Chỉ số giá tiêu dùng tỉnh Bình Định - Tháng 11 năm 2023
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tỉnh Bình Định tháng 11 năm 2023 giảm 0,15% so tháng trước, tăng 2,34% so với cùng kỳ năm trước, tăng 2,06% so với tháng 12 năm trước, bình quân 11 tháng năm 2023 tăng 2,2% so với cùng kỳ.
So với tháng trước, trong 11 nhóm hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng chính, có 2 nhóm hàng tăng giá, 1 nhóm hàng giảm giá và 8 nhóm hàng ổn định giá. Trong 2 nhóm hàng tăng giá, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,13%, nhóm giao thông tăng 0,06%. Ở chiều ngược lại, nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và VLXD giảm 1%. Các nhóm có chỉ số ổn định so với tháng trước là: nhóm đồ uống và thuốc lá; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình; nhóm thuốc và dịch vụ y tế; nhóm bưu chính viễn thông; nhóm giáo dục; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác.
Diễn biến chỉ số giá tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tháng 11/2023 so với tháng 10/2023:
Chỉ số nhóm lương thực tăng 2,15% so với tháng trước. Nguyên nhân chính tác động đến sự gia tăng chỉ số giá nhóm này bởi giá mặt hàng gạo. Giá gạo trong cả nước và trên địa bàn tỉnh tăng liên tục kể từ tháng 7/2023 đến nay, nhờ nhu cầu xuất khẩu gạo tiếp tục tăng. Vì vậy, đã tác động trực tiếp đến giá gạo trong tỉnh tăng 3,25%; trong đó: gạo tẻ thường tăng 3,49%, gạo tẻ ngon tăng 1,81%, gạo nếp tăng 0,6%; kéo theo giá một số mặt hàng nhóm lương thực chế biến tăng 0,8% như: bánh mì; bún, bánh phở, bánh đa; mỳ sợi, mỳ, phở/cháo ăn liền; miến lần lượt tăng: 0,32%; 2,52%; 0,37%; 0,38%.
Chỉ số giá nhóm thực phẩm tháng 11/2023 giảm 0,09% so với tháng trước. Tháng 11/2023, giá thịt gia súc hơi trên địa bàn tỉnh giảm 3,5%; kéo theo, nhóm thịt gia súc tươi sống giảm 2,49% so với tháng trước, chủ yếu thịt lợn giảm 4,73%, các sản phẩm nội tạng giảm 2,42%; dẫn đến, các mặt hàng thịt chế biến giảm 1,74%, vì nhóm thịt quay, giò, chả giảm 1,86%. Ở chiều ngược lại, nhóm thịt bò tăng 0,24%. Bên cạnh đó, nhóm thịt gia cầm tươi sống cũng tăng 0,22%, ảnh hưởng bởi giá thịt gà tăng 0,16% và thịt gia cầm khác tăng 0,64%. Đồng thời, các mặt hàng trứng các loại tăng 1,25%. Tháng này tại địa phương thời tiết vào mùa mưa, lượng tàu thuyền của ngư dân ra khơi khai thác thuỷ, hải sản giảm, dẫn đến nhóm thủy sản tươi sống tăng 0,45%, làm cho giá cá tươi hoặc ướp lạnh tăng 0,17%; trong đó: mặt hàng cá quả, cá thu, cá nục lần lượt tăng: 0,56%; 0,34%; 0,48%; Tôm tươi hoặc ướp lạnh tăng 1,63%, trong đó: tôm rảo, tôm nuôi nước ngọt tăng 1,28%; tôm đồng loại nhỏ tăng 1,37%; Thủy hải sản tươi sống khác tăng 0,22%.
