|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ðẩy mạnh sản xuất nông nghiệp an toàn, hiệu quả

Năm 2023, Trung tâm Khuyến nông (Sở NN&PTNT) tiếp tục triển khai nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, mang lại hiệu quả tích cực. Sản phẩm được thị trường ưa chuộng, nông dân tăng thu nhập, an tâm sản xuất.

Trung tâm Khuyến nông đã thực hiện tại 2 xã Ân Hữu và Ân Tường Đông (huyện Hoài Ân) 8 ha bưởi thâm canh đạt tiêu chuẩn VietGAP; năng suất tăng trên 10% và hiệu quả kinh tế tăng hơn 15% so với sản xuất đại trà tại địa phương, tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm cho người sản xuất và người tiêu dùng. Ngoài ra, Trung tâm đã hỗ trợ cấp chứng nhận VietGAP sản phẩm bưởi cho 10 hộ dân tham gia mô hình; bưởi được liên kết tiêu thụ với các HTX giúp người dân ổn định thu nhập.

Đánh giá về các mô hình khuyến nông, ông Võ Duy Tín, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân, cho rằng: Một số mô hình Trung tâm Khuyến nông triển khai ở Hoài Ân như thâm canh cây bưởi tiêu chuẩn VietGAP, thâm canh lúa SRI theo hướng hữu cơ… rất phù hợp với điều kiện địa phương và trình độ canh tác của người dân. Các mô hình là một trong những kênh chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp tới người dân hiệu quả, dễ tiếp cận và dễ thực hiện.

Sản phẩm bưởi đạt chuẩn VietGAP ở Hoài Ân được thị trường tiêu thụ ưa chuộng. Ảnh: THÀNH NGUYÊN

Người dân xã Mỹ Thọ (huyện Phù Mỹ) và xã Cát Lâm (huyện Phù Cát) trước đây trồng cây hành, cây kiệu theo kiểu truyền thống, hay lạm dụng việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, năng suất và hiệu quả kinh tế không cao. Từ khi áp dụng công nghệ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, năng suất hành và kiệu đạt khá cao (trung bình 90,2 tạ hành/ha và 64 tạ kiệu/ha), lợi nhuận đem lại cao hơn 15 lần so với trồng lúa trên cùng đơn vị diện tích.

Bên cạnh đó, Trung tâm là cầu nối liên kết giữa nông dân sản xuất với cơ sở thu mua và chế biến, góp phần tạo vùng nguyên liệu ổn định, duy trì sản xuất, tạo mối liên kết bền vững giữa nông dân với cơ sở chế biến.

Tại xã Nhơn Thọ (TX An Nhơn), anh Võ Văn Duy được Trung tâm hỗ trợ xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ bắp ngọt. Theo anh Duy, nhờ được hướng dẫn kỹ thuật canh tác và hỗ trợ liên kết tiêu thụ cho sản phẩm nên anh rất yên tâm. Bắp thu hoạch được thu mua với giá theo ký kết hợp đồng, các hộ dân không còn phải lo lắng trong việc tìm đầu ra, hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với trước đây.

Ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Thọ, cho hay: Các giống bắp trước đây thường được thu hoạch khi hạt đã chín, còn giống bắp ngọt được thu hoạch khi chưa chín và thường dùng như một loại rau hơn là ngũ cốc. Đây là mô hình khá phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương và có khả năng nhân rộng cao nếu duy trì được mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ.

Về kế hoạch thời gian đến, ông Huỳnh Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, cho biết: Năm 2024, Trung tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp thông qua việc xây dựng và triển khai thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, hữu cơ, theo tiêu chuẩn VietGAP, các mô hình hỗ trợ thúc đẩy liên kết sản xuất giữa DN, HTX và người nông dân theo chuỗi giá trị, qua đó góp phần nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống cho người dân vùng nông thôn.


Tác giả: THÀNH NGUYÊN
Nguồn:baobinhdinh.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật