A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đầu tư phát triển tiềm lực KHCN: Có chuyển biến nhưng chưa mạnh

Nhằm phát huy công tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học-công nghệ (KHCN) vào thực tiễn, nhiều năm qua, tỉnh ta đã quan tâm đầu tư phát triển tiềm lực KHCN địa phương. Tuy nhiên, để KHCN thật sự làm tốt vai trò “đòn bẩy” của mình, cần đầu tư nâng cao tiềm lực KHCN mạnh hơn nữa.

Chuyển biến bước đầu

Theo báo cáo của Sở KHCN, đến năm 2009, trên địa bàn tỉnh có hơn 10.000 cán bộ KHCN đang tham gia vào các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Trong đó có 91 tiến sĩ, 770 thạc sĩ; tăng 30 tiến sĩ và 505 thạc sĩ… so với năm 2006. Chính sách phát triển KHCN và hỗ trợ nhân lực có trình độ cao được thực hiện đều đặn hàng năm, đã thực hiện tôn vinh, khen thưởng đãi ngộ kịp thời cho 439 nhân lực trình độ cao của tỉnh, với tổng kinh phí gần 7 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, thực hiện chính sách đào tạo cán bộ KHCN có trình độ cao, đến nay, đã có 17 cán bộ KHCN có phẩm chất tốt và trình độ chuyên môn thuộc các lĩnh vực ngành nghề ưu tiên phát triển của tỉnh - đặc biệt là công nghệ thông tin, công nghệ sinh học và quản lý kinh tế - được cử đi học thạc sĩ ở nước ngoài. Nguồn nhân lực trình độ cao này đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển của ngành KHCN của tỉnh những năm qua.

Để tăng cường đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật cho hệ thống các trung tâm KHCN, tỉnh đã phê duyệt các dự án tăng cường tiềm lực KHCN cho các đơn vị. Trong đó,

Trung tâm Phân tích kiểm nghiệm Bình Định được đầu tư hơn 8 tỉ  đồng nhằm nâng cao năng lực kiểm nghiệm. Đến nay, Trung tâm đã phân tích được 255 loại chỉ tiêu về cơ, lý, hóa, sinh, điện; đồng thời, được Văn phòng chất lượng (Bộ KHCN) công

nhận phòng thử nghiệm theo chuẩn quốc tế ISO 17025:2005. Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN Bình Định được đầu tư hơn 4,6 tỉ đồng cho việc tăng cường tiềm lực phát triển công nghệ sinh học; nâng công suất phòng nuôi cấy mô tế bào thực vật đạt 2,5 triệu cây/năm; hoàn thiện được quy trình nhân giống các loại cây lâm nghiệp, các loại hoa, cây công nghiệp, có giá trị kinh tế cao. Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng được đầu tư gần 4 tỉ đồng để nâng cao năng lực kiểm định và hiệu chuẩn phương tiện đo…

Ngoài ra, việc đầu tư tiềm lực, nghiên cứu ứng dụng KHCN trong các doanh nghiệp (DN) cũng được khuyến khích. 5 năm trở lại đây, chính sách hỗ trợ DN áp dụng và được chứng nhận các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế được thực hiện hàng năm. Đến nay, kinh phí khoa học đã hỗ trợ hơn 670 triệu đồng cho 31 DN. Các DN trong tỉnh đã có chuyển biến một bước trong nhận thức về đổi mới công nghệ và nâng cao chất lượng sản phẩm; phần lớn các DN có hàng hóa xuất khẩu đã được chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001, ISO 14000, HACCAP, SA8000…

Việc nghiên cứu, ứng dụng KHCN, đổi mới kỹ thuật… đã được nhiều DN chú trọng. Một trong những DN đi đầu trong đầu tư vốn phát triển công nghệ ở tỉnh ta là Tổng Công ty Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định (Bidiphar). Hàng năm Bidiphar đầu tư hàng tỉ đồng cho hoạt động phát triển công nghệ. Công ty Phân bón và Dịch vụ tổng hợp Phù Mỹ cũng đã đầu tư hàng chục tỉ đồng để phát triển có hiệu quả các sản phẩm mới như: gạo an toàn chất lượng cao, than hoạt tính, gạch ngói xây dựng…

Để hỗ trợ cho DN đổi mới công nghệ, Quỹ phát triển KHCN được thành lập từ năm 2009 đã cho vay ưu đãi để các DN nhỏ có điều kiện đổi mới công nghệ, sản xuất thử nghiệm, nhằm hoàn thiện các sản phẩm mới. Ông Võ Ngọc Anh, Phó Giám đốc Sở KHCN, cho biết: Hiện nay, nhận thức về đầu tư cho KHCN trong DN đã có nhiều chuyển biến. Đến nay, Quỹ đã cho vay dự án đầu tiên với tổng kinh phí là 1,5 tỉ đồng để đầu tư toàn bộ dây chuyền công nghệ mới, nâng cao chất lượng và sản lượng gạo Vạn Phước; cho vay 2 dự án sản xuất thử nghiệm hoàn thiện hệ thống cắt, tách hạt điều tự động; đầu tư công nghệ sản xuất các sản phẩm từ cao su thiên nhiên như: xăm, lốp xe cộ rùa; xăm, lốp xe honda; yếm xe tải… Hiện nay, các sản phẩm này đã được sản xuất và tiêu thụ rất tốt trên thị trường.

Những hạn chế

Dù đã đạt những kết quả nhất định, tuy nhiên, việc đầu tư cho tiềm lực KHCN vẫn còn gặp khó khăn, nhất là nguồn vốn đầu tư cho KHCN. Theo thống kê của Sở KHCN, kinh phí ngân sách đầu tư cho KHCN so với tổng chi trong giai đoạn 2006-2010 bình quân vẫn dưới mức 2% tổng chi thường xuyên ngân sách tỉnh (đây là mức chi bình quân theo quy định cho KHCN). Bên cạnh đó, việc đầu tư nâng cao tiềm lực KHCN ở các DN tuy có chuyển biến nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Để đầu tư cho KHCN, cần có nguồn kinh phí thường xuyên, trong khi ngoài một vài DN lớn, đa số các DN trong tỉnh vẫn chưa dành kinh phí cho hoạt động này.

Vì vậy, trong định hướng hoạt động KHCN giai đoạn 2011-2015 của tỉnh, ngoài việc bảo đảm mức chi cho KHCN từ ngân sách địa phương đạt mức bình quân hàng năm trên 2% tổng chi ngân sách thường xuyên, tỉnh sẽ có chính sách ưu đãi cụ thể về thuế, tín dụng, nguồn vốn vay từ các quỹ để hỗ trợ các DN đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh…; đồng thời, khuyến khích các DN, các tổ chức kinh tế tư nhân thành lập quỹ phát triển KHCN cơ sở.

Tuy nhiên, để việc nâng cao tiềm lực KHCN đạt hiệu quả hơn, tỉnh ta cần đa dạng hóa nguồn kinh phí đầu tư cho các hoạt động KHCN như kêu gọi đầu tư của nước ngoài, vay vốn các tổ chức quốc tế trên cơ sở các dự án khả thi, nhất là khuyến khích các DN đầu tư cho hoạt động KHCN thông qua việc giảm thuế, tín dụng ưu đãi.


Tin nổi bật Tin nổi bật