A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị triển khai công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2024

(binhdinh.gov.vn) - Sáng 02/7, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh (PCTT-TKCN và PTDS) chủ trì Hội nghị tổng kết công tác PCTT-TKCN năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 trên địa bàn tỉnh. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp tại điểm cầu trụ sở UBND tỉnh và kết nối trực tuyến với các điểm cầu trụ sở UBND các huyện, thị xã, thành phố, trụ sở UBND cấp xã trong tỉnh.

Điểm cầu trụ sở UBND tỉnh

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS tỉnh, năm 2023, tỉnh Bình Định chủ yếu chịu ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới, không khí lạnh, mưa lớn và lũ lụt. Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS tỉnh đã chỉ huy, điều hành các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT, UBQG về ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN, Tổng cục Phòng, chống thiên tai; của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về ứng phó với bão, mưa lớn, lũ lụt. Thành lập các Đoàn công tác chỉ đạo, kiểm tra các cơ quan, đơn vị triển khai các phương án ứng phó với bão, mưa lũ. Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với các lực lượng TKCN hàng hải hỗ trợ, xử lý kịp thời các sự cố tàu thuyền do thiên tai trên biển; điều động tàu tuần tra kết hợp tàu SAR cứu thuyền viên, lai dắt tàu bị nạn. Kịp thời kêu gọi trên các tần số liên lạc, sắp xếp tàu thuyền neo đậu tại các bến trong tỉnh trú, tránh bão... Tuy nhiên, công tác dự báo một số đợt chưa chính xác về lượng mưa và thời gian mưa gây khó khăn trong công tác tham mưu, chỉ đạo điều hành. 

Từ đầu năm 2024 đến nay, khu vực tỉnh Bình Định có một số đợt không khí lạnh. Đặc biệt, nắng nóng xảy ra từ tháng 4 đến tháng 6, có nhiều ngày nắng nóng gay gắt, có nơi nắng nóng đặc biệt gay gắt. Theo dự báo, từ nay đến cuối năm tình hình thời tiết sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Nắng nóng còn tiếp tục xảy ra đến nửa đầu tháng 9/2024, tập trung chính trong tháng 7-8/2024. Trên Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng từ 9 – 13 cơn bão/áp thấp nhiệt đới; trong đó, có khoảng 4- 6 cơn đổ bộ vào đất liền. Tổng lượng mưa khu vực tỉnh Bình Định phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung đánh giá kết quả công tác PCTT-TKCN năm 2023, đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác này trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh đề nghị các huyện, thị xã, thành phố tập trung kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS các cấp. Tổ chức xây dựng, cập nhật Kế hoạch PCTT cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2021 - 2025 và Phương án ứng phó thiên tai năm 2024. Tập trung tổ chức kiểm tra rà soát các khu dân cư, trường học, cơ sở y tế, trụ sở cơ quan ven sông, suối, ven biển, khu vực sườn dốc… để kịp thời phát hiện khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở khi có mưa lớn; kiểm tra phương án thoát nước, chống ngập úng tại các khu đô thị, khu dân cư ven sông, suối, ven biển; lập phương án di dời các hộ dân ra khỏi khu vực bị sạt lở đất và vùng có nguy cơ cao. Thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ). Cùng với đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND cấp xã tăng cường công tác tuyên truyền, truyền thông về phòng, chống giảm nhẹ thiên tai; tổ chức tập huấn, báo cáo, kiểm tra, hướng dẫn UBND cấp xã trong việc thực hiện các quy định liên quan về Đội xung kích PCTT cấp xã trên địa bàn đạt hiệu quả; tập trung nguồn lực cho công tác tập huấn và mua sắm các công cụ, phương tiện cần thiết để bảo đảm an toàn cho Đội xung kích PCTT cấp xã khi tham gia nhiệm vụ. Tổ chức cắm biển cảnh báo tại các khu vực sạt lở đất, ngập sâu; các ngầm, tràn qua đường; đôn đốc, giải tỏa vật cản, thông thoáng dòng chảy trên sông, trục tiêu…

Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS tỉnh; cập nhật dữ liệu trên phần mềm PCTT; tổ chức diễn tập phương án ứng phó thiên tai cấp tỉnh; đánh giá hiện trạng công trình đê điều và phương án hộ đê năm 2024; rà soát, cập nhật, bổ sung Kế hoạch PCTT giai đoạn 2021 - 2025 các cấp theo quy định và Kế hoạch thực hiện năm 2024; tham mưu thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Kôn-Hà Thanh; đề xuất phương án tích nước hồ chứa nước thủy lợi trên địa bàn tỉnh bảo đảm phục vụ sản xuất năm 2025.

