A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ðảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm

Cùng với sự phát triển của KT-XH, nhu cầu sử dụng thực phẩm ngày càng cao và vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm được quan tâm hàng đầu. Nhân Tháng hành động vì vệ sinh an toàn thực phẩm, Báo Bình Ðịnh phỏng vấn ông Nguyễn Văn Trung, Phó Giám đốc Sở Y tế, về vấn đề này.

Ông Nguyễn Văn Trung, Phó Giám đốc Sở Y tế. Ảnh : T. KHUY

Ông có thể chia sẻ về thực trạng công tác an toàn thực phẩm (ATTP) của tỉnh ta thời gian qua?

- Điểm nổi trội là công tác ATTP của tỉnh ta đã có những chuyển biến rất tích cực, như: Số cơ sở qua kiểm tra, giám sát về ATTP đạt yêu cầu ngày càng cao; hiện tượng ngộ độc thực phẩm (NĐTP) rất hiếm, được kiểm soát tốt. Nhận thức và trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân về ATTP có chuyển biến tích cực; sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng được quan tâm.

Toàn tỉnh có hơn 21.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và kinh doanh dịch vụ ăn uống. Trong đó: Ngành y tế quản lý 8.033 cơ sở, ngành NN&PTNT quản lý 8.300 cơ sở và ngành công thương quản lý 4.707 cơ sở. Số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm như thế là khá lớn, lại đa dạng về chủng loại nhưng phần lớn có quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình nên việc chấp hành điều kiện đảm bảo ATTP chưa được ổn định. Những năm gần đây, hoạt động du lịch của tỉnh phát triển, cùng với đó số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố mở ra rất nhiều và phức tạp, khó kiểm soát. Với số lượng bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp, trường học khá lớn, nhất là bếp ăn tập thể các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo quy mô gia đình việc thực hiện các điều kiện đảm bảo ATTP có lúc, có nơi còn chưa thật sự tốt. Đây cũng là nguy cơ hiện hữu dễ xảy ra NĐTP tập thể.

 

Để giảm thiểu hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, hoạt động kiểm tra về ATTP có vai trò rất quan trọng.

Trong ảnh: Đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP kiểm tra một cơ sở kinh doanh thực phẩm tại TP Quy Nhơn. Ảnh: Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh.

* Được biết, với chủ đề “Đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”, điểm nhấn của Tháng hành động năm 2023 là tạo nên đợt cao điểm, phát động chiến dịch truyền thông. Vậy chúng ta có những hoạt động truyền thông nào tạo được sự lan tỏa sâu rộng, thiết thực và mới mẻ không, thưa ông?

- Ngoài các hoạt động thường xuyên về công tác bảo đảm ATTP, Tháng hành động năm 2023 là điểm nhấn trong năm, tạo nên đợt cao điểm, phát động chiến dịch truyền thông về tuân thủ các quy định pháp luật về ATTP trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm; giảm thiểu các hành vi vi phạm trong sản xuất kinh doanh thực phẩm; chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa NĐTP, đặc biệt là các vụ NĐTP nhiều người mắc do sử dụng sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn.

Các hoạt động truyền thông trong Tháng hành động năm 2023 là: Tổ chức tuyên truyền về các hoạt động bảo đảm ATTP trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức các buổi tọa đàm, nói chuyện chuyên đề về an toàn thực phẩm. Huy động các cơ quan thông tin đại chúng tham gia chiến dịch truyền thông về bảo đảm ATTP, biểu dương, quảng bá các sản phẩm, các mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, phù hợp quy định của pháp luật trên địa bàn. Tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức. Huy động hệ thống đài truyền thanh cơ sở tham gia tuyên truyền chính sách, pháp luật, kiến thức về ATTP; đồng thời, cảnh báo đến người tiêu dùng những tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm vi phạm các quy định của pháp luật.

Công khai các cơ sở, cá nhân bị phạt vi phạm hành chính về ATTP nhằm cảnh cáo, răn đe, ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm trái pháp luật. Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bảo đảm an toàn điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ sơ chế, chế biến thực phẩm; vệ sinh cá nhân trong việc phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm…

* Một trong những nội dung của Tháng hàng động là “giúp giảm thiểu các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm”. Vậy chúng ta sẽ có những hoạt động cụ thể nào góp phần thay đổi hành vi, hướng đến đảm bảo ATTP trong thời gian tới?

- Để thay đổi, giảm thiểu các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm là một việc rất khó, đòi hỏi lâu dài, ngoài việc tuyên truyền, giáo dục thì hoạt động kiểm tra về ATTP có vai trò rất quan trọng. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, công tác kiểm tra ATTP nhân Tháng hành động năm 2023 sẽ được tổ chức thành các đoàn liên ngành gồm y tế, NN&PTNT, công thương, KH&CN, quản lý thị trường, CA…và tổ chức, triển khai ở 3 cấp tỉnh, huyện, xã. 

Thông qua đợt kiểm tra, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những bất cập, yếu kém trong công tác quản lý nhà nước về ATTP; phát hiện, ngăn chặn, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm về ATTP. Đồng thời, niêm yết công khai các cá nhân, tổ chức vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng; đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm ATTP.

Yêu cầu công tác kiểm tra về ATTP năm nay là: Kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề tồn tại trong quản lý, những vi phạm về bảo đảm ATTP trong sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm. Trong quá trình kiểm tra kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức, pháp luật về ATTP, nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng trong công tác bảo đảm ATTP.


Tác giả: THẢO KHUY
Nguồn:baobinhdinh.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật