Cô giáo Bình Định được phong NGƯT: "Tiết dạy hôm nay phải tốt hơn tiết hôm qua"
GDVN - Theo NGƯT Nguyễn Thị Xuân Vinh, để trở thành một người thầy giỏi, bản thân phải tự học, tự nghiên cứu, đồng thời phải biết cách truyền lửa cho học trò.
Sau gần 30 năm gắn bó với ngành giáo dục tỉnh Bình Định từ khi tốt nghiệp đại học, năm 2024, cô giáo Nguyễn Thị Xuân Vinh (hiện là giáo viên môn Hóa học tại Trường Trung học phổ thông chuyên Chu Văn An, tỉnh Bình Định) đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.
Cô Vinh cho biết danh hiệu này là một kỷ niệm đẹp trên hành trình “trồng người”. Nhưng trong suy nghĩ của một nhà giáo tâm huyết với công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, không niềm vui nào lớn hơn thành công của học trò.
Để trở thành người thầy giỏi cần “tự học” và biết cách truyền lửa cho học trò
Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Xuân Vinh cho biết sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế vào năm 1995, cô về nhận công tác tại Trường Trung học phổ thông số 1 Phù Mỹ (huyện Phù Mỹ). Đến năm 2018, cô được điều động về giảng dạy tại Trường Trung học phổ thông chuyên Chu Văn An (thị xã Hoài Nhơn) và công tác từ đó cho đến nay.
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Xuân Vinh, giáo viên Trường Trung học phổ thông chuyên Chu Văn An, tỉnh Bình Định (Ảnh: NVCC).
Nhìn lại hành trình gần 30 năm gắn bó với ngành giáo dục tỉnh Bình Định, cô Xuân Vinh kể: “Tôi sinh ra trong một gia đình đặc biệt khó khăn. Bố mất sớm, mẹ làm nông, tôi là chị cả trong gia đình nên học đại học dường như là điều không tưởng. Ngày có kết quả thi đỗ vào Trường Đại học Sư phạm ở Huế, tôi và mẹ không biết lựa chọn như thế nào. Sau những đêm trăn trở, cuối cùng mẹ quyết định cho tôi học tiếp.
Ngoài giờ học, tôi phải làm thêm rất nhiều việc như dạy kèm, phục vụ trong các quán ăn để có tiền trang trải suốt 4 năm đại học. Tốt nghiệp loại giỏi và trở thành thủ khoa Khoa Hóa của Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế, mặc dù được giữ lại trường làm giảng viên nhưng tôi vẫn chọn về quê, dạy ở trường phổ thông theo sở thích của mình”.
Theo cô Xuân Vinh, những ngày đầu mới vào nghề luôn thực sự khó khăn với một giáo viên mới, chưa có kinh nghiệm giảng dạy. Hóa học còn là một môn học khô khan và tương đối khó với nhiều học sinh.
Để vượt qua quãng thời gian này, sau mỗi tiết dạy, dù có bận rộn đến đâu cô Vinh đều cố gắng ghi thật nhiều ưu, nhược điểm của tiết dạy vào một quyển sổ để liên tục tự rút kinh nghiệm. Bởi cô giáo trẻ khi đó luôn dặn lòng rằng: “Tiết dạy hôm nay của mình phải tốt hơn tiết dạy hôm qua”.
“Ngoài giờ dạy, tôi dành rất nhiều thời gian để đọc sách. Thời điểm cách đây 30 năm chưa có mạng internet nên tài liệu phục vụ cho giảng dạy rất hiếm. Tôi phải thường xuyên đi đến các hiệu sách lớn ở thành phố Quy Nhơn và huyện Phù Cát để tìm mua sách hoặc mượn của bạn bè để tham khảo. Năm tháng cứ thế qua đi, tôi cũng nâng dần trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, hoàn thiện bản thân, những tiết dạy cứ tốt dần theo thời gian.
Quan điểm của tôi để trở thành một người thầy giỏi thì bản thân phải tự học, tự nghiên cứu rất nhiều, đồng thời phải biết cách truyền lửa cho học trò”, cô Vinh chia sẻ.
