A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Dự báo tình hình sinh vật gây hại vụ Đông Xuân 2016-2017

(binhdinh.gov.vn)-Trung tâm BVTV miền Trung thuộc Cục Bảo vệ thực vật đã ban hành văn bản về dự kiến tình hình sinh vật gây hại vụ Đông Xuân 2016-2017, theo đó dự báo một số sinh vật có thể phát sinh, gây hại chủ yếu trên một số cây trồng chính trên địa bàn Bình Định trong vụ Đông Xuân 2016-2017, cụ thể như sau:

Ảnh minh họa.

1. Trên cây lúa

1.1. Chuột

Vụ Đông Xuân 2016-2017 khả năng chuột sẽ phát sinh gây hại nặng ở các đợt chuột hại chính sau:

+ Đợt 1: Giữa đến cuối tháng 12/2016 gây hại giống gieo lúa đại trà và lúa sạ sớm giai đoạn lúa con đến đẻ nhánh.

+ Đợt 2: Trong tháng 02/2017, hại diện rộng lúa Đông Xuân đại trà đẻ nhánh đến đứng cái.

+ Đợt 3: Đầu đến giữa tháng 3/2017 hại rải rác cục bộ lúa Đông Xuân từ đòng đến trỗ.

1.2. Rầy nâu + rầy lưng trắng

Trong vụ Đông Xuân 2016-2017 cần chú ý các đợt rầy chính sau:

+ Đợt 1: Giữa đến cuối tháng 02/2017, hại nhẹ chủ yếu trên lúa Đông Xuân trà sớm giai đoạn từ đòng đến trỗ (lúa nước trời và chân 2 vụ lúa/năm).

+ Đợt 2: Đầu đến giữa tháng 03/2017, hại mạnh diện rộng trên lúa Đông Xuân chân 2 vụ và lúa đại trà giai đoạn đòng đến trỗ.

+ Đợt 3: Cuối tháng 3/2017 đến giữa tháng 4/2017 gây hại rải rác, nặng cục bộ trên lúa trỗ đến chắc xanh.

1.3. Bệnh đạo ôn

Bệnh phát sinh hại mạnh khi điều kiện thời tiết thuận lợi như: Trời âm u, mưa phùn, đêm và sáng sớm có sương mù. Trong vụ cần chú ý các đợt hại chính sau:

* Bệnh đạo ôn lá:

+ Đợt 1: Trong tháng 01/2017, gây hại nhẹ lá, cổ lá trên lúa ăn nước trời; và lúa chân 2 vụ ở giai đoạn đẻ nhánh đến đứng cái.

+ Đợt 2: Trong tháng 02/2017, gây hại diện rộng lúa Đông Xuân đại trà giai đoạn đẻ nhánh.

* Bệnh đạo ôn cổ bông:

+ Đợt 1: Cuối tháng 02/2017, gây hại diện tích lúa ăn nước trời và lúa chân 3 vụ ở giai đoạn từ trỗ đến ngậm sữa.

+ Đợt 2: Giữa tháng 3/2017 đến đầu tháng 4/2017, hại lúa đại trà giai đoạn trỗ đều.

1.4. Sâu cuốn lá nhỏ:

Vụ Đông Xuân sâu cuốn lá nhỏ thường gây hại mạnh và nặng giai đoạn lúa đòng đến trỗ, đáng chú ý là các đượt sâu sau:

+ Đợt 1: Đầu tháng 02/2017, gây hại cục bộ trên lúa ăn nước trời và lúa chân 3 vụ ở giai đoạn đòng đến trỗ.

+ Đợt 2: Từ giữa cuối tháng 3/2017 đến đầu tháng 4/2017, gây hại diện rộng nặng cục bộ trên lúa vụ Đông Xuân đại trà giai đoạn đòng trỗ đến chắc xanh.

1.5. Bệnh khô vằn:

Bệnh thường phát sinh gây hại mạnh vào giai đoạn đòng trỗ đến chắc xanh trên các chân ruộng sạ dày và bón thừa đạm.

+ Cần chú ý đợt: Giữa đến cuối tháng 3/2017, hại chủ yếu trên lúa Đông Xuân chính vụ và kéo dài đến đầu tháng 4/2017.

