A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bình Định kêu gọi đầu tư nhiều dự án lớn, tạo dư địa phát triển cho giai đoạn mới

Thời gian qua, Bình Định thu hút thêm nhiều dự án lớn. Địa phương cũng đang tích cực xúc tiến đầu tư để tạo dư địa phát triển cho giai đoạn 2024 - 2025.

Trên địa bàn tỉnh Bình Định có 84 dự án sản xuất công nghiệp dự kiến hoạt động trong năm 2023 với tổng vốn đăng ký hơn 10.408 tỷ đồng. Ảnh: N.T

Tìm hướng thu hút các dự án đầu tư mới 
Sau nhiều lần đấu giá, đấu thầu tìm nhà đầu tư nhưng không thành công, mới đây, Sở KH&ĐT tỉnh Bình Định đã có thông báo mời nhà đầu tư đăng ký đầu tư dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ).
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định, tới đây, sẽ có nhà đầu tư rất lớn đầu tư nhà máy chế biến, khu nuôi, nhà máy thức ăn... tạo thành chuỗi khép kín cho dự án này.
Dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm xã Mỹ Thành có diện tích gần 219ha, bao gồm: khu điều hành có quy mô 10 ha; khu sản xuất, chế biến tôm quy mô gần 198ha; các hạng mục phụ trợ gần 11ha.

Một khu vực nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Bình Định. Ảnh: N.T

Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 1.177 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành và vận hành đi vào hoạt động trong tháng 6/2028 và giải quyết công ăn việc làm khoảng 2.500 người.
Dự án trên sẽ có nhà máy chế biến tôm với công suất 20.000 tấn tôm thương phẩm/năm, giá trị xuất khẩu 200-240 triệu USD/năm.

Cùng với đó, khu nuôi tôm thương phẩm công nghệ cao có tổng sản lượng tôm thương phẩm đạt 7.000 tấn nguyên liệu tôm/năm; khu sản xuất tôm giống thẻ chân trắng với công suất 2 tỷ con giống/năm và trạm bơm nước biển; nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản công suất 100 ngàn tấn/năm…

Không chỉ dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm xã Mỹ Thành được tỉnh Bình Định "dồn lực" tìm nhà đầu tư, thời gian qua, trong bối cảnh thị trường bất động sản khó khăn, tỉnh này đã tập trung thu hút đầu tư và thành công thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, công nghiệp và nông nghiệp.

Tiêu biểu như tỉnh Bình Định đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Trung tâm Giết mổ gia súc, gia cầm và chế biến thực phẩm San Hà Bình Định do Công ty TNHH San Hà làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư 220 tỷ đồng.

Dự án tổng diện tích đất là 165.000 m2 (tại Thôn Tùng Chánh, xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát). Khi đi vào hoạt động, dự án đạt công suất giết mổ 40.000 con gia cầm/ngày, 500 con gia súc/ngày và tạo ra 10 tấn sản phẩm chế biến/ngày, đồng thời đầu tư theo chuỗi giá trị khép kín từ khâu thu mua, giết mổ gắn với chế biến và tiêu thụ các sản phẩm từ gia súc, gia cầm.

Theo ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định, hiện, sản lượng heo, bò, gia cầm ở địa phương rất nhiều, việc có nhà máy chế biến này sẽ tiêu thụ sản phẩm cho người dân, tránh trường hợp sản xuất ra nhưng không có nơi tiêu thụ.

Bên cạnh đó, tỉnh Bình Định đã phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp khảo sát xúc tiến đầu tư, tiêu thụ nông sản như: Công ty CP Tập đoàn KIDO về chuỗi liên kết sản xuất lạc; Công ty Mega A khảo sát vùng trồng ớt; Công ty CP Xuất nhập khẩu thực phẩm Đồng Giao, Công ty Cổ phần Thực phẩm Dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam (Vinanutrifood) khảo sát vùng trồng rau, cây ăn quả...

Kết quả, Vinanutrifood khảo sát vùng trồng rau, cây ăn quả triển khai Dự án Nhà máy chế biến sâu Nông Thủy sản. Đến nay, Công ty này thống nhất lựa chọn địa điểm xây dựng nhà máy chế biến tại CCN Cầu Nước Xanh (huyện Tây Sơn).

"Với 3 dự án này trên, ngành nông nghiệp của địa phương sẽ tăng trưởng bứt phá", ông Thanh chia sẻ.

"Thúc" tiến độ dự án, tạo dư địa cho năm tiếp theo
Theo Sở KH&ĐT tỉnh Bình Định, hiện, trên địa bàn tỉnh Bình Định có 84 dự án sản xuất công nghiệp dự kiến hoạt động trong năm 2023 với tổng vốn đăng ký hơn 10.408 tỷ đồng, với tổng diện tích trên 363ha; trong đó, có 17 dự án trọng điểm với tổng vốn đăng ký hơn 8.678 tỷ đồng, tổng diện hơn tích 226 ha.

Dự kiến năm 2023, 47 dự án đi vào hoạt động sản xuất với tổng vốn đầu tư 8.889 tỷ đồng, (chiếm 85,4% so tổng vốn đầu tư), trong đó có 14 dự án trọng điểm với tổng vốn đầu tư hơn 7.964 tỷ đồng (chiếm 76,5% so tổng vốn đầu tư).

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định còn thông tin, năm 2023, qua các đợt xúc tiến kêu gọi đầu tư, địa phương đã thu hút được thêm hàng chục dự án.

Theo đó, UBND tỉnh Bình Định đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các địa phương. Liên quan đến việc ách tắc do giải phóng mặt bằng, ông Thanh cho hay, hiện, các địa phương đã vào cuộc với tinh thần rất quyết liệt.

Bởi, khi tập trung giải phóng mặt bằng thì nhà đầu tư mới "rót tiền" vào tỉnh. Như vậy, khi nhà máy sẽ sớm đi vào hoạt động sẽ tạo ra dư địa cho năm 2024 -2025 khi chỉ số công nghiệp của tỉnh sẽ tăng trưởng tốt.

"Hiện, việc thu hút đầu tư để tạo dư địa chủ yếu cho năm 2024 - 2025, còn năm 2023 thì tập trung tháo gỡ khó khăn và đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án mới", ông Thanh nói thêm.


Tác giả: Nguyễn Tri, nhadautu.vn:
Nguồn:kkt.binhdinh.gov.vn Copy link

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật