A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Triển khai thực hiện Chiến lược phát triển cơ giới hóa trong trồng trọt đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh

(binhdinh.gov.vn) - Ngày 25/06/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 125/KH-UBND về triển khai thực hiện Chiến lược phát triển cơ giới hóa trong trồng trọt đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Mục tiêu tổng quát của kế hoạch này là đẩy mạnh ứng dụng các loại máy, thiết bị, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao mức độ cơ giới hóa các khâu trong sản xuất trồng trọt phù hợp với từng loại cây trồng, lợi thế từng vùng, địa phương, hướng đến cơ giới hóa đồng bộ. Thay đổi tập quán canh tác phân tán, thủ công, lạc hậu sang sản xuất bằng máy, thiết bị tiên tiến, hiện đại có năng suất, chất lượng hiệu quả cao, giảm tổn thất trong và sau thu hoạch sản phẩm. Hình thành các cánh đồng lớn, vùng sản xuất hàng hóa tập trung để thúc đẩy ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ gắn với chuỗi giá trị, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa quy mô lớn. Tập trung phát triển cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất trồng trọt gắn với các cây trồng chủ lực của tỉnh.

Ảnh minh hoạ (Nguồn: baobinhdinh.vn)

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, sản xuất cây trồng chủ lực của tỉnh (lúa, lạc, ngô và rau màu) được ứng dụng cơ giới hóa ở các khâu sản xuất chính đạt trên 70% năm 2025 và đạt trên 85% năm 2030, cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 50% năm 2030. Tỷ lệ tổn thất trong và sau thu hoạch các cây trồng chủ lực giảm từ 0,5% đến 1,0%/năm. Sản xuất cây ăn quả được ứng dụng cơ giới hóa ở các khâu sản xuất chính đạt trên 50% năm 2025 và đạt trên 70% năm 2030. Tập trung phát triển cơ giới hóa các vùng trồng cây ăn quả tập trung theo VietGAP, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; canh tác tiên tiến, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Kêu gọi đầu tư tối thiểu 02 doanh nghiệp chế biến nông sản, có tiềm lực kinh tế vào cụm công nghiệp chế biến nông sản gắn với phát triển các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung được cơ giới hóa đồng bộ và kết nối tiêu thụ nông sản.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức, triển khai thực hiện Kế hoạch; đôn đốc, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện nhiệm vụ, kịp thời tham mưu đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung các nội dung của Kế hoạch cho phù hợp với thực tế. Tổng hợp kết quả thực hiện báo cáo UBND tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định kỳ hàng năm hoặc đột xuất khi có yêu cầu. Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì tổng hợp, phối hợp với các Sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố đề nghị phân bổ kinh phí hàng năm từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, các nguồn vốn khác để triển khai thực hiện Kế hoạch; nghiên cứu các cơ chế, chính sách quy định hiện hành của Trung ương về hỗ trợ thúc đẩy cơ giới hoá nông nghiệp, cơ giới hóa đồng bộ để tham mưu, đề xuất cho UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện.

Các Sở, ngành có liên quan, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao lồng ghép các nội dung của Kế hoạch vào kế hoạch phát triển của ngành và triển khai thực hiện có hiệu quả; trong đó, tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm theo Phụ lục đính kèm tại Kế hoạch này. Hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc và kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kế hoạch; định kỳ 06 tháng (trước 15/6), cuối năm (trước 15/12) báo cáo UBND tỉnh kết quả triển khai, thực hiện thông qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể hoá các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Kế hoạch để tổ chức triển khai thực hiện; lồng ghép các nội dung, nhiệm vụ vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cân đối ngân sách hàng năm bố trí nguồn vốn để tổ chức triển khai thực hiện. Cùng với đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động rà soát quy hoạch sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, hình thành cánh đồng lớn nhằm tạo điều kiện cho nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác áp dụng nhanh cơ giới hóa vào các khâu từ sản xuất - bảo quản - chế biến - vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm. Chú trọng đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, lựa chọn các loại máy móc, thiết bị có công nghệ tiên tiến phù hợp với điều kiện canh tác tại địa phương. Ngoài ra, UBND các huyện, thị xã, thành phố hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư nhà máy chế biến, khu sơ chế và kho bảo quản nông sản trên địa bàn gắn với các vùng nguyên liệu tập trung áp dụng cơ giới hóa trong nông nghiệp, phù hợp với định hướng phát triển chung của tỉnh. Đồng thời, triển khai các giải pháp tăng cường kết nối vùng, hướng tới phát triển các cụm liên kết sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản gắn với vùng nguyên liệu tập trung được áp dụng cơ giới hóa đồng bộ kết nối với cơ sở chế biến nông sản và kênh tiêu thụ, phân phối nông sản. Xây dựng các dự án thí điểm, các chương trình trọng điểm phát triển mô hình cơ giới hóa đồng bộ và chế biến nông sản của địa phương. Định kỳ 06 tháng (trước 05/6), cuối năm (trước 05/12) báo cáo tình hình và kết quả thực hiện Kế hoạch về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn./.


Tác giả: Minh Anh

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật