A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ðể xảy ra cháy rừng, phá rừng, lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm

Tại hội nghị tổng kết công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024, diễn ra chiều 15.5 tại Văn phòng UBND tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh đã quy trách nhiệm cụ thể cho lãnh đạo địa phương nếu để xảy ra cháy rừng, phá rừng.

Nắng nóng tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao

Tỏ ra hết sức lo ngại trước tình hình nắng nóng sớm và có khả năng kéo dài, các đại biểu tham dự hội nghị cho rằng, mọi năm tình hình nắng nóng trong tỉnh diễn ra từ tháng 6 – 8, nhưng năm nay, mới tháng 3 nắng đã rất gắt. Hiện tại, nước ở các hồ chứa chỉ còn tầm 60% dung tích. Nếu không có giải pháp căn cơ, không khéo năm nay sẽ hạn lớn, không tránh khỏi tình trạng thiếu nước sinh hoạt, thiếu nước sản xuất, nước cho gia súc, gia cầm và theo đó nguy cơ cháy rừng là rất cao.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT, năm 2023 đã xảy ra 6 vụ cháy rừng trồng, diện tích thiệt hại 23,69 ha. So với cùng kỳ năm 2022 tăng 6 vụ, diện tích tăng 23,69 ha. Tuy nhiên, chỉ xử lý hành chính 2 vụ, 4 vụ chưa xử lý do chưa xác định được nguyên nhân cháy và đối tượng gây cháy.

Đi sâu phân tích nguyên nhân, các hạt kiểm lâm cho rằng, trách nhiệm của chủ rừng trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) chưa cao, nhất là việc các hộ dân tự ý đốt thực bì sau khai thác rừng trồng không đúng theo quy định. Mặt khác, một số diện tích rừng gần khu dân cư, người dân thường xuyên sử dụng lửa đốt rác, đốt tổ ong…, gặp thời tiết bất lợi dễ xảy ra cháy rừng. Những ngày qua, thời tiết nắng nóng khô hanh kéo dài, trên toàn tỉnh cấp dự báo cháy rừng thường xuyên ở cấp IV, cấp V.

Còn có một thực tế, đó là công tác tổ chức chữa cháy rừng  đang gặp nhiều khó khăn do địa hình hiểm trở; một số khu vực tiềm ẩn nguy hiểm như bom, đạn còn sót lại sau chiến tranh dễ phát nổ. Lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, dụng cụ phục vụ công tác PCCCR còn mỏng, thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.

Liên quan đến phương tiện, thiết bị PCCCR, Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc cho hay, một trong những giải pháp hiệu quả là tăng cường ứng dụng công nghệ. Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh xin nguồn kinh phí Trung ương, dự kiến khoảng 14 tỷ đồng để mua sắm thiết bị phục vụ  PCCCR.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh cho rằng, nguyên nhân chủ quan dẫn đến cháy rừng không nhỏ. Cụ thể, trong năm nay, phương án, giải pháp PCCCR của một số cấp, ngành, lực lượng, đặc biệt ở các địa phương còn khá chung chung. Do đó, Quy chế phối hợp phải hết sức cụ thể, phân định rõ sự quản lý, điều hành, trách nhiệm từng cấp, từng lực lượng, từng địa phương mới mang lại hiệu quả.

Thấu tình, đạt lý nhưng phải quyết liệt

Ngoài nội dung PCCCR, công tác bảo vệ rừng được các cấp, ngành, địa phương quan tâm, nhất là khi số vụ phá rừng đang có chiều hướng tăng lên. Năm 2022 phá rừng xảy ra 28 vụ với diện tích khoảng 68.000 m2, năm 2023 phá rừng 34 vụ, tăng 6 vụ với diện tích tương đương.

Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh Lê Minh Thông đề nghị Sở NN&PTNT xem xét, hướng dẫn xây dựng dự án quản lý rừng đặc dụng với diện tích 23.191 ha đã chuyển từ rừng phòng hộ sang rừng đặc dụng (đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 4860/QĐ-UBND ngày 27.12.2023). Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh bố trí kinh phí, để UBND huyện tổ chức hoạt động quản lý, bảo vệ rừng.

Bình Định là tỉnh có diện tích rừng lớn, vậy nên, khả năng và nguy cơ cháy rừng, phá rừng là rất lớn. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt ngành nông nghiệp, lực lượng kiểm lâm, chính quyền địa phương và chủ rừng hết sức quan trọng. Giải pháp hết sức căn cơ là phải rà soát lại diện tích rừng hiện nay, diện tích nào cần đưa ra khỏi quy hoạch, diện tích nào chuyển từ rừng phòng hộ sang rừng sản xuất để tính toán phù hợp cho phát triển KT-XH. Các địa phương cũng rà soát lại, nguyên nhân phá rừng để có hướng xử lý.

Bên cạnh rất nhiều cấp, ngành, địa phương luôn nỗ lực, vẫn còn một số cấp ủy, chính quyền địa phương, các chủ rừng, lực lượng thiếu sự quan tâm bảo vệ rừng; bên cạnh đó, diện tích rừng sản xuất giao UBND cấp xã quản lý, trên thực tế, nhiều nơi quản lý rất lỏng lẻo, để người dân lấn chiếm trồng, rồi lại đi cưỡng chế. Do đó các cấp, ngành phải tính lại việc giao rừng, theo nguyên tắc “rừng phải có chủ”, sau đó chuyển cho cá nhân hoặc tổ chức quản lý.

Trong công tác bảo vệ phải tăng cường tuần tra, kiểm soát và có giải pháp xử lý nghiêm để làm gương. Các trang thiết bị phục vụ công tác bảo vệ rừng, PCCCR phải được trang bị đầy đủ. Lực lượng CA phải tích cực vào cuộc và kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh cho biết, có hai nguyên nhân chính rừng bị phá. Một là, bà con dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất, dù trước đây tỉnh đã cấp cho bà con rồi nhưng nay gia đình có thêm người, nếu họ thật sự thiếu thì mình phải quy hoạch hợp lý để họ không phá rừng hoặc hỗ trợ họ chuyển đổi nghề. Một lý do khác là người dân cố ý phá rừng, trong trường hợp này thì phải cương quyết xử lý.

“Phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền và phải nói thẳng, cụ thể về hình phạt, mức phạt, chứ không nói chuyện nâng cao nhận thức, ý thức, bởi thực tế cho thấy, dân trí đã nâng lên và không ít trường hợp móc nối nhau, cố tình phá rừng. Trên tinh thần đó, mọi phần việc liên quan cần được xem xét ở nhiều khía cạnh, thấu tình đạt lý nhưng phải kiên quyết, có tính răn đe”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh.


Tác giả: NGỌC TÚ
Nguồn:vietnam.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật