Bình Định mời gọi những 'con sếu đầu đàn' đầu tư vào dự án then chốt
Ông Đặng Vĩnh Sơn, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định cho biết, trong thời gian tới, Ban Quản lý sẽ ưu tiên tục tập trung mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước có tiềm lực, thương hiệu mạnh, những "con sếu đầu đàn" đến đầu tư các dự án then chốt.
Đến nay, trên địa bàn KKT Nhơn Hội và các KCN tỉnh Bình Định có 399 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 132.115 tỷ đồng. Ảnh: Dũng Nhân.
Trong những năm qua, tỉnh Bình Định đã và đang tập trung đầu tư, xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là phát triển hạ tầng Khu kinh tế (KKT) Nhơn Hội và các khu công nghiệp (KCN) trên cơ sở khai thác lợi thế sẵn có.
Trong quá trình xây dựng, phát triển KKT, các KCN trên địa bàn tỉnh Bình Định đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh. Để làm rõ những đóng góp trên, Tạp chí Nhà đầu tư trao đổi với ông Đặng Vĩnh Sơn, Trưởng Ban Quản lý KKT tỉnh Bình Định.
Ông Đặng Vĩnh Sơn, Trưởng Ban Quản lý KKT
tỉnh Bình Định. Ảnh: Nguyễn Tri.
Ông nhận định như thế nào về sự phát triển của KKT Nhơn Hội và các KCN của tỉnh Bình Định?
Ông Đặng Vĩnh Sơn: Từ cuối năm 2020 đến nay, do dại dịch COVID-19 bùng phát mạnh, gây ảnh hưởng rất nặng nề đối với kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và công tác thu hút đầu tư nói riêng. Do đó, có rất ít các dự án đầu tư mới được thu hút và triển khai trên địa bàn KKT Nhơn Hội và các KCN của tỉnh.
Lũy kế trong 8 tháng năm 2022, KKT Nhơn Hội và các KCN của tỉnh Bình Định đã thu hút 6.821 tỷ đồng, trong đó cấp mới 13 dự án với tổng vốn đầu tư 3.972 tỷ đồng; điều chỉnh 26 dự án và thu hồi 8 dự án; vốn đầu tư thực hiện các dự án đạt 4.102 tỷ đồng.
Đến nay, trên địa bàn KKT Nhơn Hội và các KCN tỉnh Bình Định có 399 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 132.115 tỷ đồng, vốn đầu tư thực hiện khoảng 42.269 tỷ đồng. Trong đó có 39 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với vốn đăng ký 818 triệu USD. Riêng tại KKT Nhơn Hội có tổng số dự án đăng ký đầu tư là 119 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 118.009 tỷ đồng, (trong đó, 15 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đầu tư 616,8 triệu USD).
Sự phát triển của KKT Nhơn Hội và các KCN của tỉnh Bình Định có ý nghĩa quan trọng và tác động sâu sắc đến nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội tại địa phương. Đến nay, giá trị sản xuất công nghiệp hàng năm chiếm gần 40% và kim ngạnh xuất khẩu chiếm đến 40% toàn tỉnh, nộp NSNN gần 1.000 tỷ đồng. Hoạt động của các doanh nghiệp ngày càng ổn định, mức tăng bình quân hàng năm trên 12%.
Không chỉ vậy, với vai trò động lực của KKT Nhơn Hội và các KCN tỉnh Bình Định đã tác động mạnh đến sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tích cực, tăng cao tỷ lệ công nghiệp và dịch vụ. Đặc biệt, KKT Nhơn Hội là nơi tiếp nhận đa số các dự án đầu tư có quy mô vốn hàng nghìn tỷ đồng về các lĩnh vực công nghiệp, đô thị, du lịch, dịch vụ nên càng khẳng định sự ảnh hưởng mạnh mẽ từ hoạt động của KKT Nhơn Hội, các KCN tỉnh Bình Định.
Ngoài ra, sự lớn mạnh của KKT Nhơn Hội và các KCN của tỉnh Bình Định còn có tác động tích cực, mạnh mẽ đến các lĩnh vực khác như du lịch – dịch vụ; hệ thống hạ tầng kỹ thuật – xã hội về dân cư, khu đô thị mới; gia tăng các giao dịch, đầu tư vào khu vực, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản; kích thích các hoạt động phát triển hạ tầng xã hội như đào tạo nghề, phát triển lực lượng lao động…
Theo ông, "rào cản" lớn nhất trong việc thu hút đầu tư vào KKT Nhơn Hội và các KCN của tỉnh Bình Định hiện nay là gì?
Ông Đặng Vĩnh Sơn: Khó khăn lớn nhất trong giai đoạn hiện nay vẫn là ảnh hưởng khá nặng nề của đại dịch COVID-19 trong hơn 2 năm qua gây ảnh hưởng đến nhiều nước, nhiều chuỗi cung ứng và khó khăn trong đi lại, giao thương toàn cầu, trực tiếp gây ảnh hưởng đến thu hút đầu tư vào tỉnh Bình Định nói chung và KKT, KCN tỉnh Bình Định nói riêng.
Cùng với đó, hạn chế về hệ thống cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến công tác thu hút đầu tư vào miền Trung và tỉnh Bình Định. Giao thông kết nối với tỉnh và Vùng không thuận lợi bằng các tỉnh, thành phố ở 2 đầu đất nước. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn yếu kém, cơ sở hạ tầng xã hội chưa được quan tâm đầu tư đúng mức cũng là lực cản đối với công tác thu hút đầu tư.
Ông có thể chia sẻ một số giải pháp trong thời gian tới để có thể đẩy mạnh thu hút đầu tư?
Ông Đặng Vĩnh Sơn: Từ nay đến hết năm 2022, Ban Quản lý sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, phấn đấu thu hút vốn đăng ký đầu tư cả năm 2022 đạt trên 20.000 tỷ đồng. Trong đó, đôn đốc các chủ đầu tư hạ tầng KCN, đặc biệt là KCN Becamex VSIP Bình Định, khẩn trương hoàn thành công tác đầu tư hạ tầng, đảm bảo đủ điều kiện về mặt bằng để tiếp nhận các dự án sản xuât công nghiệp, biến nới đây thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ hiện đại và quy mô bậc nhất Bình Định và khu vực.
Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn KKT và các KCN. Tiếp tục đồng hành, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh…
Tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để cải thiện kết quả chỉ số cải cách hành chính của Ban Quản lý. Trong đó, xây dựng Kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; triển khai thực hiện kế hoạch phát động phong trào thi đua đẩy mạnh cải cách hành chính tỉnh Bình Định giai đoạn 2021-2025…
Ngoài ra, triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định phân cấp, ủy quyền, các quy chế phối hợp trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với KKT, KCN; đổi mới mối quan hệ với các ngành, chính quyền địa phương, phối hợp lý dứt điểm các vướng mắc, tồn tại kéo dài; Chủ động tham mưu cho UBND tỉnh các biện pháp chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng và phát triển KKT, các KCN trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
Vậy Ban Quản lý sẽ tập trung vào các nhóm lĩnh vực nào để có thể phát huy tối đa thế mạnh trong thời gian tới?
Ông Đặng Vĩnh Sơn: Để phát huy tối đa thế mạnh và tiềm năng sẵn có, Ban Quản lý sẽ ưu tiên tục tập trung mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước có tiềm lực, thương hiệu mạnh, những “con sếu đầu đàn” đến đầu tư các dự án then chốt vào các lĩnh vực mũi nhọn như du lịch - dịch vụ, hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, cảng biển, nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất phần mềm...
Cạnh đó, mời gọi các nhà đầu tư lớn có khả năng lôi kéo, thúc đẩy các dự án phụ trợ; chú trọng nhóm các nhà đầu tư vừa và nhỏ, nhưng có công nghệ sạch và cao của Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Tây Âu và các quốc gia phát triển để đảm bảo môi trường bền vững, vừa đẩy nhanh tiến độ lấp đầy KKT Nhơn Hội và các KCN trên địa bàn tỉnh, vừa đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp hạ nguồn và các dịch vụ kèm theo.
Ngoài ra, ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ hiện đại, có hàm lượng tri thức cao, thân thiện với môi trường, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, có sản phẩm mang lợi thế cạnh tranh cao.