“Đường đời sẽ rất rộng cho người chịu học”
Năm 2018, khi đang làm Tổ trưởng tổ Hóa tại Trường Trung học phổ thông số 1 Phù Mỹ, cô Xuân Vinh được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định điều động tới công tác tại Trường Trung học phổ thông chuyên Chu Văn An.
Theo cô Vinh, thời điểm đó có nhiều người thân, bạn bè của cô không ủng hộ quyết định chuyển trường vì cô đã lớn tuổi, đến môi trường mới cần phấn đấu lại từ đầu và phải đi xa nhà hơn 30km. Tuy nhiên, cô Vinh quyết tâm đi vì biết điều mình tâm huyết nhất với giáo dục tỉnh nhà là bồi dưỡng học sinh giỏi.
Mặc dù đã chuẩn bị tinh thần khi chuyển công tác, cô Xuân Vinh thừa nhận bản thân từng bị “sốc” vì học sinh trường chuyên rất giỏi. Vì thế, cô càng ý thức mình cần tự học nhiều hơn và tự thay đổi để học trò hào hứng nghe giảng và nể trọng nhà giáo.
Cô Xuân Vinh cho biết: “Khi mới về trường, tôi được phân công làm chủ nhiệm lớp 10 chuyên Hóa. Trong lớp có một học sinh rất giỏi. Em này rất giỏi nhưng vì là con nhà nông có điều kiện khó khăn nên em không biết phải đầu tư cho việc học từ đâu. Trong khi đó, trước giờ tôi chủ yếu chỉ bồi dưỡng học sinh giỏi thi cấp tỉnh, chưa từng có kinh nghiệm ôn thi cấp quốc gia.
Lúc đó, tôi dò hỏi trò: “Em nghĩ có thể đạt giải quốc gia không?”. Trò cũng thật thà rằng: “Em đọc các đề thi tham khảo học sinh giỏi mấy năm trước mà không làm được câu nào hết”.
Thật sự lúc ấy tôi cũng hoang mang. Là người bồi dưỡng cho đội tuyển, tôi mày mò, tìm kiếm tài liệu trong nước và thế giới, tìm cách gửi học trò đi bồi dưỡng thêm ở nhiều nơi có các giáo sư đầu ngành. Ngày biết tin em đạt giải Nhì học sinh giỏi cấp quốc gia môn Hóa, cả hai cô trò mừng rơi nước mắt. Sau này, em ấy nhận học bổng toàn phần tại Trường Đại học Khoa học và Công Nghệ Quốc gia MISIS (Liên Bang Nga).
Với những học trò khác, tôi cũng thường chia sẻ với các em rằng, liên tục vận dụng và tìm hiểu rất nhiều kiến thức để giải các bài toán đồng nghĩa với việc các em đang được rèn luyện một tinh thần vượt khó rất mạnh mẽ. Ngay cả khi học trò thất bại với cuộc thi, đó cũng là những trải nghiệm rất đáng quý. Đường đời sẽ rất rộng cho người chịu học”.
Cô Nguyễn Thị Xuân Vinh và gia đình học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Chu Văn An tại chương trình “Tri ân và trưởng thành” năm học 2023-2024. (Ảnh: NVCC)
Bên cạnh hoạt động giảng dạy, thường ngày, cô Xuân Vinh còn dành nhiều thời gian viết sáng kiến để đúc kết kinh nghiệm của bản thân. Đến nay, cô có 1 sáng kiến được công nhận có phạm vi ảnh hưởng trong toàn tỉnh, 7 sáng kiến được công nhận có phạm vi ảnh hưởng trong ngành giáo dục tỉnh Bình Định.
Theo cô Vinh: “Hiện nay có một số ý kiến cho rằng các sáng kiến của giáo viên chỉ là hình thức sao chép, không giúp ích gì cho giảng dạy. Bản thân tôi lại có suy nghĩ khác. Viết sáng kiến chính là cách để đúc kết kinh nghiệm giảng dạy. Vậy nên từ khi về Trường Trung học phổ thông chuyên Chu Văn An, năm học nào tôi cũng viết sáng kiến để làm tư liệu cho bản thân và đồng nghiệp.
Các đề tài tôi lựa chọn thường tập trung vào phương pháp, giải pháp bồi dưỡng học sinh dự thi học sinh giỏi các cấp để đúc kết kinh nghiệm giảng dạy. Trong đó, tác phẩm tôi tâm đắc nhất là: Một số phương pháp hướng dẫn học sinh tự học trong dạy học chuyên đề Tổng hợp dược phẩm hữu cơ”.
Qua nhiều năm công tác và viết sáng kiến, cô Xuân Vinh đã rút ra kinh nghiệm các bước cần làm để xây dựng, thực hành và tổng hợp thành một công trình có giá trị. Cụ thể:
Thứ nhất, chọn ý tưởng để viết bằng cách khảo sát đề thi học sinh giỏi từ cấp tỉnh đến cấp quốc tế qua nhiều năm nhằm tìm ra những chuyên đề học sinh thường gặp khó; những lỗi học sinh thường hay mắc.
Thứ hai, thực hiện ý tưởng bằng cách tổng hợp, hệ thống hóa và sắp xếp lại kiến thức từ sách giáo khoa, giáo trình chuyên Hóa, sách tham khảo, tài liệu dùng cho sinh viên khoa Hóa ở các trường đại học; tạp chí Hóa học trong và ngoài nước và mạng internet. Tự biên soạn và sưu tầm nhiều bài tập về chuyên đề, sau đó phân loại, sắp xếp và đưa ra một số phương pháp giải để học sinh có thể học tập, vận dụng khi làm các câu hỏi.
Thứ ba, trao đổi với đồng nghiệp về ý tưởng sáng kiến, mời đồng nghiệp dự giờ để góp ý, thảo luận từ đó rút ra được những kinh nghiệm cho các giải pháp đã thực hiện và có sự điều chỉnh cho phù hợp.
Thứ tư, cho học sinh mỗi nhóm trình bày ý tưởng của mình, học sinh các nhóm khác nhận xét, phản biện bài trình bày của bạn. Có thể cho học sinh tự tranh luận với nhau để bảo vệ ý kiến của mình rồi so sánh, đối chiếu với cách giải trong các đáp án, sau đó rút ra nhận xét, rút kinh nghiệm. Giáo viên nhận xét, đánh giá kết quả từng nhóm và đưa ra bài giảng của mình cho học sinh tham khảo.
Thứ năm, tổng kết và viết sáng kiến. Các ý kiến được viết sau khi đã trải qua quá trình xác định ý tưởng, xác định cơ sở lý thuyết, thực hành và ghi nhận góp ý, chia sẻ của đồng nghiệp.
Sau khi cô Xuân Vinh chuyển công tác về trung học phổ thông chuyên Chu Văn An, đội tuyển học sinh giỏi môn Hóa của nhà trường từ năm học 2019-2020 đến năm học 2023-2024 đạt 15 giải cấp quốc gia và 128 giải cấp tỉnh. Theo cô Vinh, dù đây là những kết quả còn khiêm tốn so với các trường chuyên khác, nhưng thành tích trên rất đáng tự hào nếu đặt trong bối cảnh Trường Trung học phổ thông chuyên Chu Văn An mới chỉ chính thức hoạt động từ năm 2017.
Với những đóng góp cho ngành giáo dục, cô giáo Nguyễn Thị Xuân Vinh từng được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Định tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh” năm 2021 và tặng 02 Bằng khen vào năm 2020, 2022; có 10 lần được Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở”; được tặng Bằng khen của Ban Chấp hành Công đoàn Giáo dục Việt Nam năm 2022; Bằng khen của Liên đoàn lao động tỉnh năm 2021...
Đặc biệt, trong năm 2023, cô Xuân Vinh còn là 1 trong 75 điển hình tiên tiến được Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định tuyên dương và là 1 trong 5 đại biểu tiêu biểu của tỉnh đi dự Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc tại Hà Nội.