Đừng chủ quan với ngộ độc thực phẩm
Gần đây, việc cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện nhiều vụ việc sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả với quy mô lớn, trong thời gian dài, khiến người dân bức xúc, đặt ra vấn đề cần nghiên khắc hơn nữa trong công tác quản lý các mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.
Phần lớn trường hợp tình trạng ngộ độc thực phẩm sẽ hết sau vài ngày điều trị. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện kịp thời, ngộ độc thực phẩm có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như rối loạn thần kinh; rối loạn tim mạch; ảnh hưởng đến tiêu hóa như đi ngoài ra máu kèm chất nhầy, đau bụng dữ dội...; suy giảm sức đề kháng nghiêm trọng, nhất là trẻ em dưới 2 tuổi và những người bị suy dinh dưỡng, mắc bệnh lý liên quan đến dạ dày tá tràng, gan...
Để bảo vệ sức khỏe và phòng tránh tình trạng ngộ độc thực phẩm, nên chọn thực phẩm tươi sống, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Khi mua cần phải chú ý đến hạn sử dụng và ngày sản xuất của sản phẩm. Bên cạnh đó, không dùng các loại thức ăn có nhiều độc tố như khoai tây đã bị mọc mầm hoặc các loại nấm lạ và cả những loại thực phẩm bị nhiễm phải các chất độc hóa học.
Nên chế biến thực phẩm đúng cách. Nấu chín kỹ thực phẩm, ăn ngay sau khi nấu vì để lâu có thể làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn. Bảo quản cẩn thận thức ăn đã nấu chín, thức ăn cần được giữ ấm liên tục trên 60°C hoặc bảo quản lạnh dưới 10°C. Đặc biệt, không nên giữ lại thức ăn cho trẻ nhỏ. Thức ăn đã nấu chín nhưng không ăn ngay cần được hâm nóng lại kỹ, đặc biệt là sau 5 giờ.