Bình Định 'đi trước đón đầu' bồi dưỡng giáo viên dạy tích hợp
Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với UBND tỉnh Bình Định về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Chiều 19/4, Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm Trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh Bình Định về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK GDPT.
Tham dự buổi làm việc còn có Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Trưởng Ban tổ chức Trung ương, Trưởng Ban công tác đại biểu, Phó Trường đoàn giám sát Trần Thị Thanh; Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ; Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn, cùng thành viên Đoàn giám sát, lãnh đạo các phòng, ban UBND tỉnh, Sở GD&ĐT tỉnh Bình Định.
Sáng tạo trong đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy môn tích hợp
Quang cảnh buổi làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại tỉnh Bình Định. Ảnh: Hoàng Vinh.
Đánh giá về Chương trình GDPT 2018, ông Lâm Hải Giang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho rằng, Chương trình GDPT 2018 bảo đảm tính định hướng thống nhất và những nội dung cốt lõi, bắt buộc đối với học sinh toàn quốc. Đồng thời trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương, nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục, triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với từng đối tượng giáo dục và điều kiện của từng địa phương, của nhà trường góp phần bảo đảm kết nối hoạt động của nhà trường với gia đình, chính quyền và xã hội…
“Cơ sở vật chất, trường lớp đã được các địa phương quan tâm, đầu tư, đa số các cơ sở giáo dục tiểu học có đủ phòng học để học 2 buổi/ngày. Các trang thiết bị được mua sắm, bổ sung nhất là các trang thiết bị công nghệ mới đầu tư cho các lớp 1, lớp 2, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng đội ngũ giáo dục. Việc lựa chọn SGK được đông đảo phụ huynh, học sinh và đội ngũ giáo viên ủng hộ, dư luận xã hội đồng thuận cao…
Đội ngũ giáo viên đã được bổ sung về số lượng, trong tuyển dụng đã quan tâm nhiều đến cơ cấu và chất lượng, công tác bồi dưỡng được thực hiện một cách chủ động, nội dung bồi dưỡng thiết thực hiệu quả. Do đó, khi thực hiện chương trình mới giáo viên hoàn toàn chủ động xử lý các vấn đề mới phát sinh, không bỡ ngỡ, lúng túng”, ông Giang báo cáo.
Ông Lâm Hải Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định báo cáo tại buổi làm việc. Ảnh: Hoàng Vinh.
Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai chương trình mới như: dịch Covid-19 bùng phát, gây khó khăn trong tổ chức thực hiện. Cơ sở một số đơn vị chưa đồng bộ ảnh hưởng đến việc thực hiện chương trình. Một số trường thiếu các phòng bộ môn, phòng chức năng, đồ dùng…
Ngoài ra, UBND tỉnh Bình Định cũng đề xuất một số giải pháp, kiến nghị. Theo đó, Nhà nước nên cấp sách miễn phí cho học sinh vùng dân tộc thiểu số, miền núi vùng sâu, vùng xa. Bộ GD&ĐT cần chỉ đạo các trường sư phạm trong việc tuyển sinh, đào tạo giáo viên môn Khoa học tự nhiên và Sử - Địa.
Ông Đinh Công Sỹ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội cho biết, trong các ngày 23-24/3, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có buổi kiểm tra tại UBND huyện Phù Cát, THPT số 2 An Nhơn và Trường phổ thông dân tộc bán trú Tây Sơn.
Đoàn giám sát đã ghi nhận một số kết quả ban đầu và đề xuất một số vấn đề cần được làm rõ. Cụ thể, về ban hành chính sách, pháp luật và chỉ đạo thực hiện; bổ sung, làm rõ các căn cứ, cơ sở thực tiễn để đánh giá về ưu điểm, hạn chế, mức độ đáp ứng mục tiêu của Chương trình GDPT 2018, việc thiết kế, xây dựng chương trình giáo dục phổ thông theo hai giai đoạn và định hướng nghề nghiệp; kết quả thực tế qua hai năm triển khai năm học 2020-2021, năm học 2021-2022...
“Đoàn giám sát đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm của tỉnh Bình Định trong việc đầu tư nguồn lực cho Chương trình GDPT 2018. Báo cáo của UBND tỉnh Bình Định nêu tình trạng cơ sở vật chất đã được quan tâm đầu tư nhưng cơ sở vật chất một số đơn vị chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Một số trường còn thiếu các phòng học bộ môn, phòng chức năng; đồ dùng, trang thiết bị đã xuống cấp, chưa có thiết bị dạy học theo tiêu chuẩn mới như ti vi, máy chiếu. Số liệu thống kê cho thấy số cơ sở vật chất cần bổ sung ở cả 3 cấp học là rất lớn, tỷ lệ đáp ứng về thiết bị dạy học cơ sở giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh không đồng đều giữa các cấp học và không đồng đều giữa các địa phương…”, ông Sỹ nêu.
Ông Đinh Công Sỹ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội nêu báo cáo giám sát tại tỉnh Bình Định. Ảnh: Hoàng Vinh.
Đại diện Đoàn giám sát cũng yêu cầu tỉnh báo cáo đánh giá rõ kinh phí hằng năm của Trung ương hỗ trợ địa phương về chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển và các nguồn hợp pháp khác để chuẩn bị triển khai thực hiện Chương trình trong đó có so sánh với giai đoạn trước. Kinh phí hằng năm do tỉnh bố trí từ ngân sách địa phương để triển khai Chương trình GDPT 2018 trên địa bàn; thuận lợi, khó khăn và Kinh phí huy động từ nguồn lực xã hội hóa phục vụ cho triển khai Chương trình 2018…
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đã đánh giá cao báo cáo của UBND tỉnh, Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội về những đề xuất kiến nghị với Bộ GD&ĐT. Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho rằng, qua kiểm tra nhiều lần tại tỉnh Bình Định về việc triển khai Chương trình GDPT cho thấy tỉnh đã triển khai chủ động, tích cực, sáng tạo.
Trong đó, chủ động “đi trước đón đầu” trong việc đào tạo, bồi dưỡng rất sớm đối giáo viên dạy các môn tích hợp Lịch sử, Địa lý… nên khi triển khai chương trình mới tại tỉnh Bình Định không bị bất ngờ, rất suôn sẻ.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ giải thích một số vấn đề tại buổi làm việc. Ảnh: Hoàng Vinh.
“Việc triển khai chương trình GDPT mới là cuộc cách mạng đối với giáo dục. Bởi mục tiêu của Nghị quyết đặt ra rất cao, đó là góp phần đổi mới căn bản toàn diện chất lượng GDPT, góp phần chuyển từ nền giáo dục nặng về trình độ kiến thức sang nền giáo dục chú trọng phát triển toàn diện về phẩm chất năng lực người học”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh.
Đối với việc tổng hợp danh mục SGK, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho hay, theo Nghị quyết 88, Bộ GD&ĐT phê duyệt SGK để sử dụng trong hệ thống giáo dục. “Tỉnh Bình Định đã rất sáng tạo khi mua cho mỗi trường các bộ SGK và chọn bộ SGK làm chuẩn, còn các bộ SGK khác để tham khảo. Kinh phí tỉnh cũng cấp để các địa phương thực hiện, việc này đã được thống kê rà soát cụ thể hằng năm”, Thứ trưởng Độ nêu rõ.
Về vấn đề điều chỉnh Thông tư 26 ban hành 2011 về tiêu chuẩn bàn ghế cho học sinh, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, thông tư đã cá biệt hóa đến từng đối tượng. Đối với những khó khăn vướng mắc, Bộ GD&ĐT đang tiếp thu ý kiến và sửa Thông tư 26 để đảm bảo yêu cầu học tập.
Đối với vấn đề giáo viên đạt chuẩn, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho rằng, cần phân biệt khái niệm về giáo viên đạt chuẩn của Luật Giáo dục năm 2005 và Luật Giáo dục năm 2019. Giáo viên Tiểu học và THCS có trình độ Cao đẳng không phải là dưới chuẩn mà đó là giáo viên đang đạt chuẩn của Luật cũ và đang tiếp tục học nâng chuẩn để đến năm 2030 theo lộ trình của Chính phủ.
Huy động nguồn lực cho giáo dục tiếp tục phát triển
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm của tỉnh Bình Định trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT.
“Đoàn giám sát đã thấy được những điểm tốt và chưa tốt. Để từ đó phát huy những vấn đề tốt, và tìm giải pháp khắc phục những mặt hạn chế. Qua đó tiếp tục kiến nghị những bất cập đến Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành các liên quan để sửa chữa các cơ chế chính sách đầu tư cho giáo dục tỉnh Bình Định nói riêng và cả nước nói chung”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng, qua báo cáo của tỉnh, đã thấy được quá trình dạy và học tại tỉnh Bình Định đã được những tiến triển rất tốt. “Muốn giáo dục phát triển là phải đầu tư cơ sở vật chất. Qua báo cáo cho thấy địa phương đã có sự đầu tư về trường lớp, đội ngũ giáo viên. Chất lượng giáo viên quyết định chất lượng dạy và học. Qua báo chí phản ánh, học sinh Bình Định đã tự tin, năng động khi học chương trình mới, đây là điều đáng mừng, cho thấy Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 thấm sâu vào việc dạy học tại Bình Định”, ông Mẫn chia sẻ.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn kết luận tại buổi làm việc. Ảnh: Hoàng Vinh.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng lưu ý tỉnh Bình Định nghiên cứu một số văn bản của Đảng, Nhà nước, đối chiếu với thực tiễn triển khai thực hiện. Xem nội dung nào chưa phù hợp, kể cả những vấn đề trong Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 để kiến nghị chỉnh sửa.
Trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị UBND tỉnh Bình Định tiếp tục huy động mọi nguồn lực để đầu tư cho sự nghiệp giáo dục đào tạo. Tăng cường việc bồi dưỡng cho giáo viên, trao dồi về lý tưởng, hoài bão cho học sinh, sinh viên.
“Nâng cao chất lượng chuẩn hóa giáo viên và chất lượng quản lý các cấp, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng Công nghệ thông tin trong ngành giáo dục. Thực hiện tốt chính sách với đồng bào dân tộc thiểu số, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh khuyết tật. Lồng ghép sử dụng có hiệu quả các đề án chương trình mục tiêu Quốc gia, các nguồn huy động hợp pháp từ xã hội để có thêm nguồn lực đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khó khăn”, ông Mẫn nhấn mạnh.