Bộ chỉ huy quân sự tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức xây dựng kế hoạch và tổ chức diễn tập phương án chữa cháy rừng, phương án ứng phó với lũ lụt cấp tỉnh; chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương rà soát các điểm có nguy cơ sạt lở theo tình hình thực tế. Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh phối hợp Sở Nông nghiệp và PTNT, Đài Thông tin duyên hải Quy Nhơn và UBND các địa phương ven biển thông báo, hướng dẫn thuyền trưởng, chủ tàu thuyền tìm nơi trú, tránh bão, áp thấp nhiệt đới, thời tiết nguy hiểm trên biển; tổ chức lực lượng, huy động phương tiện, trang thiết bị ứng cứu ngư dân, tàu thuyền bị nạn trên biển. Công an tỉnh tham gia diễn tập diễn tập phương án chữa cháy rừng, phương án ứng phó với lũ lụt cấp tỉnh; rà soát lực lượng, phương tiện, trang thiết bị và hậu cần; cập nhật phương án bảo đảm an ninh, trật tự các vùng xảy ra bão, mưa lũ, sạt lở đất, chuẩn bị sẵn sàng trước mùa mưa lũ năm 2024.

Đài Khí tượng Thủy văn Bình Định theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết; kịp thời dự báo, cảnh báo thời tiết nguy hiểm, tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS tỉnh chỉ đạo công tác PCTT.

Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức kiểm tra các mỏ đất được cấp phép và đang hoạt động; kiểm tra về nguy cơ sạt lở đất, lũ bùn, đất đào thải gần khu dân cư khi mưa lũ, bão. Quản lý chặt chẽ, tăng cường kiểm tra, giám sát việc cấp phép, khai thác cát, sỏi trên sông, suối… để hạn chế xảy ra sạt lở bờ sông, gây mất an toàn cho công trình đê kè.

Sở Xây dựng tổ chức hướng dẫn, đôn đốc các sở, ngành, cơ quan, đơn vị và người dân kỹ thuật chằng chống bảo đảm an toàn trụ sở làm việc, nhà ở trước thiên tai. Tổ chức kiểm tra các công trình xây dựng vùng sườn dốc ven núi, ven quốc lộ; hướng dẫn biện pháp chống sạt lở sườn dốc, sớm khắc phục tình trạng ngập úng tại các đô thị, khu dân cư khi mưa lớn. Tổ chức kiểm tra, bảo đảm cung cấp nước sạch, thoát nước cho các đô thị khi mưa lũ, bão.

Sở Giao thông vận tải triển khai các dự án nâng cấp, mở rộng hệ thống các tuyến đường tỉnh theo kế hoạch; sửa chữa, cải tạo các cầu yếu trên hệ thống các tuyến đường tỉnh trong kế hoạch năm 2024. Tổ chức kiểm tra tiến độ thi công các công trình giao thông, bảo đảm vượt lũ; đôn đốc đơn vị thi công thu dọn đường công vụ, công trình phụ trợ thông thoáng dòng chảy; rà soát hệ thống cầu, đường; cọc tiêu, biển cảnh báo nguy hiểm bảo đảm an toàn giao thông cho người và phương tiện trong mùa mưa bão.

Sở Công Thương tổ chức rà soát việc vận hành các nhà máy thủy điện trong mùa mưa lũ, bảo đảm an toàn công trình và giảm lũ vùng hạ du. Tổ chức dự trữ lương thực, thực phẩm, nước uống, đồ dùng cần thiết trước mùa mưa bão.

Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn cập nhật phương án ứng phó thiên tai năm 2024; trong đó, kiểm tra các khu vực đầm Thị Nại, vịnh Phương Mai, vịnh Xuân Đài điều tiết cho tàu thuyển trú, tránh bão hợp lý.

Các nhà đầu tư đang tổ chức thi công các dự án đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng công trình nhằm đảm bảo các công trình vượt lũ an toàn; xây dựng và triển khai phương án ứng phó thiên tai cho công trình, sẵn sàng vật tư, nhân lực để ứng phó kịp thời khi mưa, lũ lớn xảy ra; tổ chức thông thoáng dòng chảy tại các hạng mục công trình qua sông, qua trục thoát lũ. 

Các sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, xây dựng phương án ứng phó thiên tai theo quy định./.


Tác giả: Kim Loan

Tin nổi bật Tin nổi bật