Ngoài các đối tượng dịch hại chính nêu trên trong vụ Đông Xuân 2016-2017, bà con nông dân cần quan tâm đến sâu năn, bệnh chết cây trên lúa Đông Xuân muộn … vì mấy năm gần đây các đối tượng này đang có chiều hướng phát sinh mạnh ở một số tỉnh nhưng chưa được theo dõi thống kê diện tích đầy đủ. Trong điều kiện mưa phùn, lạnh ngay từ đầu vụ thì cần chú ý: Ruồi đục nõn hại cục bộ lúa giai đoạn lúa con và một số sinh vật thường gây hại nặng cục bộ từng vùng như: Bọ trĩ, sâu phao, bệnh lem lép thối hạt, sâu đục thân, sâu cắn gié, bọ xít đen,…

2. Trên các cây trồng khác

2.1. Trên cây rau màu các loại

Vụ Đông Xuân 2016-2017 cần chú ý các đối tượng sinh vật gây hại chính trên một số cây trồng như sau:

- Cây ngô: Sâu xám, sâu xanh, sâu khoang … hại nhẹ chủ yếu giai đoạn cây con; bệnh gỉ sắt, bệnh khô vằn, sâu đục thân, đục bắp… hại chủ yếu giai đoạn ngô trỗ cờ đến phun râu.

- Rau ăn lá: Bệnh lở cổ rễ hại chủ yếu giai đoạn vườn ươm và cây con mới trồng; sâu tơ, sâu xanh, bệnh thán thư, bệnh thối nhũn… hại mạnh thời kỳ phát triển thân lá.

- Rau ăn quả: Chú ý bệnh lở cổ rễ, bệnh phấn trắng, bệnh giả sương mai, bệnh chết dây,… trên cây họ bầu bí; sâu đục quả, bệnh héo xanh, bệnh thán thư … trên cây họ cà.

2.2. Cây công nghiệp và cây thực phẩm

- Cây tiêu: Trong các tháng 10,11/2016 mưa nhiều vì vậy thời gian tới đặc biệt cần chú ý bệnh chết nhanh, chết chậm. Ngoài ra còn có các đối tượng khác như: Tuyến trùng rễ, bệnh đốm đen lá, rệp sáp hại cành và gốc,… hại cây tiêu chủ yếu ở giai đoạn nuôi quả, chắc quả.

- Cây mía: Bệnh đỏ bẹ, bệnh rượu lá, bệnh đốm lá, bệnh gỉ sắt, rệp bẹ… hại phổ biến mía chính vụ giai đoạn tích lũy đường đến chín (từ tháng 11/2016 đến tháng 02/2017), bọ trĩ, sâu đục thân, bệnh than, bệnh trắng lá mía, sâu non bọ hung, xén tóc,… phát sinh hại mía giai đoạn cây con đến đẻ nhánh ở các vùng bị nhiễm năm trước ở các tháng 2,3,4/2017.

 - Cây điều: Sâu ăn lá + ăn đọt non, bọ xít muỗi, bệnh thán thư, bệnh khô đọt non + khô chùm hoa… hại điều giai đoạn ra chồi hoa đến phát hoa và ra quả trong tháng 01/2017 trở đi.

- Cây lạc (đậu phộng): Sâu xám, sâu xanh, sâu khoang, sâu cuốn lá… hại phổ biến giai đoạn cây con đến phân cành đến ra hoa; bệnh đốm đen + đốm nâu trên lá, bệnh gỉ sắt… hại mạnh giai đoạn đâm tia đến ra quả cuối vụ; bệnh héo xanh hại rải rác, nặng cục bộ.

 - Cây dừa: Bọ cánh cứng sẽ tiếp tục hại dừa và mức độ gây hại tăng dần từ tháng 02/2017 trở đi; cao điểm gây hại ở các tháng 3,4/2017 biểu hiện gây hại nhiều ở các tháng khô, nóng từ tháng 5 đến tháng 7/2017.

 - Cây mỳ (sắn): Rệp sáp bột hồng, bệnh chổi rồng, nhện đỏ tiếp tục phát sinh và gây hại sắn, cần chú ý điều tra phát hiện sớm, xử lý kịp thời, ngăn chặn để tránh lây lan diện rộng./.

 

Đinh Văn Toại (Sở Nông Nghiệp và PTNT Bình Định)

 


Tin nổi bật Tin nổi bật