Cùng xu hướng đó, nhóm các loại đậu và hạt tăng 0,13% so với tháng trước, ảnh hưởng do nhóm lạc và vừng tăng 0,07%, đậu hạt các loại tăng 0,17%. Hiện nay, giá bán mặt hàng này trên thị trường vẫn tăng cao do nhu cầu tiêu dùng phục vụ sức khỏe tăng như: đậu xanh hạt loại 1 tăng 1,27%. Nhóm rau tươi, khô và chế biến tăng 1,62% như: cà chua, rau muống, đỗ quả tươi, rau dạng quả củ, măng tươi, rau tươi khác, rau chế biến các loại, lần lượt tăng: 7,9%, 3,82%; 2,5%; 1,17%; 0,19%; 2,93%; 0,78% do trong tháng này thời tiết mưa liên tục và một số cây trồng hàng năm đã hết mùa thu hoạch, phải nhập từ địa phương khác về, dẫn đến giá tăng. Bên cạnh đó, giá các loại quả tươi, chế biến tăng 0,32%; trong đó: xoài tăng 2,1%; quả tươi khác tăng 1,24%; trong đó: dưa hấu, nhãn, dứa, thanh long lần lượt tăng: 3,17%, 0,76%, 3,83%, 1,3% do đã hết mùa thu hoạch. Ngược lại, quả có múi, chuối , táo lần lượt giảm: 0,15%; 2,06%; 0,14% do vào mùa mưa, nhu cầu tiêu dùng của người dân giảm.
Giá dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tháng 11/2023 ổn định giá so với tháng trước. Mặc dù, giá lương thực và thực phẩm có sự biến động; tuy nhiên, tháng này là mùa thấp điểm du lịch, lượng khách đến tỉnh giảm nhẹ, nên các nhà hàng, quán ăn đều có chủ trương giữ giá dịch vụ ổn định, nhằm kích cầu du lịch.
Chỉ số nhóm Nhà ở, điện, nước, chất đốt và VLXD giảm 1% so với tháng trước, chủ yếu nhóm vật liệu bảo dưỡng nhà ở giảm 0,56%, trong đó: nhóm vật liệu bảo dưỡng nhà ở chính giảm 0,37%, nhóm vật liệu bảo dưỡng nhà ở khác giảm 1,33%; nhóm nước sinh hoạt giảm 0,86%, nhóm điện sinh hoạt giảm 5,83%, do thời tiết trong tháng mưa nhiều, nhu cầu tiêu thụ điện, nước giảm. Bên cạnh đó, trong tháng Liên Bộ Tài chính và Công Thương có 3 lần điều chỉnh, giá dầu hỏa giảm 5,55%.
Chỉ số giá Giao thông tháng 11/2023 tăng 0,06% so với tháng trước, do nhóm dịch vụ giao thông công cộng tăng 8,86%. Mặc dù, tại Bình Định thời tiết đang vào mùa mưa lượng khách du lịch đến địa phương giảm, cụ thể: lượt khách lưu trú giảm 9%, số chuyến bay của các hãng hàng không đã giảm đáng kể, dẫn đến giá vé tăng cao so với tháng trước, làm cho nhóm vận tải hành khách bằng đường hàng không tăng 72,63% so tháng trước. Ngược lại, trong tháng Liên Bộ Tài chính và Công Thương có 2 lần điều chỉnh giảm giá xăng và 3 lần điều chỉnh giảm giá dầu Diezel, dẫn đến nhóm nhiên liệu giảm 1,28% so với tháng trước.
Giá vàng tại thị trường trong tỉnh bình quân 5.576 ngàn đồng/chỉ, tăng 3,12% so tháng trước. Giá đô la Mỹ bình quân tháng 11/2023 là 24.489 VND/USD, giảm 0,36% so tháng trước.
Diễn biến Chỉ số giá tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ bình quân 11 tháng năm 2023 tăng 2,2% so với cùng kỳ. Trong 11 nhóm hàng chính, 9 nhóm có chỉ số tăng lần lượt như sau: Tăng cao nhất là nhóm Giáo dục tăng 4,86%; tiếp theo là nhóm Hàng ăn uống và dịch vụ ăn uống tăng 3,17%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 2,72%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,3%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 2,18%; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 2,13%; nhóm văn hóa, giải trí, du lịch tăng 1,8%; nhóm bưu chính viễn thông tăng 1,63%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,22%. Ngược lại, nhóm giao thông giảm 1,83%. Duy chỉ có nhóm thuốc và dịch vụ y tế có chỉ số giá ổn định.
Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ tăng lần lượt: 1,6%, 2,02% so với cùng kỳ./.