cho thuê, cho thuê mua NƠXH trên địa bàn tỉnh.
Kết luận vấn đề này, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh: Dù điều kiện kinh tế của tỉnh còn khó khăn, song quan điểm của lãnh đạo tỉnh là phải chăm lo đảm bảo nhu cầu thiết yếu của người dân, đó là có nơi học hành, khám chữa bệnh đàng hoàng, có nhà ở ổn định. Hiện, tỉnh đang quyết liệt triển khai chương trình xóa nhà ở đơn sơ cho hộ nghèo, hộ khó khăn, chủ yếu ở khu vực nông thôn. Nghị quyết Quy định cơ chế hỗ trợ thực hiện dự án đầu tư xây dựng NƠXH được ban hành sẽ góp phần thu hút các dự án đầu tư NƠXH khu vực đô thị và giải quyết căn cơ bài toán này. Trong điều kiện nguồn lực hiện tại, quy định hỗ trợ 50% như dự thảo nghị quyết nêu là hợp lý. Còn trong giai đoạn tới, nếu cần thiết HĐND tỉnh sẽ xem xét tăng thêm!.
Ưu tiên bố trí đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng đồng bào DTTS
Một trong những vấn đề cũng được quan tâm tại Kỳ họp là việc bố trí đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi. Theo Tờ trình, phạm vi điều chỉnh của nghị quyết quy định chính sách về đất đai đối với đồng bào DTTS sinh sống trên địa bàn tỉnh theo quy định tại khoản 6 Điều 16 Luật Đất đai năm 2024.
Theo ông Lê Văn Tùng, Giám đốc Sở TN&MT: Nghị quyết quy định, trường hợp cá nhân không có đất ở hoặc thiếu đất ở so với hạn mức giao đất ở thì được giao đất ở theo hạn mức giao đất ở do UBND tỉnh quy định hoặc được chuyển mục đích sử dụng đất từ loại đất khác (trừ đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng) đang sử dụng hợp pháp sang đất ở trong hạn mức giao đất ở theo quy định của pháp luật về đất đai và được miễn tiền sử dụng đất đối với địa bàn có điều kiện KH-XH đặc biệt khó khăn. Trường hợp không có đất sản xuất nông nghiệp, không còn đất sản xuất nông nghiệp hoặc diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng không đủ 50% so với hạn mức giao đất nông nghiệp thì được giao tiếp đất nông nghiệp trong hạn mức và không thu tiền sử dụng đất. Trường hợp địa phương không còn quỹ đất nông nghiệp để thực hiện giao đất, thì ưu tiên giao khoán các diện tích đất nông nghiệp do địa phương quản lý, đất có nguồn gốc từ lâm trường, các công ty lâm nghiệp…
Tham gia thảo luận về Tờ trình, ĐB Phạm Hồng Sơn (đơn vị TP Quy Nhơn) đề nghị cần phải nêu chặt chẽ hơn về các đối tượng được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất. “Với chính sách này, chúng ta hỗ trợ cá nhân là người đồng bào DTTS thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo hiện không có đất ở, đất sản xuất hay là hộ thiếu đất ở, đất sản xuất sinh sống tại các địa bàn?”, ĐB Sơn nêu câu hỏi.
Kết luận vấn đề, đồng chí Hồ Quốc Dũng cho biết, quan điểm của tỉnh là quan tâm, giải quyết đất ở, đất sản xuất cho các hộ đồng bào DTTS một cách tốt nhất; trong đó có hộ nghèo, cận nghèo để họ có điều kiện phát triển sản xuất, thoát nghèo. Đây là chính sách rất nhân văn, có ý nghĩa rất quan trọng đối với người dân ở khu vực miền núi, vùng đồng bào DTTS.
Ngoài ra, theo đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, để đảm bảo bố trí đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi, tới đây, tỉnh sẽ tiến hành rà soát lại toàn bộ quỹ đất, trong đó có quỹ đất của các nông, lâm trường, đất do Nhà nước quản lý để giao cho người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, sớm thoát nghèo. Bên cạnh đó, tỉnh cũng rất quan tâm đến đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng tại các vùng đồng bào DTTS, tăng cường các chính sách cho vay vốn, đẩy mạnh thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển KT-XH, xây dựng các mô hình kinh tế… Trong 3 huyện miền núi của tỉnh, đến nay, đã có huyện Vân Canh và Vĩnh Thạnh thoát nghèo, tỉnh phấn đấu đến năm 2025, huyện An Lão tiếp tục thoát nghèo.
Tại Kỳ họp lần thứ 19 HĐND tỉnh khóa XIII, HĐND tỉnh đã xem xét, thảo luận, nhất trí thông qua 16 nghị quyết quan trọng với sự thống nhất rất cao của đại biểu HĐND tỉnh. Đây là cơ sở pháp lý để UBND tỉnh, các cấp, ngành tổ chức thực hiện, chỉ đạo, điều hành, đề ra giải pháp, biện pháp thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
Phát biểu bế mạc Kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Quốc Dũng yêu cầu: “Ngay sau Kỳ họp, UBND tỉnh khẩn trương chỉ đạo, triển khai thực hiện các nghị quyết bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Chỉ đạo các sở, ban, ngành chức năng kịp thời hướng dẫn và phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nghị quyết vừa được HĐND tỉnh thông qua. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm Nghị quyết được triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả”.