Gần 200 nhà khoa học, diễn giả dự Hội nghị 'Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ'
Hội nghị “Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ' Bình Định ở được xem là một diễn đàn học thuật để các nhà khoa học thảo luận về các khám phá mới nhất trong lĩnh vực Vật lý Hạt cơ bản, Vật lý Năng lượng cao...
Một phần bên trong Nhà mô hình vũ trụ tại Khu Đô thị Khoa học Quy Hòa ở Bình Định. (Ảnh: Kha Phạm/TTXVN)
Ngày 7/8, tại phường Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Hội nghị Quốc tế “Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ” do Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (Trung tâm ICISE) phối hợp với Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định tổ chức đã chính thức khai mạc với sự tham dự của gần 200 nhà khoa học, các diễn giả quốc tế.
Đây được xem là một diễn đàn học thuật để các nhà khoa học trong nước và quốc tế hợp tác khoa học, trao đổi, thảo luận về các khám phá mới nhất trong lĩnh vực Vật lý Hạt cơ bản, Vật lý Năng lượng cao và Thiên văn học; đồng thời chia sẻ kiến thức, trình bày kết quả nghiên cứu về các tiến bộ mới nhất trong các ngành khoa học này.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Giáo sư Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam nhấn mạnh hội nghị tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu trẻ trình bày các ý tưởng và tham gia vào các cuộc thảo luận với các nhà khoa học đã thành đạt trong lĩnh vực này, từ đó tạo ra sự hợp tác khoa học và phát triển cho các nhà khoa học trẻ trong cộng đồng khoa học cơ bản nhằm trao đổi kiến thức và hợp tác quốc tế về Vật lý Hạt và Thiên văn học.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt thông tin Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến phát triển Khoa học cơ bản vì nó là nền tảng, tiền đề cho khoa học và công nghệ của mỗi quốc gia.
[Tuần lễ NASA Việt Nam tại Bình Định: Trò chuyện cùng phi hành gia]
Khoa học cơ bản Việt Nam nói chung và Vật lý Việt Nam nói riêng đã có nhiều bước phát triển trong 10 năm qua. Chính phủ Việt Nam đã thành lập Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia nhằm tài trợ cho các lĩnh vực Khoa học cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước.
Từ năm 2008 đến nay, Quỹ đã tài trợ hàng nghìn đề tài nghiên cứu cơ bản, giúp tăng số công bố quốc tế của các nhà khoa học Việt Nam.
Từ năm 2017, UNESCO đã công nhận và bảo trợ Trung tâm Vật lý Quốc tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam là trung tâm khoa học dạng 2, nằm trong mạng lưới các Trung tâm Khoa học Quốc tế của UNESCO.
Khoa học Việt Nam cũng đóng góp cho khoa học thế giới thông qua những sáng kiến thiết thực, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc.
Bộ trưởng cũng mong muốn tại hội nghị, các nhà khoa học sẽ thảo luận về các vấn đề chuyên môn, làm sao để khoa học đóng góp nhiều nhất cho phát triển kinh tế-xã hội. Đồng thời, các nhà khoa học đưa ra nhiều gợi ý cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý về cách thức, lộ trình và những kinh nghiệm quý báu của các nước phát triển cho Việt Nam về phát triển và phát triển bền vững.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết Bình Định là mảnh đất hiếu học, yêu mến khoa học và tôn trọng tri thức. Việc xây dựng nơi đây trở thành một điểm đến của các nhà khoa học luôn được các thế hệ lãnh đạo tỉnh quan tâm, chú trọng, xem đó là hướng đi mới trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh.
Kể từ khi bắt đầu đi vào hoạt động (năm 2013), tại Trung tâm ICISE đã diễn ra gần 150 hội nghị khoa học quốc tế và hơn 45 trường học khoa học chuyên đề với gần 10.000 nhà khoa học đến từ 35 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia, trong đó có 18 giáo sư đạt giải Nobel, 2 giáo sư đạt giải Fields (Nobel Toán học).
Để khoa học và công nghệ trở thành một động lực tăng trưởng, tỉnh đang khẩn trương triển khai xây dựng Khu Đô thị Khoa học Quy Hòa với mục tiêu đưa Quy Nhơn trở thành một thành phố khoa học-giáo dục đặc trưng của cả nước.
Khu đô thị có quy mô diện tích 242ha. Hiện đã có một số dự án đi vào hoạt động như: Dự án Công viên Sáng tạo TMA; Dự án Công viên Phần mềm; Khu Tổ hợp Không gian Khoa học với nhà Mô hình vũ trụ, Trạm quan sát thiên văn phổ thông và Khu thiếu nhi.
“Tôi tin tưởng rằng trong tương lai không xa, nhiều công trình nghiên cứu khoa học có giá trị sẽ ra đời từ mảnh đất này, góp phần đưa khoa học nước nhà không ngừng phát triển. Tỉnh cam kết sẽ luôn đồng hành với Hội Gặp gỡ Việt Nam, Trung tâm ICISE," Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết.
Hội nghị sẽ có 31 phiên họp với các phiên toàn thể và các phiên chuyên đề chuyên sâu về Vật lý thiên văn, Vật lý Năng lượng cao.
Bên lề các hoạt động học thuật, Hội nghị còn tổ chức đưa các nhà khoa học quốc tế tham quan tìm hiểu lịch sử văn hóa địa phương, tham quan các địa danh du lịch nổi tiếng như Kỳ Co, Bảo tàng Quang Trung, Tháp đôi, Tháp Bánh Ít.../.